(NQS) – Không chỉ là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC, Ngân hàng Sacombank còn cho cá nhân vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết vay rất nhiều.
Sacombank chủ nợ lớn nhất
Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán ROS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những tin đồn liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đã nhen nhóm một vài ngày qua, hậu quả khiến các mã cổ phiếu thuộc họ FLC cắm đầu hai phiên liên tiếp. Tuy nhiên, thông tin Chủ tịch FLC bị bắt khiến dư luận, nhà băng và nhiều nhà đầu tư hoang mang. Đặc biệt, trong bối cảnh nợ vay của FLC và các doanh nghiệp xung quanh hệ sinh thái FLC tại các nhà băng rất lớn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% và tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng.
Chỉ đứng sau Sacombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho FLC vay hơn 1.747 tỷ đồng. Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 1.392 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với 634 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với 169 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản vay tại NCB đang được đảm bảo bởi 60 triệu cổ phần BAV.
Ở cả Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Hàng Không Tre Việt (Bamboo Airways, BAV), ông Trịnh Văn Quyết đều nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. FLC từng là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Bamboo Airways và hiện nay vẫn là một cổ đông lớn.
Chủ nợ của cả hai vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết
Không chỉ cho FLC vay, một số ngân hàng kể trên, bao gồm cả Sacombank và NCB cũng là chủ nợ của hai vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.
Ngày 10/1/2022, cá nhân ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp đã thế chấp toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Bên bảo đảm bao gồm 17 triệu cổ phần BAV do ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ cho khoản vay của mình tại Sacombank.
Trước đó, vào ngày 12/10/2021 và 10/12/2021 ông Quyết đã lần lượt thế chấp 114,3 triệu cổ phần và 28,5 triệu cổ phần BAV thuộc sở hữu của mình tại nhà băng nói trên.
Từ tháng 4/2021, vị đại gia gốc Vĩnh Phúc đã cầm cố 352,7 triệu cổ phần cho các khoản vay của mình tại Sacombank. Lưu ý rằng, tháng 4/2021, Sacombank đã ký kết hợp tác toàn diện với Bamboo Airways và hệ sinh thái liên quan tới hãng hàng không này, sau lễ ký, cá nhân ông Quyết cùng các công ty của mình gia tăng các giao dịch tín dụng với Sacombank.
Ngoài Sacombank, chỉ riêng trong năm 2021, ít nhất có 175 triệu cổ phần BAV cũng được Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC thế chấp tại NCB 85,5 triệu cổ phần BAV được sử dụng làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng OCB.
Được biết, dù không còn là công ty con của tập đoàn FLC, nhưng đến ngày 1/6/2021, ông Trịnh Văn Quyết vẫn sở hữu 56,5% – tương đương 904 triệu cổ phần Bamboo Airways. Trong tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nắm giữ của ông Quyết sau khi phát hành thêm cổ phiếu không được công bố.
Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, các chủ nợ sẽ thế nào?
Trao đổi với PV về câu chuyện trong trường hợp nêu trên, các chủ nợ liệu có bị ảnh hưởng, thu hồi được không, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, theo luật sẽ chuyển hết khoản nợ của ông Quyết và các pháp nhân liên quan trực tiếp thành nợ xấu.
Dù cho doanh nghiệp, cá nhân đang là nợ tốt, nhưng chuẩn ra từ ngày mai tất cả các khoản nợ đó sẽ thành nợ xấu, tất nhiên sẽ có thêm độ trễ, có thời gian và cân nhắc nhiều thứ. Lúc này sẽ thực hiện theo Nghị quyết 42, thu giữ các tài sản bảo đảm..
“Hiện tại nó có thể vướng ở chỗ cơ quan chức năng điều tra, sẽ án binh bất động hết. Sau hòm hòm rồi, cơ quan chức năng sẽ theo các luật đã quy định để cho phép các ngân hàng xử lý, đồng nghĩa với nguy cơ ngân hàng sẽ mất vốn, giá trị mất vốn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Đức cho hay.
Phân tích thêm về thiệt hại cho nhóm đầu tư trên sàn chứng khoán và nhóm nhà đầu tư bất động sản, nghỉ dưỡng, ông Đức nhận định, về nhóm đầu tư trên sàn đang gặp rủi ro cao khi có nguy cơ mất trắng.
Trong khi đó, nhóm đầu tư bất động sản sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng khai thác, thương hiệu, lợi thế, khách hàng.. sẽ bị tác động tiêu cực trong thời gian trước mắt.
Về sau này, doanh nghiệp có thể chuyển chủ, cơ cấu sẽ có hy vọng trở về bình thường. Nếu tốt thì trở lại tình trạng tốt, xấu thì ở đúng với bản chất của nó.
“Không chỉ FLC, mà các doanh nghiệp khác có liên quan trực tiếp cũng sẽ bị đưa vào dạng đặc biệt để điều tra bởi bản chất ông Trịnh Văn Quyết là ông chủ. Thao túng chứng khoán không đơn thuần là đặt lệnh mà còn sẽ có nhóm này, nhóm kia câu kết với nhau”, ông Đức nhấn mạnh.
Lam Hồng
—————–
Người quan sát (Bất động sản) 30-3-2022:
(353/1.179)
#FLC #sacombak