Vụ nợ 8.5 triệu bị đòi 8.8 tỷ: Lãnh đạo trung tâm thẻ 1 số ngân hàng tiết lộ cách tính lãi hoàn toàn khác
(ĐS&PL) – Theo lãnh đạo trung tâm thẻ của một số ngân hàng thì thông thường, ngân hàng không tính theo phương pháp chồng lãi với khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển thành nợ xấu.
Trong vụ việc khách hàng P.H.A (ở Quảng Ninh) nợ thẻ tín dụng 8.5 triệu đồng, 11 năm sau bị Eximbank đòi hơn 8.8 tỷ đồng, vấn đề phương thức tính lãi, phí phạt của ngân hàng ra sao để dẫn đến con số khủng như vậy vẫn là điều khiến dư luận quan tâm, bàn luận sôi nổi.
Anh A chia sẻ, chính bản thân anh cũng không được phía ngân hàng cho biết phương thức tính lãi ra sao khi dư nợ từ 8.5 triệu đồng lại lên tới gần 9 tỷ đồng.
Phía Eximbank chỉ thông tin rằng, phương thức tính lãi, phí thẻ tín dụng là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký khách hàng.
Công văn nhắc nợ gây “bão” những ngày qua.
Thông tin trên VTV.VN cho biết, theo biểu phí mới nhất được đăng tải trên trang web của Eximbank, với hạn mức tín dụng chỉ có 10 triệu đồng, chủ thẻ này sẽ phải chịu các loại phí như phí tài chính 33%/năm, phí trễ hạn 5% số tiền thanh toán tối thiểu, phí vượt hạn mức 15%.
Theo lãnh đạo trung tâm thẻ của các ngân hàng lớn, việc dư nợ 8.5 triệu đồng mà nợ gốc, lãi, phạt lên tới 8.8 tỷ đồng chỉ có thể là do tính theo phương pháp chồng lãi. Tức là, tính lãi dựa trên cả số nợ gốc, lãi phát sinh, phí và phạt.
Các vị này cho biết thêm, phần lớn các ngân hàng không tính theo phương pháp chồng lãi mà áp dụng theo thông lệ là đối với một khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển thành nợ xấu thì các ngân hàng sẽ khoanh nợ sau khi tính cả gốc, lãi và tiền phạt.
Chẳng hạn, dư nợ 8.5 triệu đồng sau khi cộng lãi, phạt sẽ thành khoảng 10 triệu đồng. Để không tạo áp lực nợ không thể trả với khách hàng thì dù 11 năm sau, tiền lãi sẽ tính trên con số gốc 10 triệu đồng này cũng chỉ dừng ở mức khoảng 60 triệu đồng.
Cũng về trường hợp này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói trên VTV.VN rằng, thông thường một vài tháng, hoặc cùng lắm 1-2 năm là giải quyết xong. Hai bên có thể đàm phán với nhau, miễn giảm gốc lãi, hoặc xóa nợ. Nhưng trường hợp này khiến người ta giật mình vì quá lâu và con số quá lớn.
Để khoản nợ từ 8,5 triệu lên đến hơn 8,8 tỷ đồng thì chỉ có thể là do phương pháp tính chồng lãi. (Ảnh: VTV)
Trong khi đó, Chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh chia sẻ trên báo Tiền Phong rằng, trong sự việc này, giữa khách hàng và ngân hàng đang có những thông tin trái ngược.
“Theo luật, nếu khách hàng chứng minh được ngân hàng không có bất kỳ tương tác gì với khách hàng để chứng tỏ khách hàng biết đang nợ ngân hàng, thì sau thời gian 2 năm ngân hàng không thể khởi kiện thương mại” – ông Chánh thông tin.
Được biết, hiện tại anh A đã ủy quyền cho luật sư để làm việc với ngân hàng Eximbank. Trước đó, phía Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có liên hệ, mời anh A đến làm việc song anh từ chối. Người đàn ông này cho rằng, việc ngân hàng mời tới làm việc phải theo quy trình và văn bản cụ thể, thể hiện làm việc với những đơn vị nào, nội dung gì. Đồng thời anh A cũng muốn có luật sư của mình và báo chí cùng tham gia.
Lam Giang
————-
Đời sống và Pháp luật (Xã hội) 16-3-2024:
(67/710)