(TN) – FLC đề nghị hủy bỏ giao dịch cổ phiếu này trong ngày 1.4 và đình chỉ, tạm ngừng giao dịch để làm rõ các dấu hiệu bất thường.
Kết thúc phiên giao dịch 1.4, cổ phiếu FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC đạt thanh khoản khủng, thoát “nằm sàn”, nhưng Tập đoàn FLC lại không vui vì điều này. FLC cuối ngày 1.4 đã gửi văn bản kiến nghị hủy kết quả giao dịch và đồng thời tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường. Cụ thể, cả phiên 1.4, mã FLC có hơn 100 triệu đơn vị được khớp lệnh, giúp cổ phiếu này đóng cửa giảm nhẹ ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu sau 4 phiên giảm sàn liên tục trước đó. Đặc biệt, thanh khoản hai phiên liền kề trước đó chỉ đạt dưới 1 triệu và 1,5 triệu đơn vị/phiên, chỉ đạt 1% khối lượng giao dịch trong ngày 1.4.
Văn bản từ FLC cho rằng đã xuất hiện thông tin ông Đặng Tất Thắng – Chủ tịch Tập đoàn FLC mới được bổ nhiệm sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt – đăng ký mua cổ phiếu FLC là sai sự thật, làm ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu FLC nói chung. “Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp; làm mất an ninh, an toàn của thị trường; gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với thị trường chứng khoán”, văn bản của tập đoàn FLC bày tỏ sự lo ngại.
Chủ tịch mới của FLC đề xuất tạm ngừng giao dịch cổ phiếu này |
Vậy có căn cứ nào để FLC đề xuất tạm ngừng giao dịch cổ phiếu này hay không? Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khẳng định không có bất kỳ quy định nào, ngay cả quy chế giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cũng không nói về trường hợp tạm ngừng giao dịch một cổ phiếu trên sàn niêm yết khi chưa có kết luận điều tra vi phạm nào. Còn nếu nghi ngờ giao dịch không đúng quy định, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán sẽ kiểm tra, xem xét xử lý sau. Trong khi đó, các hoạt động mua bán trong ngày 1.4 vẫn diễn ra bình thường. Giả sử số lượng cổ phiếu FLC với hơn 100 triệu đơn vị đó được mua từ 10 nhà đầu tư hay 100 nhà đầu tư thì vẫn chưa có dấu hiệu gì vi phạm các quy định giao dịch trên sàn, ngoại trừ các trường hợp mua bán phải công bố thông tin trước theo quy định (như lãnh đạo công ty, người có liên quan các lãnh đạo và cổ đông lớn giữ từ 5% vốn trở lên…).
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Văn bản của FLC không chỉ ra được sai trái gì cụ thể mà chỉ nói chung chung là hoàn toàn không có cơ sở để dẫn đến việc hủy bỏ giao dịch cổ phiếu trong ngày 1.4 hay tạm dừng giao dịch trong những phiên tới. Chuyện mua bán khi nào, số lượng bao nhiêu của một cổ phiếu trên sàn là chuyện bình thường nếu nhà đầu tư bắt đầu dự báo cổ phiếu đã giảm mạnh nên mua vào. Lượng mua vào sau khi FLC mất thanh khoản nhiều phiên liên tiếp là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn thoát hàng. Thậm chí cũng có thể là cơ hội cho doanh nghiệp khi có những cổ đông chiến lược mới tham gia…
Mai Phương
—————-
Thanh niên (Chứng khoán) 02-4-2022:
https://thanhnien.vn/flc-xin-tam-ngung-giao-dich-co-phieu-theo-co-so-nao-post1444679.html
(336/672)