3.699. Cần hiểu rõ thẻ tín dụng để sử dụng hợp lý, hiệu quả

Cần hiểu rõ thẻ tín dụng để sử dụng hợp lý, hiệu quả

(PNHCM) – Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM xung quanh vụ việc một khách hàng ở tỉnh Quảng Ninh nợ 8,5 triệu đồng thẻ tín dụng bị đòi 8,8 tỉ đồng sau 11 năm, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM – cho hay, sau vụ việc này, một số người đã đi kiểm tra tài khoản hoặc hủy thẻ không dùng đến, điều này góp phần nâng cao chất lượng sử dụng thẻ.

Phóng viên: Theo ông, trong vụ việc xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh, lỗi là do ngân hàng hay khách vay? Vì sao ngân hàng lại để khoản vay của khách tăng tới 1.000 lần mới nhắc nợ, đòi nợ? 

Ông Nguyễn Đức Lệnh:  Lỗi có thể đến từ 2 phía. Có thể do khách hàng chưa hiểu rõ bản chất của thẻ tín dụng. Một số người nghĩ thẻ tín dụng giống như thẻ ghi nợ nhưng thực chất, việc sử dụng, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ với 2 loại thẻ này rất khác nhau. Cũng có thể do ngân hàng chưa hướng dẫn kỹ để khách hàng biết và hiểu rõ sản phẩm thẻ tín dụng mà họ đang dùng.

* Xin ông nói rõ về sự khác nhau này?

– Nếu chia theo chức năng và bản chất dòng tiền trên tài khoản, sẽ có 2 dòng thẻ là thẻ ghi nợ (debit card, còn gọi là thẻ ATM, thẻ thanh toán) và thẻ tín dụng (credit card).

Trên mặt thẻ đều có ghi dòng chữ credit hoặc debit để giúp phân biệt 2 dòng thẻ, nhưng đa số khách hàng vẫn chưa phân biệt được. Đó là do mặt trước và mặt sau của 2 thẻ đều in chung logo của các tổ chức liên kết phát hành quốc tế là visa, mastercard, JCB và dãy số bảo mật (CVV hoặc CVC). Sau này, thẻ ghi nợ của một số ngân hàng có logo Napas, gọi là thẻ ghi nợ nội địa, do ngân hàng liên kết với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) phát hành. Tiền trong thẻ ghi nợ là tiền gửi của khách hàng, khách hàng có bao nhiêu tiền thì dùng bấy nhiêu.

Cần hiểu rõ thẻ tín dụng
Khách dùng thẻ tín dụng để thanh toán khoản mua sắm ở siêu thị Aeon Mall Bình Tân (quận Bình Tân, TPHCM)

Còn thẻ tín dụng là thẻ mà tiền trong đó là do ngân hàng cho vay để khách hàng chi tiêu, mua sắm, được miễn lãi suất trong vòng 30-55 ngày và đến cuối kỳ, khách hàng phải trả lại đầy đủ số tiền đã chi tiêu hoặc một phần tối thiểu (ngân hàng có gửi sao kê hằng tháng qua email, tin nhắn) để không bị tính lãi suất. Nếu thanh toán không đúng hạn, khách hàng sẽ bị phạt lỗi trả chậm, tính lãi phạt chậm trả. Loại thẻ này chỉ phục vụ mục đích mua sắm, nếu khách rút tiền mặt thì phí rút tiền khá cao.

* Theo ông, cần làm gì để hạn chế phát sinh những rủi ro cho chủ thẻ? 

– Thẻ tín dụng có ưu điểm là được miễn lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu dùng đúng, thẻ này đem lại lợi ích rất lớn cho khách hàng, ngân hàng và cả nền kinh tế, giúp kích thích tiêu dùng, mua sắm, kích thích các dịch vụ ngân hàng phát triển. Do vậy, thẻ tín dụng rất phổ biến ở các nước và có những cá nhân sở hữu cả chục thẻ.

Để được cấp thẻ tín dụng, khách hàng phải chứng minh được năng lực tài chính. Tất cả nội dung này cần phải được phía ngân hàng thông tin, tư vấn đầy đủ cho khách hàng. Sau khi phát hành thẻ, ngân hàng phải theo dõi, đôn đốc khách hàng bởi đó là một khoản vay. Phía ngân hàng phải nói rõ với khách hàng rằng, nếu không thanh toán đúng hạn thì sẽ bị tính lãi suất, tính phí phạt với mức cụ thể là bao nhiêu và trách nhiệm tự bảo mật như thế nào.

Việc đóng tài khoản phải tuân thủ đúng quy định. Các ngân hàng chỉ tạm khóa, đóng tài khoản khi có yêu cầu của khách hàng, trừ trường hợp chủ tài khoản chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa thanh toán xong các khoản nợ phải trả cho tổ chức tín dụng. Nếu tài khoản chưa đóng thì vẫn phát sinh phí dịch vụ duy trì thẻ, phí thường niên. Do đó, nhân viên ngân hàng cũng phải tư vấn rõ ràng, công khai với khách.

Có như vậy mới hạn chế phát sinh nợ quá hạn, phát sinh những vấn đề không đáng có ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, chất lượng dịch vụ, thương hiệu thẻ.

* Xin cảm ơn ông. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Cần sửa đổi luật, áp dụng thống nhất quy định về lãi suất cho vay 

Khoản 1, điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp có quy định khác ở luật khác; nếu cộng thêm lãi suất quá hạn cũng không được quá 30%/năm. Còn theo Bộ luật Hình sự, cho vay với lãi suất trên 100% là phạm tội cho vay nặng lãi. 

Hiện nay, các tổ chức tín dụng không chỉ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 mà còn chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản quy định khác, như Thông tư 32/2016/TT-NHNN, Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, mức lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận, tổ chức tài chính được phép tự ấn định lãi suất cho vay và được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, hiện các quy định này lại không áp dụng cho ngành ngân hàng. Do đó, ngân hàng có thể cho vay với lãi suất 100%, thu lãi quá hạn 150%/năm và đặc biệt là tính lãi nhập gốc lên đến cả ngàn %/năm vẫn không trái luật. 

Đã từng có quy định, tổ chức cho vay bên ngoài ngành ngân hàng chỉ được nhập lãi vào gốc 1 lần, nhưng riêng các ngân hàng thì chưa từng bị giới hạn số lần. Do đó, ngân hàng có thể nhập lãi vào gốc hằng ngày và con số 8,8 tỉ đồng trong vụ việc xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh có thể lên đến 13 tỉ đồng.

Khách hàng rất khó quỵt (bùng) nợ thẻ tín dụng bởi thông thường, khi gần đến hạn thanh toán, ngân hàng gửi bản sao kê thẻ tín dụng qua email hoặc thông báo qua tin nhắn cho khách hàng; nếu khách chậm thanh toán thì nhân viên ngân hàng gọi điện thoại nhắc nợ; khi chuyển thành nợ xấu thì ngân hàng có thể phát mại tài sản đảm bảo, bán nợ, khởi kiện ra tòa để tất toán nợ chứ không để kéo dài tới 11 năm như vậy. 

Chi phí lãi suất, lãi phạt, các loại phí đều được thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng không đọc hoặc đọc mà không hiểu. Cũng có trường hợp thỏa thuận miệng lãi suất thấp nhưng trong hợp đồng lại ghi mức lãi suất cao hơn, thậm chí cả bản hợp đồng được đánh máy nhưng chỗ ghi lãi suất lại bỏ trống và nhân viên ngân hàng dùng bút mực điền sau.
Theo tôi, đã đến lúc phải sửa đổi luật, áp dụng thống nhất quy định về lãi suất cho vay đối với mọi thành phần kinh tế, nghĩa là lãi suất cao thì cùng cao, thấp thì cùng thấp, mới công bằng, bình đẳng, hợp lý, hợp tình. 

 

Ông Lâm Minh Chánh – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni, chuyên gia về tài chính cá nhân: Mối quan hệ ngân hàng –  khách hàng quá lỏng lẻo

Thẻ tín dụng rất hữu ích, tiện lợi khi được dùng để mua sắm, thanh toán online, là công cụ để vay khẩn cấp do hạn mức vay đến 80 – 90% hạn mức thẻ, lãi suất thấp hơn lãi suất vay tiêu dùng. Có những trang web chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Nhưng điểm nguy hiểm của thẻ tín dụng là sau thời gian miễn lãi suất, nếu thanh toán chậm thì lãi suất phạt rất cao (từ 4 – 6%/tháng tùy ngân hàng). Như trong vụ khách nợ 8,5 triệu đồng bị đội lên thành 8,8 tỉ đồng sau 11 năm thì lãi suất phạt là 5,4%/tháng, tương đương 88%/năm. Tiền phạt trả chậm và mức lãi suất này đã được thể hiện trong hợp đồng ký kết và đương nhiên vẫn đúng theo luật pháp. Sau sự việc hy hữu tại Eximbank, không ít người sử dụng thẻ (thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ) đã tới ngân hàng để hủy thẻ, kiểm tra xem mình có đang mắc nợ ngân hàng không. Không ít khách đã phát hiện mình không dùng đến thẻ ghi nợ nhưng vẫn phát sinh phí quản lý thẻ (khoảng 11.000 đồng/tháng tùy ngân hàng).

Từ 2 việc trên, có thể thấy, giữa ngân hàng và khách hàng không có mối liên hệ với nhau; việc ký kết hợp đồng, cấp thẻ giữa ngân hàng và khách hàng đang có vấn đề. Ngân hàng thiếu trách nhiệm trong việc thông tin đầy đủ với khách hàng về phí thẻ, các loại phí phát sinh nếu thanh toán chậm; khách hàng thì thờ ơ với các loại thẻ mà mình đã đăng ký và được phát hành.

Nếu sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng cần phải đọc kỹ, hiểu rõ hợp đồng, thanh toán đúng hạn, nếu chưa đủ tiền thanh toán thì có thể thanh toán mức tối thiểu (khoảng 5% dư nợ thẻ) để không phát sinh lãi phạt. Để tránh trường hợp bị quên, khách nên đăng ký trích nợ thẻ tín dụng tự động với ngân hàng hoặc đặt lịch nhắc thanh toán thẻ.

Hoa Lài (ghi)

Thanh Hoa

—————

Phụ nữ TP HCM (Thị trường) 20-3-2024:

https://www.phunuonline.com.vn/can-hieu-ro-the-tin-dung-de-su-dung-hop-ly-hieu-qua-a1514375.html

(513/1.781)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,997