(QHTV) – Trong thời gian qua việc kê khai giá trị bất động sản thấp hơn giá trị thực tế trong hợp đồng mua bán nhằm trốn thuế chuyển nhượng bất động sản đã diễn ra khá thường xuyên dẫn đến việc thất thu ngân sách nhiều tỷ đồng. Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng Cục thuế và Bộ Công an tăng cường thanh tra rà soát các hợp đồng mua bán bất động sản để tránh tình trạng trốn thuế, thu thêm 222 tỷ đồng cho ngân sách
Tình trạng kê khai hai giá trong hợp đồng mua bán bất động sản nhằm trốn thuế diễn ra phổ biến, nguyên nhân chính là do thiếu cơ chế kiểm soát và định giá bất động sản. Công cụ kiểm soát mà cơ quan thuế đang áp dụng là mức giá hợp đồng không được thấp hơn mức giá khung được Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định dựa trên khung giá do Chính phủ quy định tuy nhiên mức giá này lại thấp hơn nhiều so với mức giá thật trên thị trường và vì thế không có tác dụng trong việc ngăn chặn trốn thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Không có một cơ sở nào để cán bộ thuế khẳng định được rằng hồ sơ nào là hợp lý hay không hợp lý, có chăng chỉ dừng ở mức khuyến nghị đề nghị người mua bán làm đúng theo thỏa thuận theo thực chất của giao dịch còn nếu người ta vẫn khẳng định dùng giá khác thì không có căn cứ gì để bắt buộc, mà nó sẽ phải xử lý bằng những vụ điều tra riêng thậm chí là hình sự thì mới có thể xem xét kết luận được”
Hiện nay Khung giá đất do Chính phủ ban hành được xây dựng 5 năm một lần, khoảng thời gian khá dài và không phù hợp với thực tế biến động thị trường. Theo các chuyên gia việc điều chỉnh khung giá đất cần được điều chỉnh linh hoạt theo biến động thị trường và không cố định ở một mức thời gian nào.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Tôi cho rằng phải quy định giá cả thị trường ví dụ từ 10 hay 20% trở lên cái giá đó là hoàn toàn có thể khảo sát đánh giá được thì chúng ta buộc phải điều chỉnh trong vòng 6 tháng, 5 tháng gì đấy. Nếu như dưới mức đấy thì chúng ta có thể giữ ổn định không cần xác định là bao nhiêu năm.”
PSG. TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính: “Nếu như tới đây chúng ta sửa Luật đất đai, chúng ta giao hoàn toàn quyền về xác định giá đất do UBND Tỉnh quy định và không giới hạn trong khung do chính phủ quy định nữa đồng thời điểu chỉnh những quy trình về xác định giá đất của UBND cấp tỉnh thì giá do UBND tỉnh quy định sẽ sát hơn so với giá thị trường.”
Ngoài ra để việc thu thuế chuyển nhượng được minh bạch cần phải thiết lập cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Theo đó các chuyên gia đề xuất quy định bắt buộc mọi giao dịch bất động sản phải được thực hiện qua ngân hàng và đây sẽ là cơ sở cho việc kiểm soát, truy xuất và thu được thuế.
Thực hiện : Như Hiền Minh Chiến
————-
Truyền hình Quốc hội (Xã hội) 04-4-2022:
(294/653) #BĐS #thue #nhadat