3.700. Kéo dài Nghị quyết 42 thêm bao lâu là đủ? 

(ĐT) – Khác với dự thảo ban đầu về đề xuất kéo dài thêm 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vừa đề xuất chỉ kéo dài 2 năm. Có ý kiến cho rằng nên kéo dài đến lúc Luật Xử lý nợ xấu được ban hành.

Ảnh minh họa: Internet

Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thẩm tra Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42/2017/QH17/QH14, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.

Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,2% so với thời điểm Nghị định số 42 có hiệu lực (15/8/2017).

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh kiến nghị, cần xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, do việc xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để ban hành được Luật cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong khi đó, Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không tiếp tục được ưu tiên áp dụng một số chính sách quy định tại Nghị quyết số 42.

“Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 trong giai đoạn 2022 – 2024”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, việc đề xuất dự kiến thời gian kéo dài hiệu lực của Nghị quyết là 2 năm để phù hợp với Chương trình xây dựng Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp được phê duyệt việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42, để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5 năm 2022.

Luật Xử lý nợ xấu cần giải quyết được khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản bảo đảm; hỗ trợ việc hình thành một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự tại Việt Nam.

Trước đó, tại tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14, Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài 3 năm.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc ban hành Nghị quyết giữ nguyên nội dung tại Nghị quyết 42 và sửa đổi thời hạn áp dụng là cần thiết để đảm bảo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu hiện nay. 

“Kéo dài 2 năm là đủ và hợp lý. Nghị quyết 42 đã thực hiện được 5 năm, thêm 2 năm là thành 7 năm. Song song với việc thực hiện Nghị quyết mới cần xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. Có ý kiến đề xuất kéo dài Nghị quyết 42 cho đến khi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành và có hiệu lực, nhưng 7 năm là quá đủ cho một Nghị quyết thí điểm như vậy”, ông Đức nói. 

Từ góc độ khác, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, bên cạnh việc kéo dài thực hiện quy định tại Nghị quyết 42, cần xem xét luật hóa quy định về xử lý nợ xấu.

Theo đó, xây dựng Luật Xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn và giải quyết các vướng mắc.

Các vướng mắc đó là: sự vào cuộc, phối kết hợp chưa đồng bộ của các cơ quan chức năng, địa phương; giải quyết trở ngại trong xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của tổ chức tín dụng; việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; vướng mắc về thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế chuyển nhượng TSBĐ; thiếu thông tin về hiện trạng TSBĐ; và khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.

Ngoài ra, Luật Xử lý nợ xấu cần giải quyết được khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSBĐ; hỗ trợ việc hình thành một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự tại Việt Nam.

Xuân Yến 

————–

Đấu thầu 04-4-2022:

https://baodauthau.vn/keo-dai-nghi-quyet-42-them-bao-lau-la-du-post122061.html

(136/1.102)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,165