Co kéo từng đồng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân
(VNN) – Việc quy định về giảm trừ gia cảnh là một thành tố quan trọng trong chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của hầu hết quốc gia. Nhưng mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu luôn là vấn đề gây tranh cãi.
Lời tòa soạn:
Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá chung, quá nhiều bậc thuế, chưa tính đúng tính đủ với các hộ kinh doanh (nhất là bán hàng online)…
Tuy nhiên, phải đợi đến 2026 Luật Thuế thu nhập cá nhân mới có thể được sửa đổi. Việc sửa đổi lần này đòi hỏi cần có những cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, tạo công bằng hơn với người nộp thuế.
Loạt bài Bất cập thuế thu nhập cá nhân do VietNamNet thực hiện góp thêm góc nhìn cho vấn đề luôn được dư luận quan tâm này.
Thu nhập bao nhiêu phải đóng thuế?
Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh…, Vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.
Theo Bộ Tài chính, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chi phí sinh hoạt luôn đè nặng lên người dân. Ảnh: Nguyễn Huế
Cá nhân có thu nhập dưới 120 triệu đồng/tháng, theo hiện hành, số thuế TNCN phải nộp so với thu nhập cũng chưa đến 20%.
Cụ thể: cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 6,56%/thu nhập.
Thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 11,74%/thu nhập.
Thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 15,55%/thu nhập.
Thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 18,44%/thu nhập.
Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 120 triệu đồng thì số thuế TNCN phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập.
Cụ thể: cá nhân có thu nhập 120 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 21,2%/thu nhập; thu nhập 150 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 23,96%/thu nhập… Việc tính toán này với giả định cá nhân có 1 người phụ thuộc, trường hợp cá nhân có nhiều hơn 1 người phụ thuộc thì số thuế phải nộp cũng thấp hơn tương ứng.
Bộ Tài chính tính toán như vậy, song thời gian qua, vẫn nhiều ý kiến nhận xét mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn…
Thực tế, không ít gia đình đang phải “co kéo từng đồng” cho sinh hoạt mà vẫn phải chịu thuế TNCN, nhất là ở các thành phố lớn.
Như gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở Hà Nội, những ngày này, vợ chồng chị bắt đầu đến kỳ quyết toán thuế TNCN. Thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng khoảng 36 triệu đồng. Với mức thu nhập này, sau khi đã giảm trừ gia cảnh với hai người con thì vợ chồng chị Hương vẫn phải đóng thuế TNCN. Dù số tiền thuế TNCN phải đóng không nhiều nhưng cũng khiến chị thấy ấm ức.
“Chi phí hàng tháng của gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau khi vừa phải trả góp tiền mua căn hộ chung cư mỗi tháng 11 triệu đồng; 3 triệu đồng phụng dưỡng bố mẹ già hàng tháng; tiền điện, tiền nước, chi tiêu sinh hoạt của 2 vợ chồng và hai con.
Số tiền giảm trừ gia cảnh của các con cũng chỉ đủ trang trải cho việc học của chúng hàng tháng. Trong khi bố mẹ không được tính giảm trừ vì có khoản lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập không đủ chi mà vẫn phải đóng thuế, tôi thấy thực sự bất cập”, chị Hương nói.
Chi phí y tế, giáo dục nên được giảm trừ
Dẫn kinh nghiệm các nước, Bộ Tài chính cho biết: Hầu hết pháp luật thuế TNCN của các nước đều có quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo các hình thức và cách thức khác nhau.
Về phân loại, các khoản giảm trừ TNCN các nước áp dụng được chia thành ba nhóm.
Một là giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ chung ở nhiều nước còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Qua đó, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan thuế trong việc quản lý, quyết toán thuế, nhất là khi số thuế thu được từ các đối tượng có thu nhập dưới ngưỡng thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong khi chi phí quản lý thu đối với các đối tượng này thường không nhỏ.
Do nhu cầu sống của các cá nhân người nộp thuế rất khác nhau (nhu cầu tiêu dùng khác nhau, đặc điểm tiêu dùng của mỗi vùng mỗi khác…), kinh nghiệm các nước cũng cho thấy việc đưa ra mức giảm trừ bao giờ cũng là vấn đề thường có nhiều ý kiến khác nhau.
Hai là các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ… Đây là các khoản giảm trừ áp dụng cho những người mà đối tượng nộp thuế phải nuôi dưỡng (người phụ thuộc). Tuy nhiên, phạm vi người phụ thuộc của các nước cũng có sự khác biệt và có các tiêu chí khác nhau. Mức giảm trừ quy định cho người phụ thuộc thường được quy định thấp hơn so với mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế.
Một số nước có khống chế số lượng người phụ thuộc được tính giảm trừ (ví dụ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…) song cũng có nhiều nước không khống chế (ví dụ, Mỹ, Anh). Cũng có nước không quy định riêng mức giảm trừ cho người phụ thuộc và cho cá nhân người nộp thuế mà quy định một mức chung (ví dụ Trung Quốc…).
Hai cách giảm trừ trên Việt Nam đang áp dụng. Ngoài ra, một số quốc gia còn xây dựng các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…). Đây là các khoản giảm trừ mà đối tượng nộp thuế được hưởng khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định, ví dụ như chi tiêu cho các khoản mục mà nhà nước cần khuyến khích (chẳng hạn cho y tế, giáo dục…).
Theo đó, phạm vi các khoản giảm trừ này cũng rất đa dạng. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này. Có quốc gia cho phép giảm trừ chi phí giáo dục của con, có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp (để khuyến khích người dân sở hữu nhà) hay là các khoản đóng góp từ thiện.
Nhìn nhận khía cạnh này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đánh giá: Cần phải sửa Luật Thuế TNCN cho đúng nguyên tắc, bởi bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập là phải nộp thuế. Do đó, những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền mua nhà, xây nhà, thuê nhà… phải được quy định cụ thể trong luật được khấu trừ trước khi tính thuế TNCN như thế nào.
Cho phép trừ chi phí khi tính thuế TNCN nếu có hóa đơn cũng là điều được một chuyên gia thuế đề xuất nhiều năm nay. Ông Chung Thành Tiến, Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng, từng phân tích: Cơ quan thuế có thể giữ nguyên mức giảm trừ nhưng cho trừ một tỷ lệ phần trăm thực chi nếu có chứng từ với người phải nộp thuế. Khi đấy, người người đi khai thuế và cơ quan thuế sẽ biết được bên nào đang trốn thuế.
Đây cũng là động lực thúc đẩy người dân lấy hóa đơn – một vấn đề ngành thuế đang vận động bằng nhiều hình thức, kể cả “xổ số hóa đơn”. Các cơ sở kinh doanh sẽ không thể nào giấu được doanh thu. Theo vị này, việc cho phép người mua hàng được trừ thuế khi có chứng từ ở mức độ nào đó sẽ góp phần mang lại nguồn lợi cho ngân sách và “bớt việc thỏa thuận, cắt chia đối với thuế khoán mà thời gian qua đang là vấn nạn.
Lương Bằng – Nguyễn Lê
—————
Vietnamnet (Tài chính) ngày 26-3-2024:
https://vietnamnet.vn/co-keo-tung-dong-van-phai-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-2263027.html
(98/1.668)