3.711. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản, ngân hàng không thể phủi tay

(KTĐT) – Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ tiết kiệm với những khoản tiền lớn từ hàng tỷ lên tới hàng chục tỷ khiến dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm ngân hàng đến đâu?

Hàng chục tỷ đồng gửi tiết kiệm “không cánh mà bay”

Trao đổi với báo chí, bà N.T.L (Hà Nội) – khách hàng mất tiền tại Ngân hàng MSB, mới đây cho biết, số tiền hơn 58 tỷ đồng trong tài khoản mở tại ngân hàng trên bỗng dưng biến mất.

Trong thời gian ngắn, 2 khách hàng bị mất hơn 86 tỷ đồng trong tài khoản MSB

Bà N.T.L. bắt đầu gửi tiền vào MSB từ ngày 30/3/2021. Đến 26/9/2023, tổng cộng số tiền gửi là 58.650.00.000 đồng. Đến đầu tháng 10/2023, bà L. được cơ quan Công an TP Hà Nội mời lên làm việc và thông báo số tiền trong MSB không còn. Số dư tài khoản của bà L. đến ngày 23/10/2023 chỉ là 93.640 đồng.

Vụ việc chưa hết ồn ào thì lại có thêm một khách hàng của ngân hàng trên phản ánh cũng bị rút sạch số tiền 27,7 tỷ đồng. Theo đó, bà V.T.K.O, gửi tổng cộng 31,7 tỷ đồng vào ngân hàng MSB. Sau một số lần giao dịch, số dư trong tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 còn 27,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà O. đến ngân hàng MSB yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở tài khoản đến nay thì phát hiện trên tài khoản chỉ còn 46.328 đồng.

Cả bà L. và bà O. đều cho biết, sao kê tài khoản hiển thị rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do họ yêu cầu/thực hiện.

Trong khi đó, thông tin với báo chí, đại diện MSB cho biết: trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ công nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia ngân hàng M) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ. Hiện vụ việc đã được Công an TP Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra.

“Chúng tôi đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu. Chúng tôi đã thông tin phản hồi đến nhóm khách hàng có liên quan bằng văn bản”, thông cáo của MSB nêu.

Trước đó, ngày 18/11/2023, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Dương Quang Mẫn (35 tuổi) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, từ năm 2018 đến tháng 9/2021, Mẫn là chuyên viên bộ phận tín dụng tại một ngân hàng ở phường 14, quận Tân Bình, được phân công giải quyết hồ sơ tín dụng của ông T.A.L.. Mẫn đã lợi dụng vị trí, nhiệm vụ của mình, tự lập và giả chữ ký, chữ viết họ tên ông T.A.L. đề nghị giải ngân, chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, không ít khách hàng bị mất tiền gửi tại các ngân hàng. Đáng chú ý, một số vụ do các cán bộ, nhân viên của ngân hàng lừa đảo, tham ô, chiếm đoạt tiền gửi trong tài khoản của khách hàng. Điều này đang dấy lên sự lo ngại về sự an toàn và quy trình giao dịch gửi và rút tiền từ ngân hàng.

Hơn 430 tỷ đồng bị rút ruột liên quan đến hàng loạt ngân hàng thương mại, cùng hàng chục bị cáo trong đó có cả nhân viên ngân hàng đã và đang phải ra hầu hòa trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng bọn về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án đáng báo động về việc kiểm soát các giao dịch ngân hàng do có tới hàng trăm tỷ đồng đã được các bị cáo cấu kết, thông đồng rút ra, gửi vào và cuối cùng là tiền bị hao hụt lên tới cả trăm tỷ đồng.

Lỗ hổng giao dịch rút, chuyển tiền?

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý 1 năm 2024 do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết ngày 10/10/2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng trên có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, ông Tùng cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.

“Hiện công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Bước đầu xác định không có đồng phạm và công an đang xác định tiếp” – ông Tùng thông tin.

Trên thực tế, trong các vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dân thường rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và khá bị động.

Trong vụ mất 100 triệu đồng trong tài khoản tiền gửi ở ngân hàng Techcombank, anh N.V.B đã đăng tải một bài viết công khai trên trang cá nhân, đặt thắc mắc: “Tôi không biết ai có trách nhiệm với số tiền mình đã mất. Tiền gửi ngân hàng mất mà không ai có trách nhiệm gì với cá nhân khách hàng cả”.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, cần phải xác minh làm rõ nguyên nhân tuy nhiên, cũng có trách nhiệm thuộc về ngân hàng. Doanh nghiệp rút tiền còn có kế toán trưởng, có uỷ nhiệm chi, còn ở đây khách hàng không thực hiện giao dịch, (có những trường hợp ký khống hay ký giấy không có nội dung) mà lạ là trong quy trình nguyên tắc bảo mật như vậy mà ngân hàng vẫn cho rút tiền” – ông Đức nhấn mạnh.

“Đối với khách hàng thì phải bảo mật thông tin giao dịch. Không đưa cho bất kỳ người nào khác, kể cả nhân viên ngân hàng và phải kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ… Đặc biệt không được chủ quan, dễ dãi, không được giao dịch ngang tắt với nhân viên ngân hàng. Về phía ngân hàng, nhân viên cần tuân thủ mọi nguyên tắc, yêu cầu an toàn trong giao dịch với khách hàng. Ngân hàng cần đảm bảo quy trình giao dịch an toàn và có các biện pháp giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo sự tuân thủ của nhân viên” – Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), trong những vụ việc như trên, cơ quan công an cần vào cuộc để xác minh làm rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó đó mới xác định lỗi gây mất tiền là do khách hàng hay do ngân hàng.

Trong trường hợp sai về phía ngân hàng mà ngân hàng vẫn kiên quyết không chịu bồi thường thì khách hàng có quyền khởi kiện ngân hàng đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Liên quan đến vụ khách hàng mất hơn 58 tỷ đồng tại MSB, lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hành Nhà nước (NHNN) cho biết, sẽ kiểm tra. Trường hợp MSB chưa có báo cáo bằng văn bản thì NHNN sẽ yêu cầu báo cáo về vụ việc này.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi. Nhiều sự việc mất tiền trong ngân hàng gần đây là hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ các quy trình giao dịch ngân hàng và việc kiểm soát các giao dịch này. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì nguy cơ mất tiền tỷ sẽ còn tái diễn.

Trước đó, vào năm 2018, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (thời điểm còn là Phó Thống đốc), khi báo chí hỏi về người tiêu dùng khiếu nại mất tiền trong một số tài khoản tiết kiệm cho thấy lỗ hổng trong bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Bà Hồng cho biết: “NHNN có văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi… Đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra”.

Thảo Nguyên 

————-

Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 29-3-2024:

https://kinhtedothi.vn/hang-loat-vu-mat-tien-tren-tai-khoan-ngan-hang-khong-the-phui-tay.html

(201/1.588)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,679