Hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập – kiểm soát chặt chất lượng kiểm toán
(KT) – Bộ Tài chính cho biết, có những doanh nghiệp kiểm toán bỏ qua sai sót, tiêu cực đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích riêng, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập, tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập, chú trọng đào tạo nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp để các kiểm toán viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản dưới Luật để xử lý các vướng mắc, bất cập. Ảnh minh họa
Hàng chục doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán bị xử phạt
Triển khai Luật Kiểm toán độc lập, Nghị định số 17/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 202/2012/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán, Thông tư số 203/2012/TT-BTC về trình tự, thủ tục cấp, quản lý sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán…
Số lượng doanh nghiệp kiểm toán được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và số lượng kiểm toán viên được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong 5 năm gần đây về cơ bản ổn định hằng năm với hơn 2.000 kiểm toán viên hành nghề. Đến ngày 29/02/2024, cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.343 kiểm toán viên hành nghề.
Các doanh nghiệp kiểm toán đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp kiểm toán đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích của kiểm toán viên, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Các quy định đối với hành vi vi phạm hành chính, cũng như bị đình chỉ hành nghề, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán, bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán nếu vi phạm quy định đã được ban hành đầy đủ.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính (trực tiếp tại Bộ Tài chính và tại doanh nghiệp kiểm toán) đối với 22 doanh nghiệp kiểm toán và 5 kiểm toán viên hành nghề. Đình chỉ có thời hạn 20 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và có công văn nhắc nhở 27 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính (trực tiếp tại Bộ Tài chính và tại doanh nghiệp kiểm toán) đối với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề. Đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và có công văn nhắc nhở 21 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Một số hành vi vi phạm chủ yếu của các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên, như: Thực hiện kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện kiểm toán; bố trí kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán quá 3 năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán… Nhiều doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên kê khai thông tin, chưa đúng thực tế, chưa thống nhất giữa các tài liệu, hồ sơ…
Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, đã tương đối lâu. Từ đó đến nay, môi trường có nhiều thay đổi. Hơn nữa, dù đã có Luật Kiểm toán độc lập, Nghị định, Thông tư, Hệ thống 37 chuẩn mực kiểm toán, trong đó có chuẩn mực liên quan đến báo cáo tài chính. Thế nhưng có nhiều chuẩn mực mà các công ty kiểm toán đang dựa vào, đang bảo vệ họ.
Điều đó không chính xác, điều quan trọng nhất của kiểm toán là đánh giá các sai sót trọng yếu… Ví dụ đang lỗ thành lãi là sai sót trọng yếu hoặc những biến động quá nhiều về con số của doanh nghiệp mà kiểm toán không phát hiện ra thì không thể nói công ty kiểm toán không chịu trách nhiệm dù với bất cứ quy định nào. Kiểm toán không phải thanh tra hay điều tra, nhưng phải kiểm tra ra vấn đề và quan trọng nhất là đánh giá các khía cạnh trọng yếu để kết luận đúng bản chất cần thiết.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI
Hoàn thiện pháp luật, đào tạo nghiệp vụ và đạo đức
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Các doanh nghiệp kiểm toán đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp kiểm toán đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích của kiểm toán viên, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước. Điển hình như một số công ty kiểm toán độc lập có sai phạm trong việc kiểm toán Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Việc các doanh nghiệp kiểm toán độc lập này sai phạm xuất phát từ nhiều yếu tố, như: Năng lực của cán bộ kiểm toán; tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp; cũng không loại trừ việc cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Từ góc độ quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đã chỉ đạo “siết” chặt từ khâu tuyển dụng kiểm toán viên. Để được cấp Giấy chứng nhận kiểm toán viên tại các công ty kiểm toán độc lập, Bộ đã thực hiện các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật và tổ chức đào tạo, tổ chức thi. Trong các đợt thi kiểm toán viên, chưa có năm nào tỷ lệ thi đạt vượt qua 30%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các chuẩn mực về kiểm toán và phương pháp kiểm toán.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản dưới Luật để xử lý các vướng mắc, bất cập, như: Bổ sung các chế tài xử lý vi phạm, quy định việc phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để các cán bộ thẩm định hồ sơ có thể chủ động truy cập vào hệ thống bảo hiểm xã hội để khai thác, kiểm tra thông tin của kiểm toán viên…
Đồng thời, tăng cường phổ biến để các doanh nghiệp kiểm toán nắm rõ các quy định về đăng ký hành nghề. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán, kiểm tra lại hồ sơ, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử phạt và xử lý nghiêm; chú trọng đào tạo để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa và trình độ nghiệp vụ để kiểm toán viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình./.
Minh Anh
————-
Kiểm toán (Pháp luật) 04-4-2024:
(195/1.326)