3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) – Là mặt hàng “thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu”, nhưng nước sạch đang “cõng” rất nhiều loại thuế, phí, khiến hóa đơn tiền nước ngày càng tăng cao.
Tiền nước gánh thuế chồng phí

Tại hội thảo góp ý luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT, sửa đổi) chiều 16.4 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, luật sư (LS) Trương Thị Hòa (Đoàn LS TP.HCM) đề nghị sửa đổi quy định tại điều 9 “nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát chịu mức thuế 5%”. Theo bà Hòa, nước sạch phục vụ sinh hoạt nên được áp dụng mức thuế suất 0% bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người dân, thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cần được ưu tiên và đặc biệt đảm bảo đúng theo Hiến pháp 2013 “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”.

Có nên đánh thuế nước sạch

Nhiều ý kiến cho rằng cần đưa nước sạch sinh hoạt ra khỏi danh sách chịu thuế để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân

Đào Ngọc Thạch

Cùng quan điểm, thượng tá Nguyễn Minh Tâm (Công an TP.HCM) cho rằng cần đưa nước sạch sinh hoạt ra khỏi danh sách chịu thuế để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xa, vùng núi vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện bỏ thuế đối với nước sạch được các đại biểu đề xuất. Hồi tháng 10.2023, cử tri tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Hải Dương cũng đã phản ánh tình trạng người dân ở vùng nông thôn hiện nay phải nộp thêm tiền thuế GTGT đối với điện thắp sáng và nước sinh hoạt là không hợp lý. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu có chính sách để miễn các loại thuế này cho người dân sống tại vùng nông thôn. Thế nhưng Bộ Tài chính đã bác bỏ đề xuất này bằng viện dẫn luật Thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thu theo hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt theo mục đích, đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ và địa bàn tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, luật Thuế GTGT không có quy định về việc miễn, giảm thuế.

Không đồng tình với cách lý giải của Bộ Tài chính, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng tất nhiên việc thu thuế nằm trong quy định, nhưng các cử tri, đại diện cho tiếng nói của người dân đề xuất sửa quy định thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm rà soát lại các quy định xem đã phù hợp hay chưa, có bất cập không để nghiên cứu sửa đổi.

Ông Điền phân tích nước, điện, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu, trong đó điện, nước là “thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu” trong đời sống hằng ngày của người dân, nếu phải gánh quá nhiều chi phí sẽ khiến người dân bị “ngộp”, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Thực tế, hóa đơn tiền nước của các hộ gia đình ngày càng tăng cao bởi nước sạch đang được cộng thêm rất nhiều loại phí, và phí nào cũng có xu hướng điều chỉnh tăng theo từng năm.

Trong từng giai đoạn, các chính sách thuế, phí cần cân chỉnh sao cho phù hợp, không cứng nhắc. Khi thu nhập người dân giảm, tình hình kinh doanh của các DN khó khăn thì cần xem xét miễn, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ người dân, hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN.
TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Đơn cử, theo quy định hiện hành thì hằng năm, đơn vị cấp nước sẽ chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi sở tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.

Từ ngày 1.1 năm nay, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đã thực hiện thu hộ tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cho TP.HCM với mức phí năm 2024 là 25% trên giá cấp nước sạch. Mức giá này trong năm 2023 là 20%. Giá dịch vụ này trước đây gọi là phí bảo vệ môi trường. Theo lộ trình đã được UBND TP.HCM phê duyệt, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM năm 2022 bằng 15% giá nước sạch, năm 2023 tăng lên 20%, năm 2024 là 25% và đến năm 2025 là 30%.

Để dễ hình dung, hiện nay nếu một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 100.000 đồng tiền nước sạch thì đã phải đóng 5% thuế GTGT, tương đương 5.000 đồng; 25% giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, tương ứng 25.000 đồng; Cùng với đó, người dân sẽ phải đóng thuế GTGT theo quy định mới tại Nghị quyết 110/2023/QH15, đồng nghĩa trong phí dịch vụ này sẽ tính thêm thuế GTGT với mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng lên 10% vào 6 tháng cuối năm. Đáng chú ý, nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn không thuộc đối tượng được giảm 2% thuế GTGT theo Nghị định 44/2023 của Chính phủ (việc giảm thuế chỉ áp dụng cho mặt hàng chịu thuế suất 10%).

“Một mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân mà cõng quá nhiều thuế, phí, lại còn không thuộc diện được ưu tiên trong các chương trình kích cầu, như vậy là hết sức vô lý”, TS Huỳnh Thanh Điền đánh giá.

Cứ nhằm các mặt hàng thiết yếu để đánh thuế?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, điện, nước thuộc lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không nên đánh thuế. Chưa kể, nước không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người tiêu dùng mà còn là mặt hàng thiết yếu của tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh. Do đó, giảm thuế không chỉ giúp đảm bảo an sinh xã hội cho người dân mà còn tạo cơ hội cho hàng hóa, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường giảm giá theo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, giá cả của sản phẩm nào có thể giảm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

SAWACO đưa xe bồn cấp nước cho người dân tại chung cư Ehome S (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đầu tháng 4.2024

Sỹ Đông

Từ câu chuyện đánh thuế GTGT với nước sạch, ông Bùi Trinh dẫn lại rất nhiều mặt hàng thiết yếu hiện nay đang phải chịu nhiều loại thuế, phí bất hợp lý. Điển hình là xăng dầu. Đây là mặt hàng thiết yếu của toàn xã hội, từ doanh nghiệp (DN) đến người dân ai cũng phải sử dụng. Về bản chất thì áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng thiết yếu là không đúng. Bên cạnh đó, việc định giá xăng dầu tại VN đang quá rối rắm. Hai bộ Công thương và Tài chính bàn qua bàn lại nhưng không đi đến đâu, khiến người dân phải trả giá đắt cho nhiên liệu sử dụng hằng ngày. Đó là chưa kể hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã được công bố là đáp ứng 70 – 75% nhu cầu xăng dầu của cả nước thì tại sao lại vẫn tính theo giá nhập khẩu cộng với các loại thuế. Hoặc như hệ thống phân phối xăng dầu cũng đang có nhiều vấn đề từ đầu mối nhập khẩu đến cửa hàng bán lẻ, khiến thị trường nhiều lúc bị rối loạn, thiếu nguồn cung…

“Tại sao không thể bỏ thuế TTĐB với xăng? Giải thích của Bộ Tài chính trong thời gian qua vẫn thiếu thuyết phục. Người dân cần được giải thích rõ hơn tại sao trong nước đã đáp ứng được 70 – 75% nhu cầu nhưng vẫn phải mua xăng với giá cao hơn thế giới? Sản phẩm đến tay người tiêu dùng, giá bao nhiêu có phần cấu thành rất lớn từ thuế. Nếu bỏ thuế TTĐB với xăng, bỏ thuế GTGT với điện, nước thì DN hoạt động tốt hơn, người dân chi tiêu nhiều hơn, trong tương lai nguồn thu sẽ gia tăng, bù đắp cho phần thu từ thuế”, ông Bùi Trinh đặt vấn đề và cho rằng nhà nước nên mở rộng chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho nhiều mặt hàng, nhất là những mặt hàng do nhà nước quản lý (như điện, nước, xăng dầu) để khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng nhấn mạnh quan điểm không thể hạn chế sử dụng đối với sản phẩm được xem là bắt buộc trong đời sống của người dân, lưu thông hàng hóa của DN. Theo ông, cơ sở để áp thuế TTĐB với xăng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là chưa đúng, chưa chuẩn về cơ bản. Bởi hiện nay VN không có giải pháp thay thế cho nguồn nhiên liệu này do năng lượng tái tạo chưa phát triển mạnh.

“Không hiểu vì sao mà nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB. Bởi sắc thuế này chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu… Còn nếu tính đến mục tiêu thu thuế cho ngân sách thì hiện nay sắc thuế này cũng không phù hợp, bởi hai nhà máy lọc dầu trong nước đã cung cấp được hơn 70% nguồn cung. Vì vậy cơ quan quản lý phải xem xét sửa đổi chính sách thuế TTĐB với mặt hàng xăng cũng như các loại thuế, phí đối với các mặt hàng thiết yếu khác càng sớm càng tốt”, LS Trương Thanh Đức nói.

Nếu tăng chi khó quá, phải giảm thu để kinh tế phục hồi

Trong khi những bất cập về thuế chưa được giải quyết, giai đoạn vừa qua, người dân còn chứng kiến cuộc đổ bộ tăng giá của rất nhiều mặt hàng. Giá điện chính thức áp dụng mức tăng thêm 4,5% hồi tháng 11.2023; theo sau là giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên hầu hết các tuyến đường cao tốc khắp cả nước đồng loạt tăng đúng dịp nghỉ tết Dương lịch; tiếp đến là áp dụng tăng giá trần vé máy bay…

Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngoài nguyên nhân đầu tiên do giá gạo trong nước tăng cao thì còn có nguyên nhân chỉ số giá nhóm nước sinh hoạt tăng 10,58% do nhu cầu sử dụng nước tăng; đồng thời một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã tăng giá nước theo quyết định của UBND tỉnh. Cùng với đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng việc Tập đoàn điện lực VN (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tổng cục Thống kê cũng dự báo EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao, góp phần tác động làm tăng CPI trong giai đoạn tiếp theo của năm.

Nhìn tổng quan thị trường, TS Huỳnh Thanh Điền đánh giá: Kinh tế VN vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, mới đang ở giai đoạn chuẩn bị phục hồi. Đây là thời điểm nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách để lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là mở rộng tài khóa, mở rộng tiền tệ, để lại tiền cho người dân tăng chi tiêu, để lại tiền cho DN có vốn làm ăn, mở rộng hoạt động kinh doanh. “Linh hồn” của chính sách mở rộng tài khóa là tăng chi tiêu công, giảm thu, giảm những khoản chi phí đầu vào để hỗ trợ DN giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Khi DN khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thêm thu nhập để chi tiêu, từ đó giúp thị trường sôi động, khôi phục kinh tế. Khi kinh tế ổn định thì có thể tăng thu để bù lại thâm hụt ngân sách.

Mặt khác, thuế là công cụ để Chính phủ điều tiết thị trường với mục tiêu tối thượng là thu từ người giàu, phân phối lại cho người nghèo thông qua các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, mang ý nghĩa phúc lợi. Nếu đánh thuế mạnh vào các mặt hàng thiết yếu, không thể không dùng như điện, nước, xăng dầu, lúa gạo… thì mục tiêu điều tiết gần như không có nhiều tác dụng mà ngược lại, còn làm ảnh hưởng tới mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế.

“Trong từng giai đoạn, các chính sách thuế, phí cần cân chỉnh sao cho phù hợp, không cứng nhắc. Khi thu nhập người dân giảm, tình hình kinh doanh của các DN khó khăn thì cần xem xét miễn, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ người dân, hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN. Hai năm vừa rồi, Chính phủ đặt mục tiêu mở rộng chính sách tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách để đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy kinh tế, nhưng số liệu cho thấy kết quả ngược lại. Năm nào tổng kết cũng bội thu, chi thì chưa đạt 90% kế hoạch đề ra. Có địa phương còn chưa vượt ngưỡng 60%. Nếu chi khó quá như vậy thì phải giảm thu, để tiền lại cho người dân kinh doanh, sản xuất. Mở rộng chính sách tài khóa cần những hành động thiết thực hơn, tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân và DN”, TS Huỳnh Thanh Điền kiến nghị.

Miễn thuế nước sạch theo khu vực?

Nhằm thực hiện đúng tôn chỉ của công cụ điều tiết thuế đảm bảo đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, TS Phan Thị Việt Thu (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng nhà nước nên xem xét miễn thuế GTGT với nước sạch theo từng khu vực. Đơn cử, những vùng đô thị, TP lớn, người dân có nước sạch sử dụng dư dả thì vẫn cần áp thuế để hạn chế phung phí. Ngược lại, những vùng nông thôn, địa phương vùng sâu, vùng xa còn hạn chế tiếp cận với nguồn nước sạch thì không tính thuế để đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả người dân. Điều này đảm bảo nguyên tắc thu thuế vào ngân sách và chi lại vào các hoạt động công ích.

Luật Thuế GTGT được thông qua ngày 3.6.2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2009. Sau 15 năm thi hành, một số quy định trong luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (tháng 5.2024).

Khung giá nước sạch được quy định

ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Mai

————-

Thanh niên (Kinh tế) 19-4-2024

https://thanhnien.vn/co-nen-danh-thue-nuoc-sach-185240418214719107.htm

(211/2.710)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,855