Hành lang pháp lý mới cho hoạt động ngân hàng: Lấy kiểm soát thực thi làm cốt lõi
(ĐT) – Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các ngân hàng phát triển, đồng thời giám sát chặt chẽ khả năng thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để đạt được mục tiêu định hướng này, cần các giải pháp thực thi hiệu quả, cơ chế giám sát chặt chẽ và chế tài nghiêm minh với các sai phạm.
Việc giảm giới hạn cho vay sẽ thúc đẩy cơ chế cho vay đồng tài trợ, từ đó tăng hiệu quả đánh giá và giám sát khoản vay. Ảnh: Nhã Chi |
Hai mặt của sự phát triển
Trong 10 năm qua, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại tăng gấp 3,5 lần, từ mức 5,6 triệu tỷ đồng năm 2014 lên 19,5 triệu tỷ đồng năm 2024; vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại tăng 2,3 lần từ mức 426,6 nghìn tỷ đồng năm 2014 lên mức 1 triệu tỷ đồng năm 2024. Về năng lực quản trị, hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Những con số trên cho thấy hệ thống ngân hàng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong một thập kỷ qua.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng có những dấu hiệu/điểm yếu đáng chú ý. Từ năm 2015 đến nay, đã có 5 ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, gồm: OceanBank, CB, GPBank, DongABank và SCB. Trong đó, 4 ngân hàng đã có chủ trương chuyển giao bắt buộc nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống. Đáng ngại, tỷ lệ nợ xấu nội bảng trong hệ thống các TCTD đã lên mức 4,79% tính đến cuối tháng 1/2024, vượt xa mức mục tiêu 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Trước sự phát triển mạnh mẽ cùng những bất cập của hệ thống các TCTD, cần củng cố hàng lang pháp lý để tăng cường năng lực cho các ngân hàng, tăng vai trò, trách nhiệm của các cơ quan giám sát nhằm giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế, dù trong ngắn hạn, những nội dung của Luật sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Để hạn chế sở hữu chéo, thao túng, chi phối các TCTD, Luật bổ sung quy định các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai, minh bạch thông tin của các cổ đông này. Giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức từ 15% giảm xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác. Quy định này được kỳ vọng hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát.
Về can thiệp sớm các TCTD yếu kém, Luật quy định, các TCTD được can thiệp sớm (lỗ lũy kế hơn 50% vốn điều lệ) sẽ được hỗ trợ bởi một số biện pháp như thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu chi trong năm của TCTD. Đồng thời phải thuyết minh chi tiết số dự phòng thực tế và chênh lệch với số tối đa này trong báo cáo tài chính. Quy định này sẽ giúp cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính của TCTD.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, Luật có nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng góp phần giúp hoạt động của các TCTD an toàn, phát triển lành mạnh và bền vững. Đáng chú ý, các quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và nhóm cổ đông liên quan tại một TCTD được thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Quy định về người có liên quan cũng được làm rõ và rộng hơn so với quy định hiện nay, đặc biệt với bên có liên quan là cá nhân. Quy định này góp phần hạn chế khả năng một nhóm cổ đông sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD.
Về quy định giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng được điều chỉnh giảm dần từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% vốn tự có của TCTD (với một nhóm khách hàng liên quan) hiện nay xuống còn 10% và 15% theo lộ trình đến đầu năm 2029. Thay đổi này sẽ giúp giảm rủi ro tập trung tín dụng cho các TCTD.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định nhằm tăng tính công khai, minh bạch. Theo đó, các cá nhân giữ chức vụ quan trọng trong TCTD phải cung cấp thông tin về người và doanh nghiệp có liên quan. Tương tự, các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ cũng cần cung cấp thông tin có liên quan. Ngoài ra, danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD sẽ được công bố công khai. Ông Lực nhấn mạnh, điều này được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch và giám sát đại chúng đối với các TCTD, góp phần giảm tình trạng sở hữu chéo, thao túng TCTD.
Tăng giám sát, giảm tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”
Dù đánh giá cao những bước tiến trong Luật Các tổ chức tín dụng, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời… Bên cạnh đó, quy định giảm giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng cũng có thể gây ra khó khăn về tiếp cận vốn đối với một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu vay vốn nhiều. Để giảm thiểu khó khăn này đòi hỏi phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiếu để doanh nghiệp có thể huy động vốn trung – dài hạn nhiều hơn từ kênh này, giảm phụ thuộc quá nhiều vào TCTD như hiện nay.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao quy định về lộ trình giảm giới hạn cho vay đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan. Theo ông Hùng, việc giảm giới hạn cho vay sẽ thúc đẩy cơ chế cho vay đồng tài trợ – nhiều ngân hàng cùng cho vay một dự án/khách hàng, từ đó đẩy mạnh/tăng hiệu quả đánh giá và giám sát khoản vay. Mặc khác, sự thay đổi này cũng hướng đến việc phát triển cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giảm phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc giảm và kiểm soát các tỷ lệ về sở hữu, cấp vốn cho khách hàng được kỳ vọng sẽ hạn chế đáng kể các hành vi tiêu cực. Xét về mặt con số, các tỷ lệ này ở Việt Nam chặt hơn so với nhiều nước trên thế giới, song thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc sai phạm. “Giới hạn tỷ lệ bằng các con số sẽ không đạt hiệu quả kỳ vọng nếu không siết chặt các khâu kiểm soát và giám sát thực thi”, ông Đức nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng đặt ra “hàng rào” về tỷ lệ sở hữu và cấp vốn tín dụng để chống sở hữu chéo và thao túng ngân hàng, nhưng nhiều đối tượng vẫn “vượt rào” mà không bị phát hiện trong thời gian dài. Như vậy, yếu tố con người trong thực thi là rất quan trọng để đảm bảo hiệu lực pháp luật. Chẳng hạn, với vụ việc Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dù pháp luật chặt chẽ đến mức độ nào cũng không thể phát hiện, bởi người thi hành pháp luật lại vi phạm pháp luật và gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, ông Huân đề xuất, cần có cơ chế kiểm tra chéo giữa các cơ quan chức năng, đẩy mạnh vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc phát hiện các sai phạm. Bên cạnh đó, làm rõ và quy trách nhiệm sai phạm của công ty kiểm toán độc lập trong các vụ việc sai phạm có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng. “Nếu thiếu các cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật thì tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như vụ Vạn Thịnh Phát hay FLC vẫn có thể còn xảy ra trong thời gian tới, ảnh hưởng đáng ngại đến sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng”, ông Huân nhấn mạnh.
Xuân Yến
————-
Đấu thầu (Tài chính) 30-4-2024:
(106/1.727)