(VOV GT) – Ùn tắc tại các trạm thu phí cao tốc luôn là nỗi lo ngại của người dân mỗi dịp lễ, Tết Theo quy định, đơn vị quản lý vận hành trạm thu phí đường bộ sẽ bị phạt tiền thấp nhất 8 triệu đồng, cao nhất 70 triệu đồng nếu để xảy ra ùn tắc mà không chịu xả trạm theo yêu cầu.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp xảy ra ùn tắc kéo dài mà BOT không xả trạm, và cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt. Vì sao có chuyện đó? Và cần khắc phục ra sao từ việc ban hành quy định cũng như khâu giám sát?
PV Kênh VOV Giao thông có cuộc đối thoại với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
PV: Với những quy định hiện hành chúng ta có thể thực hiện việc yêu cầu các trạm BOT xả trạm khi ùn tắc hay không?
Luật sư Trương Thanh Đức:Theo quy định hiện hành, tất cả các trường hợp này đều có điều kiện là phải có hành vi không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định, để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm từ 100 – 150 chiếc và mức cao nhất là trên 200 chiếc ô tô.
Điều kiện thứ hai đó là thời gian đi qua trạm thu phí thì 10-20 phút hoặc hơn 30 phút. Thứ ba là để cho chiều dài dòng xe phải xếp hàng dài 750m đến 1.000, 2.000 và hơn 2.000m.
Với những vi phạm trên mà lại không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ bị xử phạt.
Như vậy là quy định thì có vẻ rõ ràng nhưng rất khó để thực hiện trên thực tế, vì quan trọng nhất phải chứng minh được cái trạm đấy, những người quản lý đấy họ không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành.
Chẳng hạn hôm vừa rồi ách tắc hàng mấy cây số, mấy tiếng đồng hồ ở đường 5 nhưng không có vi phạm về quy trình, mà do sự cố xảy ra đứt đường cáp quang.
Tóm lại, theo dõi trên thực tế là rất ít vụ việc các cơ quan chức năng xử lý, xử phạt, trong khi đó ách tắc thì thường xuyên kéo dài, nhất là dịp lễ, Tết.
PV: Vậy trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới, lực lượng chức năng cần làm gì để có thể xử phạt các trạm BOT không tiến hành xả trạm khi ùn tắc?
Luật sư Trương Thanh Đức:Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trong dịp 30/4 và 1/5 này, cần tăng cường khâu giám sát, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, tránh ách tắc kéo dài, gây bức xúc cho người dân.
PV: Về lâu dài, chúng ta cần quy định cụ thể như thế nào để có thể dễ dàng thực hiện việc yêu cầu các trạm BOT xả trạm khi ùn tắc?
Luật sư Trương Thanh Đức:Phải xem lại ngay điều kiện xử phạt bao nhiêu xe, bao nhiêu mét, bao nhiêu phút vì cái đấy rất khó xử lý. Cái gốc vẫn phải đánh giá người ta vi phạm cái gì, nếu ông không đúng quy trình quản lý, vi phạm các quy định yêu cầu tối thiểu của pháp luật.
Pháp luật quy định rất rõ là yêu cầu các trạm này về thời gian, số lượng, về bố trí trang thiết bị, phương tiện như thế nào, phải có các biện pháp kỹ thuật, các thanh tra, kiểm tra như thế nào để giám sát thực hiện việc thường xuyên như vậy.
Còn cái việc mà nó ách tắc thì nó chỉ là dấu hiệu để chúng ta nhìn nhận nó có vấn đề.
PV: Xin cảm ơn ông.
Quách Đồng
—————-
VOV Giao thông (Nhật ký đô thị) 29-4-2022:
(296/705)