3.743. Lãng phí nhà tái định cư.

Lãng phí nhà tái định cư.

(VTV1) – Hà Nội năm 2010 có hơn 1.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang, hiện giờ là 4.000 căn. TP. Hồ Chí Minh có gần 10.000 căn tái định cư bỏ hoang. Một sự lãng phí rất rõ.

Lãng phí nhà tái định cư.

Nhà tái định cư bị bỏ hoang. Đây là một vấn đề không hề mới. Mặc dù đã được đề cập nhưng con số nhà tái định cư bị bỏ hoang năm sau lại tăng hơn năm trước. Lấy ví dụ như ở Hà Nội năm 2010 có hơn 1.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang, còn giờ là 4.000 căn. TP. Hồ Chí Minh cũng đang có gần 10.000 căn tái định cư bỏ hoang. Một sự lãng phí quá rõ ràng, thế nhưng đến hôm nay vẫn tiếp tục tồn tại.

5 tòa chung cư trị giá cả nghìn tỷ đồng trên đường Lý Sơn, phường Thượng Thanh quận Long Biên bị bỏ hoang từ 2019 là ví dụ điển hình mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu đồng thuận của người dân khi triển khai đề án giãn dân phố cổ giai đoạn 2. Theo quy định phải có địa điểm tái định cư thành phố mới được triển khai đề án, vậy là công trình triển khai trong khi chưa biết khả năng người dân chấp nhận di dời là bao nhiêu.

“Thành phố và Sở Xây dựng bố trí để người dân đến bàn giao cho hợp lý nhất, người dân đến đông nhất và có đơn vị bảo hành, bảo trì, đơn vị quả lý chung cư để họ có cơ sở bảo hành, bảo trì”, ông Đinh Văn Thắng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án và đầu tư Quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ.

Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành các kế hoạch quản lý diện tích tầng 1 ở các tòa tái định cư, chung cư thương mại phải bàn giao về cho Thành phố, đồng thời sẽ phối hợp với Sở Tài chính để thực hiện bán đấu giá một số quỹ căn tái định cư này.

Còn TP. Hồ Chí Minh đã phải tìm nhiều giải pháp để “giải cứu” gần chục nghìn chung cư tái định cư bỏ hoang, trong đó hơn một nửa thuộc các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thế nhưng nhiều lần tổ chức bán đấu giá thất bại cũng bởi cơ chế chuyển đổi chưa hợp lý, dự án thi công đã nhiều năm, lỗi thời về thiết kế và công năng.

Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Các dự án thời gian khá dài, nhất là các dự án lớn, chu kỳ kéo dài 5 – 10 năm, thậm chí dài hơn. Vì vậy quá trình triển khai chúng ta phải áp dụng hệ thống pháp luật tương đối là dài trong chu kỳ của dự án, dẫn đến là trong quá trình thực hiện thì tuy là có sự đồng bộ nhưng chúng ta vẫn phải vận dụng hết sức là linh hoạt”.

Gỡ khó cho nhà tái định cư bỏ hoang, giải cứu nhà tái định cư bỏ hoang. Đài Truyền hình Việt Nam cũng như nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã trở đi trở lại với loạt đề tài này nhiều năm qua. Thế nhưng thực trạng vẫn chưa có nhiều thay đổi. Với TP. Hồ Chí Minh, địa phương có tới 10.000 căn nhà tái định cư bỏ hoang thì bài toán xử lý cũng được cân lên đặt xuống nhiều lần. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển đổi thành nhà ở xã hội. Vấn đề này liệu có khả thi?

Chuyển đổi chung cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội liệu có khả thi?

Hàng nghìn căn hộ nhà tái định cư đang bị bỏ hoang nhiều năm

1 trong 22 lô chưa có cư dân về sinh sống trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B – huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Cũng vì nhiều năm chưa có cư dân vào ở nên cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đây không chỉ là vấn đề của 1 khu tái định cư ở TP. Hồ Chí Minh. Trên địa bàn Thành phố, hiện có đến hàng chục khu chung cư đang rơi vào tình trạng này, như khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), chung cư Tân Mỹ (Quận 7), chung cư Tân Thới Nhất (Quận 12).

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chuyển đổi hàng chục ngàn căn hộ nhiều năm chưa có người tới sinh sống trở thành nhà ở xã hội, thì chính là “1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa tránh lãng phí nguồn tài nguyên bất động sản, vừa bù đắp được nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt hiện nay.

“Chính phủ giao TP. Hồ Chí Minh phát triển nhà ở xã hội từ giai đoạn 2021 – 2025 là trên 25.000 căn hộ. Trong khoảng 37 dự án thì có 7 dự án có đủ pháp lý đã và đang triển khai. Chúng ta thấy rằng đến năm 2025 sẽ rất khó để thực hiện được, giải pháp nhanh nhất là đưa quỹ nhà ở tái định cư hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh đang nhà chờ người sang mô hình nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Duy Thành – Chuyên gia Bất động sản cho biết.

“Thấy bỏ hoang phí quá, mà dân thì không có nhà ở nên nếu chủ trương chuyển đổi qua được nhà ở xã hội thì rất là tốt”, chị Nguyễn Thị Thu Huyền – TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: càng để lâu các căn hộ tái định cư sẽ càng xuống cấp nhanh chóng và càng mất giá. Khi đó, đấu thầu hay bán cũng càng khó. Trong khi hiện nay cơ chế bồi thường đều theo thị trường, đa số người dân chọn nhận tiền để tự tái định cư. Còn về phía Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đồng tình với đề xuất chuyển đổi này.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố phải có 1 quyết định chuyển đổi công năng của khu nhà tái định cư này sang nhà ở xã hội. Phải có kế hoạch cải tạo, nâng cấp bao gồm từ mặt ngoài tòa nhà đến hành lang, cầu thang, mái che đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở”.

Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất nhà nước giao cho cơ quan quản lý nhà ở xét duyệt đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội chuyển đổi công năng này, cũng như sớm thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua nhà ở xã hội.

Liên quan đến việc gỡ khó cho tình trạng bỏ hoang nhà tái định cư, chúng tôi cũng đã ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia.

Ông Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc Hội cho biết: “Thay đổi quan niệm về việc tạo các quỹ nhà tái định cư. Không nên xây dựng các quỹ nhà chuyên biệt chỉ dành cho tái định cư, chất lượng không cao, hạ tầng không đồng bộ mà nên lồng ghép các quỹ nhà tái định cư trong các dự án thương mại và như vậy người được tái định cư có quyền lựa chọn nhà ở đó như một nhà ở thương mại thông thường”.

“Định giá xem cái nhà đất tái định cư đấy là cái giá trị nó là bao nhiêu, đáp ứng được những cái tiêu chí nào và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đấy. Còn nếu như không có cái độc lập khách quan ấy thì người dân bảo là không đạt yêu cầu, còn nhà nước thì bảo là tốt, thừa đủ tiêu chuẩn, suất đầu tư rồi mọi chỉ tiêu mọi các cái thứ đều làm hết sức, đã bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thì nó sẽ không có ai là trọng tài cái người đứng giữa để bảo đảm quyền lợi thực sự”, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên, Hội đồng Khoa học Pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thông tin.

Thành phố Hà Nội đang gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng thu hồi hơn 812 ha đất để thi công tuyến vành đai 4 vùng thủ đô và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia. Hà Nội cần 13 khu tái định cư mới cho 800 hộ dân cần di dời. TP. Hồ Chí Minh cũng đang có kế hoạch thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp với quỹ nhà bỏ hoang. Bài toán về nhà tái định cư bỏ hoang vẫn rất mang tính thời sự. Không còn cách nào khác là phải quyết tâm gỡ nút thắt, không thể tiếp tục để thực trạng này tồn tại lâu hơn nữa.

Ban Thời sự

——————

VTV1 (Vấn đề hôm nay) 16-5-2024:

https://vtv.vn/video/van-de-hom-nay-16-5-2024-676508.htm

https://vtv.vn/kinh-te/lang-phi-nha-tai-dinh-cu-20240517091904277.htm

(133/1.555)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,841