3.748. Chênh lệch giá vàng 19 triệu đồng: Chuyên gia nói do luật đã “lỗi thời”?

(DT) – Trước đây, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới 4 triệu đồng/lượng đã được xem là cao nhưng hiện giờ đã vượt 19 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia chia sẻ điểm bất cập.

Tháng 2/2020, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. 9 tháng sau, mức chênh này tăng gấp đôi, tới 4 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm đó, giới chuyên gia đánh giá sự chênh lệch như vậy là bất thường. Nguyên nhân được xác định là do lo ngại về tỷ giá và chính sách hạn chế trong việc mua bán vàng.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2021, chênh lệch trên được nới rộng tới 8 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thế giới nên mới xảy ra tình trạng trên. Vì 10 năm nay nước ta không nhập khẩu vàng, đồng nghĩa với việc nguồn cung khan hiếm. Và đến hiện tại, khoảng cách giữa giá vàng thế giới và vàng SJC đã vọt lên cao kỷ lục hơn 19 triệu đồng/lượng.

Nhưng chênh lệch cao ngất ngưởng trên gần như chỉ diễn ra với vàng miếng SJC. Các loại vàng 9999 khác của doanh nghiệp trong nước lại có mức chênh lệch nhỏ, khá sát với giá thế giới, dao động khoảng gần 4 triệu đồng/lượng.

Khoảng cách giữa vàng miếng SJC và vàng thế giới ngày càng rộng (Ảnh: Việt Đức).

Vì sao vàng miếng SJC mãi đắt đỏ?

Năm 2012, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng.

Thời điểm đó, NHNN đã chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Còn các loại vàng nhẫn, vàng trang sức do các doanh nghiệp tự sản xuất. Tại Việt Nam chỉ có một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC.

Điều 14, Nghị định 24 nêu: “Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung – cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định tại các khoản”.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, gần 10 năm nay, Việt Nam không nhập khẩu vàng dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Do đó, giá vàng SJC tăng cao chót vót mỗi khi người mua nhiều hơn người bán.

Giám đốc một doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện nay NHNN không cho phép nhập vàng nguyên liệu nên mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Điều này khiến người dân trong nước phải mua vàng với giá rất cao. Trong khi đó, các loại vàng nhẫn có nguồn cung dồi dào hơn nên giá không tăng quá cao so với giá thế giới, thậm chí ở ngay cả những thời điểm nhu cầu tăng. Vì vậy, giá vàng nhẫn trong nước bám khá sát với giá vàng thế giới.

Giá vàng trong nước đang không liên thông với thế giới (Ảnh: Hữu Khoa).

Nghị định 24 còn phù hợp?

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thông tin, Nghị định 24 đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế nhưng đến thời điểm hiện tại thì những quy định về độc quyền vàng miếng đã không còn phù hợp khi chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước cao kỷ lục.

“Trong điều hành thực tế, chúng ta phải có điều chỉnh để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, thể hiện ở việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng sao cho hợp lý. Hơn nữa, chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường thì phải xây dựng một thị trường vàng theo những thông lệ quốc tế”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng Nghị định 24 ra đời phù hợp tại thời điểm ban hành, nhất là trong bối cảnh giá vàng có tác động lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo ông: “Nghị định 24 đang tồn tại nhiều bất cập, đáng lý cần sửa đổi mà NHNN nhiều lần họp, bàn sửa đổi nhưng hiện nay vẫn án binh bất động”, ông nói.

Theo ông Long, khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước ngày càng nới rộng trong thời gian gần đây. Nếu điều này còn tiếp diễn, tình trạng buôn lậu vàng sẽ trở lại và làm thất thoát nguồn ngoại tệ. Do đó, NHNN cần có những giải pháp kịp thời để thu hẹp khoảng cách và giảm bớt áp lực cầu trong thời gian tới.

“Giá vàng trong nước đang “một mình một chợ” và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì NHNN đang độc quyền vàng miếng SJC nên chúng ta chỉ có một thương hiệu vàng. Không có quốc gia nào chỉ có một thương hiệu vàng như thế”, ông Long lý giải về sự chênh lệch giá vàng.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho rằng, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng ra đời là cần thiết để chống nguy cơ “vàng hóa”, “đôla hóa” nền kinh tế tại thời điểm ban hành nhưng đến nay đã hết vai trò, sứ mệnh. Vì ngay sau đó, có những quy định chưa hợp lý như điều kiện kinh doanh ràng buộc, giá vàng trong nước không liên thông với thế giới, tạo ra độc quyền. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, sửa đổi Nghị định sao cho phù hợp trong tình hình mới theo hướng thông thoáng và liên thông. 

Trách nhiệm của ai?

Năm 2017, NHNN đã có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, dự thảo trên vẫn chưa được phê duyệt. Năm 2021, NHNN có Thông tư 15 sửa đổi Thông tư 16 (ban hành năm 2012) hướng dẫn Nghị định 24.

Trước động thái trên, giới đầu tư cho rằng NHNN đã nhận ra những bất cập, còn tồn đọng trong Nghị định. Tuy nhiên, các điều chỉnh còn chậm, nhất là khi dự thảo chưa được phê duyệt khiến thị trường vàng trong nước vẫn méo mó, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Các cơ quan chức năng từng đưa ra lộ trình sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng từ lâu lắm rồi nhưng bị chậm trễ và trục trặc. Cũng có thể là không nhiệt tình, không quan tâm đến, bỏ mặc vì vấn đề đó không ảnh hưởng đến ngành ngân hàng”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm và cho rằng từ hiệp hội vàng đến các nhà đầu tư, người kinh doanh đều mong muốn sửa đổi Nghị định này.

Nhiều năm nay, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã nhiều lần gửi kiến nghị lên NHNN về việc thay thế Nghị định 24 theo hướng NHNN không sản xuất vàng miếng, không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

Hiệp hội còn kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Sở giao dịch vàng ra đời với mục tiêu giảm thiểu giao dịch vàng vật chất, huy động được nguồn vàng từ trong dân, tăng dự trữ vàng quốc gia, giảm thiểu tình trạng thanh toán mua bán vàng bằng tiền mặt, tăng thu thuế kinh doanh vàng cho Nhà nước và loại bỏ những sàn vàng chui bất hợp pháp.

Tuy nhiên, phía NHNN cho rằng việc thành lập sàn vàng cũng như sở giao dịch vàng đã có đề xuất trước đây, có hoạt động rồi và nhìn thấy rủi ro cũng như tính phức tạp của nó bởi đó là việc kinh doanh rất tự do trên sàn, liên quan rất nhiều đến vấn đề ngoại tệ, cơ chế quản lý ngoại tệ rồi vấn đề “vàng hóa” trong nền kinh tế. Từ đó có thể thấy, việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 24, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, cần có thời gian để giải quyết.

Hoàng Dung

————–

Dân trí (Tài chính) 12-5-2022:

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chenh-lech-gia-vang-19-trieu-dong-chuyen-gia-noi-do-luat-da-loi-thoi-20220510141006924.htm

(204/1.539) #SJC #NHNN #vangmieng

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.396. ‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể...

‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể chế. (TT) - Nhiều người dân...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,629