“Chữa lành” bảo hiểm
(ĐTCK) – Sau giai đoạn tăng trưởng kéo dài, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trong chu kỳ giảm tốc và cuộc khủng hoảng niềm tin bảo hiểm nhân thọ vừa qua như càng cứa sâu thêm “vết thương” của thị trường.
Niềm tin cần sớm được khôi phục
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), từ năm 2022, thị trường chứng kiến sự suy giảm niềm tin của khách hàng, khiến doanh thu phí bảo hiểm liên tục đi xuống và xu hướng này vẫn chưa dừng lại.
Số liệu thống kê của IAV cho thấy, tính đến cuối quý I/2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường (bao gồm nhân thọ và phi nhân thọ) ước đạt 53.295 tỷ đồng, giảm 5,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực nhân thọ ước đạt 33.553 tỷ đồng doanh thu phí, giảm 11,4%.
Tại hội thảo do IAV tổ chức mới đây, câu chuyện “vết thương” của thị trường được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm diễn tả bằng nhiều cách: Có người gọi đó là “khủng hoảng”, là “cú sốc”, người khác lại bảo đó là “biến động”, là “sự mất cân đối nghiêm trọng”…
Tuy nhiên, dù có gọi như thế nào thì sự thực chỉ có một, đó là niềm tin vào bảo hiểm chưa bao giờ xuống thấp như thế. Bởi vậy, thị trường hơn bao giờ hết cần được “chữa lành”, niềm tin của khách hàng, của người dân cần sớm được khôi phục… để lấy lại đà tăng trưởng vốn có.
Thực tế cho thấy, trong gần 30 năm hoạt động, thị trường bảo hiểm chưa bao giờ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như bây giờ, đặc biệt với lĩnh vực nhân thọ. Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV đánh giá, khó khăn với ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ còn tiếp diễn trong năm nay do các công ty bảo hiểm phải đầu tư nhiều nguồn lực để đáp ứng các quy định mới, trong đó có việc hạn chế bán hàng qua kênh ngân hàng vốn được xem là “gà đẻ trứng vàng” những năm qua, do đó đà giảm tốc dự báo sẽ còn kéo dài.
Theo giới chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu của kênh bảo hiểm nhân thọ, nhưng lý do chính được cho là xuất phát từ việc hàng triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị mất hiệu lực trong năm qua.
Báo cáo của IAV cho thấy, tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực là 13,92 triệu hợp đồng và năm 2023 có thêm 1,91 triệu hợp đồng cấp mới. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2023, toàn thị trường chỉ có 12,44 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc có tới 3,39 triệu hợp đồng đã bị “cuốn trôi” do mất hiệu lực. Số lượng hợp đồng giảm có thể một phần do đáo hạn, chứ không hoàn toàn do khách hàng đòi hủy, nhưng cũng phần nào cho thấy bị ảnh hưởng bởi tâm lý mất niềm tin từ phía khách hàng.
Đáng chú ý, doanh thu phí bảo hiểm năm thứ nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm 35% trong quý I/2024, trong khi năm 2023 đã giảm 44% so với năm trước đó. Trong số 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động trên thị trường, chỉ 3 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.
Dẫu vậy, theo ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, với hơn 12 triệu hợp đồng có hiệu lực, với số người tham gia bảo hiểm xấp xỉ 10 triệu người (tính đến cuối năm 2023), ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Singapore… Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, khoảng 11% dân số, trong khi con số này tại Philippines là 38%, Malaysia là 50%, Mỹ là 90%…
“Minh bạch” là chìa khóa
Niềm tin vào bảo hiểm chưa bao giờ xuống thấp như hiện nay. Bởi vậy, thị trường hơn bao giờ hết cần được “chữa lành”, niềm tin của khách hàng, của người dân cần sớm được khôi phục… để lấy lại đà tăng trưởng vốn có.
Trong bối cảnh khó khăn, một chuyển động tích cực, theo ông Ngô Trung Dũng, đó là các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp thiết thực để khôi phục niềm tin của khách hàng.
Ông Phương Tiến Minh chia sẻ, sau nhiều biến động khiến người dân do dự khi tham gia bảo hiểm, gia tăng niềm tin của khách hàng là việc của toàn ngành bảo hiểm. Trong đó, đổi mới quy trình hoạt động cũng như sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tính minh bạch, sự chuyên nghiệp, củng cố niềm tin khách hàng là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố sống còn đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã cải tiến bộ hợp đồng bảo hiểm để có thể đến gần với khách hàng hơn. Từ một bộ hợp đồng với quá nhiều nội dung, nhiều thuật ngữ rối rắm, khó hiểu…, nay được thay thế bằng các bản quy tắc và điều khoản tóm tắt, bên cạnh bộ quy tắc – điều khoản sản phẩm đầy đủ. Cùng với đó là các công cụ tra cứu giúp khách hàng thuận tiện hơn khi đọc hợp đồng bảo hiểm.
Có quan điểm cho rằng, để dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin vừa qua là do còn thiếu quy định chặt chẽ về minh bạch hóa thông tin bảo hiểm, chỉ đến khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được ban hành thì thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm… mới rõ ràng hơn. Các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật cũng đã được hoàn thiện đồng bộ để tạo cơ sở cho thị trường bảo hiểm trở nên minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
“Để thị trường lấy lại đà tăng trưởng cũng như đạt tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ cao, cần phải lấy lại lòng tin để người dân tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm, cần sự minh bạch, trung thực từ tất cả các bên”, đại lý bảo hiểm Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) – người đã hỗ trợ nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khỏi nguy cơ đòi hủy từ phía khách hàng trong năm qua chia sẻ.
Một mặt đánh giá cuộc khủng hoảng niềm tin với ngành bảo hiểm nhân thọ vừa qua là vấn đề rất lớn, cần sớm có giải pháp khắc phục, nhưng mặt khác, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đây cũng là cơ hội để các thành viên thị trường nhìn lại và có sự điều chỉnh phù hợp.
“Với nhận thức thay đổi, hành lang pháp lý thay đổi, quy trình, sản phẩm mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang cải tiến thì quy mô thị trường sẽ tăng trở lại, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chất lượng sẽ thay đổi một cách cơ bản, rõ ràng. Đó mới là điều giúp ngành bảo hiểm nói chung, lĩnh vực nhân thọ nói riêng phát triển ổn định, bền vững trong tương lai”, ông Đức nhấn mạnh.
Kim Lan
————-
Đầu tư Chứng khoán (Tài chính) 31-5-2024:
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chua-lanh-bao-hiem-post345974.html
(147/1.341)