3.757. ATM dần “ế” khách!

(TT) – Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 3-2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 75,4% về số lượng giao dịch và 31,6% về giá trị. Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt qua ATM cũng giảm mạnh về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Khách hàng thanh toán bằng ví điện tử tại một cửa hàng trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ăn sáng, cắt tóc… thanh toán online

Bà Lê Hương Quỳnh (56 tuổi, khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) – chủ quán bún bò – cho biết trước khi có dịch COVID-19, cơ sở này bán ra khoảng 200 tô bún mỗi ngày, có đến 98% thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, 3 – 4 tháng gần đây, khách đến quán chủ yếu thanh toán qua app.

Theo bà Quỳnh, thời gian đầu nhiều khách chưa quen thanh toán qua app, khách chuyển khoản từ ngân hàng này qua ngân hàng khác có thể phải nửa ngày sau mới nhận được tiền. Hay khách hàng chuyển khoản vào thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết… phải mấy ngày sau mới nhận được.

“Bây giờ khác rồi, các ngân hàng xây dựng phần mềm tiện ích nên xử lý rất nhanh. Vừa kết thúc giao dịch là tài khoản đã báo tiền tới. Chuyển khoản qua app không chỉ tiện lợi mà đã trở thành thói quen với người tiêu dùng. Bây giờ nếu khách quay lại trả bằng tiền mặt rất bất tiện, đôi khi tính tiền mặt còn bị nhầm…”, bà Quỳnh nói.

Là chủ một chuỗi cửa hàng bán lẻ về thực phẩm, ông Trịnh Minh Hùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết với các đơn hàng bán buôn, chuỗi bán lẻ này đã thực hiện chuyển khoản từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với bán lẻ do mỗi chi nhánh có đến hơn 200 mặt hàng, hằng tuần thường phải đi đổi tiền lẻ để trả lại cho khách.

Do đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giải quyết được bài toán “thiếu tiền lẻ”. “Khi nhiều người dân quen thanh toán không tiền mặt sau dịch, hầu hết khách vào mua đồ tại cửa hàng đều quét mã QR để thanh toán, rất tiện lợi…”, ông Hùng nói.

Ghi nhận của chúng tôi tại Chi cục Thuế quận Thanh Xuân (Cục Thuế TP Hà Nội), nhiều người đến làm thủ tục đều thanh toán không tiền mặt khi thanh toán thuế, phí. Một số người đến làm thủ tục còn được nhân viên tại chi cục này hướng dẫn mở tài khoản qua app, rồi các thao tác thanh toán…

Sau khi thực hiện thao tác chuyển khoản thanh toán cho cơ quan thuế và được xác nhận, ông Trần Quốc Bằng (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết chỉ những thủ tục phát sinh mới cần chi trả tại cơ quan thuế. “Tôi thấy chi cục thuế hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển khoản rất tiện lợi, không cần mang theo tiền mặt mà vẫn có thể làm xong tất cả các thủ tục…”, ông Bằng nói.

Chị Thu Trang (24 tuổi), nhân viên lễ tân tiệm cắt tóc nam trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), cũng cho biết trước đây, vào mỗi buổi sáng trước khi nhận ca, nhân viên lễ tân, quầy thu ngân phải lo đi đổi tiền lẻ để thối cho khách, có khi bị người xấu trả bằng tiền giả… “Sau dịch Covid-19, phần lớn khách hàng đều thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi không còn lo chuyện đi đổi tiền lẻ hay nhận nhầm tiền giả nữa”, chị Thu Trang cho biết.

Dịch vụ công “không tiền mặt”

Sáng 18-5, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Phòng đăng ký kinh doanh TP Hà Nội, chị Nguyễn Hoài Nam cho biết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) hiện nay khá đơn giản. “Tôi đã làm hồ sơ, nộp trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN từ 5 ngày trước. Hồ sơ đã được duyệt và xử lý trên hệ thống, tôi chỉ đến để nhận trực tiếp giấy chứng nhận đăng ký thành lập DN và nộp các khoản phí theo quy định”, chị Nam cho biết.

Không chỉ có bộ phận hỗ trợ đăng ký thành lập DN mà khu vực làm việc của bộ phận hỗ trợ thủ tục đầu tư xây dựng trong nước và đầu tư nước ngoài tại khu hành chính tập trung của TP Hà Nội cũng khá vắng vẻ. Lâu lâu mới có một vài người tới làm thủ tục hành chính trực tiếp tại quầy, dù theo cơ quan chức năng, số lượng hồ sơ của người dân, DN làm thủ tục có xu hướng tăng so với những năm trước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Anh Tuấn, cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH-ĐT, cho biết trong 4 tháng năm 2022, cả nước có 49.591 DN thành lập mới, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký thành lập DN trong 4 tháng ước đạt 635.282 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 85-86% tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thành lập DN qua mạng, thanh toán các khoản phí, lệ phí đăng ký thành lập DN trực tuyến, không dùng tiền mặt.

“Tính chung, tỉ lệ thực hiện đăng ký thành lập DN, thay đổi thông tin về DN qua mạng của cả nước hiện nay đạt 85-86% tổng số hồ sơ. Người dân, DN thực hiện tất cả các bước từ nộp hồ sơ, đến khi nhận kết quả, các loại phí liên quan cũng áp dụng thanh toán trực tuyến qua mạng, không sử dụng tiền mặt”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành những quy định mang tính bắt buộc, với một lộ trình hạn chế dùng tiền mặt. Ví dụ cần quy định hạn mức được thanh toán bằng tiền mặt tối đa lên tới 1 tỉ đồng, những khoản thanh toán lớn hơn buộc phải thực hiện thông qua ngân hàng và hình thức thanh toán trực tuyến.

“Ngoài ra, cần có lộ trình để giảm dần thanh toán bằng tiền mặt trong những năm tới. Muốn làm được điều này cần sửa Luật các tổ chức tín dụng, Luật ngân hàng theo hướng quy định bắt buộc. Điều kiện công nghệ đã cho phép đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, đồng thời người dân cũng thấy được thanh toán trực tuyến là rất thuận lợi, nên không làm lúc này thì không biết đến bao giờ mới làm được”, ông Đức khuyến nghị.

Tiệm cắt tóc, gội đầu khuyến khích khách thanh toán bằng hình thức không tiền mặt tại Hà Nội – Ảnh: Q.THẾ

Kiên Giang: nhiều dịch vụ công “không tiền mặt”

Thời gian qua, nhiều người dân tại Kiên Giang đã dần làm quen với các phương thức thanh toán không tiền mặt, thông qua Internet banking, ví điện tử… Bà Nguyễn Thị Phượng (phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cho biết việc thanh toán tiền điện, nước… thậm chí đóng tiền học cho con đều được thao tác trên điện thoại, thông qua ví MoMo hoặc Zalo pay… rất tiện lợi.

“Trước đây, các cô chú thu tiền điện, nước đều đến tận nhà để thu. Nhưng nhiều khi có việc nên tôi không ở nhà, các cô chú phải ra về. Lần sau họ đến hoặc tôi phải đến đơn vị đóng tiền rất mất thời gian. Giờ đơn giản hơn rất nhiều. Thanh toán tiền điện, nước hay mua đồ gì đó tôi chỉ cần sử dụng ứng dụng được cài sẵn trên điện thoại rất thuận tiện”, bà Phượng chia sẻ.

Ông Tôn Thất Anh Kiệt, phó trưởng phòng điều hành nghiệp vụ VNPT Kiên Giang, cho biết ngoài dịch vụ My VNPT, từ năm 2021, đơn vị này đã có ứng dụng VNPT Money thanh toán cước viễn thông, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua hàng và thanh toán tiền điện, nước… cho khách hàng.

Trong năm 2022, đơn vị này đặt mục tiêu khoảng 25% khách hàng sử dụng VNPT Money để thanh toán các dịch vụ. Ông Võ Minh Trung, giám đốc Sở TT&TT tỉnh Kiên Giang, cho hay nhiều đơn vị ở Kiên Giang đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như Công ty Điện lực Kiên Giang, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang và VNPT Kiên Giang. Đến nay, Kiên Giang cũng chủ động đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trên địa bàn.

CHÍ CÔNG

Đà Nẵng: trả phí hộ tịch qua ví điện tử

Cán bộ một cửa UBND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua kênh điện tử – Ảnh: P.H.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Tường Vân, phó chủ tịch thường trực UBND quận Thanh Khê, cho biết từ năm 2021, cơ quan này đã hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ như VNPT, MoMo để triển khai thanh toán phí, lệ phí qua ví điện tử và xuất biên lai điện tử trên phần mềm một cửa. Sau khi áp dụng thí điểm với lĩnh vực đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép xây dựng, việc thanh toán không tiền mặt đã được mở rộng ra đối với lĩnh vực hộ tịch và chứng thực.

Theo bà Vân, quận Thanh Khê là đơn vị đầu tiên trong khối quận, huyện tại thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm thanh toán phí, lệ phí qua ứng dụng ví điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt. Đến nay, quận Thanh Khê đã triển khai thanh toán trực tuyến trên phần mềm một cửa điện tử đối với 100% thủ tục hành chính có áp dụng phí, lệ phí thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận. Từ đầu năm 2022 đến nay, quận đã thực hiện 1.721 thanh toán phí, lệ phí trực tuyến thông qua ví điện tử với tổng số tiền hơn 161 triệu đồng.

Sau thành công bước đầu của Thanh Khê, các quận, huyện khác tại Đà Nẵng cũng đang bắt đầu triển khai thanh toán không tiền mặt trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân.

TẤN LỰC

Bớt “lụy” ATM

Người dân đã quen với thanh toán quét mã QR – Ảnh: N.PHƯỢNG

Tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục giảm do người dân đã quen với các giao dịch không tiền mặt như cà thẻ, trả qua ví, chuyển khoản.

Theo thống kê của Napas, đến hết tháng 4-2022, thanh toán qua mạng lưới của Napas tăng 89,3% về số giao dịch và 119,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 6,7% về số lượng và 7,7% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021

Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các ngân hàng triển khai nhanh việc chuyển đổi số để thích ứng với thói quen mới của người tiêu dùng. Các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như mobile banking, Internet banking, QR code, sử dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC)… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng, hạn chế tiếp xúc…

Trong năm 2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%; thanh toán qua QR code tăng trưởng lên đến 200% so với năm trước. Đáng lưu ý, tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh, từ 26% năm 2020 xuống còn 12% năm 2021.

A.HỒNG

Chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022

14h ngày 20-5, Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022 tại TP.HCM, với sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và một số ngân hàng thương mại, các hiệp hội, tổ chức trung gian thanh toán…

Ngày không tiền mặt (16-6) do báo Tuổi Trẻ đề xuất, được bắt đầu từ năm 2019, là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài tuyến bài về nội dung này, Ngày không tiền mặt năm 2022 sẽ có chuỗi sự kiện được khởi động sau buổi họp báo.

Chuỗi các sự kiện của Ngày không tiền mặt năm 2022 sẽ tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025.

A.HỒNG

BẢO NGỌC – QUANG THẾ

————

Tuổi trẻ (Kinh doanh) 20-5-2022:

https://tuoitre.vn/atm-dan-e-khach-20220520083621465.htm

(172/2.455) #ATM #thanhtoanonline #ebanking #mobibanking

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.396. ‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể...

‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể chế. (TT) - Nhiều người dân...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,629