(ĐT) – Những vụ việc tiêu cực trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xảy ra gần đây đã tác động không nhỏ đến thị trường này, khiến lòng tin của nhà đầu tư bị dao động. Do đó, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc rà soát quy định pháp luật, chấn chỉnh những hoạt động lệch lạc, cơ quan nhà nước cần có tầm nhìn rộng và dài hơi hơn để hoàn thiện khung khổ chính sách tạo lực đẩy.
Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững tổ chức ngày 19/5/2022 |
Tại Diễn đàn Phát triển thị trường TPDN hiệu quả và bền vững được tổ chức ngày 19/5, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, thị trường phát hành TPDN riêng lẻ thường phát triển mạnh hơn so với thị trường phát hành TPDN ra công chúng, nhưng lại rủi ro hơn vì các quy định về phát hành không chặt chẽ như phát hành ra công chúng.
Thực tế, trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang cho thấy sự tăng trưởng nhanh, phát triển nóng, chủ yếu ở lĩnh vực ngân hàng, bất động sản. Điều này phát sinh nhiều rủi ro, trong khi quy định về tiêu chuẩn phát hành chưa rõ ràng, việc tuân thủ của DN còn lỏng lẻo và nhiều nhà đầu tư cá nhân không có kinh nghiệm phân tích rủi ro, mới chủ yếu quan tâm đến lãi suất mà không chú ý tới vấn đề quản trị DN. Những vụ việc xảy ra gần đây như Tân Hoàng Minh… đã làm cho niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường dao động, rung lắc mạnh.
Liên quan đến các quy định chi phối hoạt động phát hành TPDN, Việt Nam hiện có Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và 3 nghị định hướng dẫn thi hành. Điều này cho thấy, hệ thống pháp luật đã phát triển tương đối nhanh theo yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: “thị trường vẫn đòi hỏi các quy định pháp luật phải cao và ban hành nhanh hơn nữa”. Theo ông Lực, muốn phát triển thị trường vốn thông qua phát hành TPDN, cần đảm bảo 5 yếu tố: minh bạch và chuyên nghiệp; có tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN); có thị trường đầu tư thứ cấp và sơ cấp; nhà đầu tư chuyên nghiệp; XHTN theo từng đợt phát hành và DN phải có bản cáo bạch.
Về XHTN DN, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Mỹ đã ban hành Đạo luật Dodd-Frank sau khi xảy ra cuộc đại suy thoái vào năm 2008, trong đó việc XHTN DN đã được quy định thành một chương riêng.
Tại Việt Nam, mặc dù Nghị định số 88/2014/NĐ-CP đã có quy định về XHTN DN, song chưa đầy đủ. Do vậy, ông Hiếu cho rằng, cần bổ sung quy định trách nhiệm giải trình của DN XHTN về các phương pháp XHTN; đồng thời thống nhất các ký hiệu hạng mức XHTN với các thông lệ quốc tế như AAA, BBB, CCC. Các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư và Không đầu tư, để giúp các nhà đầu tư nhận định được ngay mức độ rủi ro khi mua TPDN. Đồng thời, cần thành lập riêng một văn phòng về XHTN TPDN trực thuộc Bộ Tài chính, để giám sát hoạt động của các công ty XHTN đang hoạt động, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về XHTN cũng như áp dụng các phương pháp XHTN…
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ cần bổ sung một số điều như: Các nhà phát hành phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn; Làm rõ các phương pháp trả nợ và lãi và tính lãi suất cố định hay thả nổi và thả nổi dựa vào các chỉ số nào; Bản cáo bạch cũng phải nêu rõ những cam kết tài chính, chẳng hạn các tỷ lệ tài chính, thanh khoản, đòn bẩy tài chính mà nhà phát hành phải tuân thủ;…
Xếp hạng tín nhiệm góp phần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả. Ảnh minh họa: Internet |
Theo quy luật, thị trường có khiếm khuyết thì phải có biện pháp rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, đây là việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, ngoài việc vá víu những khiếm khuyết, TS. Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, xây dựng khung thể chế cần phải hướng đến sự phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu đạt được dư nợ TPDN vào năm 2025 là 20% GDP. Đó là làm sao tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN, nâng cao chất lượng quản trị DN (trong đó, XHTN là một công cụ để quản lý rủi ro). Quản trị DN là gốc rễ để có chỉ số tài chính tốt, mang lại lợi ích cho DN, tăng khả năng chống chọi với các rủi ro tác động đến năng lực kinh doanh cũng như tăng khả năng hấp thụ vốn. Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư là một trong những nội dung quan trọng nhất để đo lường mức độ quản trị DN tốt đến đâu.
Đối với tình trạng tuân thủ lỏng lẻo của DN, nhà đầu tư và các tổ chức đại lý phát hành, phân phối TPDN, theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cơ quan quản lý nhà nước đang có khuynh hướng xử lý là khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ và chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn, hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức…; hay là hạn chế quyền tiếp cận vốn của DN, cản trở M&A như: không cho phép DN phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của DN khác hoặc cho DN khác vay vốn… Theo ông Tuấn, những quy định này là rất bất cập.
“Vấn đề mấu chốt là phải công khai, minh bạch thông tin, chứ không phải là tìm mọi cách để chặn, đóng sập hết các cửa”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh. Theo ông Đức, có thể cho phép phát hành trái phiếu gấp nhiều lần so với giá trị vốn chủ sở hữu, hay phát hành đảo nợ… miễn là thông tin được công khai, minh bạch trên website của công ty và một số phương tiện thông tin đại chúng.
“Vấn đề yếu nhất của hệ thống pháp luật hiện nay là không có biện pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng và nghiêm minh những hành vi vi phạm. Do vậy, chỉ nên củng cố những gì đang có, đừng nên tăng thêm các biện pháp siết chặt hơn. Có như vậy mới tạo được niềm tin, duy trình tâm lý ổn định cho thị trường”, ông Đức nhận xét.
Lê Xuân
—————
Đấu thầu (Tài chính) 20-5-2022:
https://baodauthau.vn/lanh-manh-hoa-thi-truong-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-post123928.html
(154/1.297)