3.766. Đảm bảo lợi ích “3 bên” cho bảo hiểm nhân thọ

(HQ) -Thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) vẫn còn không ít thách thức cần vượt qua để gia tăng niềm tin của khách hàng, lấy lại “phong độ” phát triển. Theo các chuyên gia, cơ sở pháp luật đã vững chắc thì các doanh nghiệp cần nhiều giải pháp để đảm bảo lợi ích của các bên, nhất là khách hàng trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã triển khai nhiều giải pháp để khôi phục niềm tin khách hàng. Ảnh: ST

Cơ sở pháp lý chặt chẽ

Qua những tháng đầu năm 2024, ngành bảo hiểm vẫn còn một số khó khăn nhưng cũng đã và đang dần quay lại đà phục hồi. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm ước đạt 87,8 nghìn tỷ đồng, giảm 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tính đến hết tháng 5/2024, tổng tài sản ước đạt 948,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng lĩnh vực BHNT, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3/2024, tổng tài sản ước đạt hơn 801,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ nằm trước. Đáng chú ý, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý 1/2024 đạt gần 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2023.

Nhận xét về vai trò của BHNT trong nền kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ đồng tình với quan điểm cho rằng BHNT như “tay vịn cầu thang”, giúp người dân bước lên cao một cách chắc chắn hơn. Điều này có nghĩa là BHNT nói riêng, ngành bảo hiểm nói chung mang lại sự an tâm, giảm rủi ro cũng như đóng góp lớn vào công tác an sinh xã hội, trong đó giúp đảm bảo đời sống cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, bảo hiểm là một trong “kiềng 3 chân” cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tính đến tháng 5/2024, ngành bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 787,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ông Đậu Anh Tuấn nhận định, bảo hiểm là ngành hàng quan trọng, nên là một trong số ít lĩnh vực có luật riêng quy định về điều kiện kinh doanh, điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước đều xác định rõ vai trò quan trọng của lĩnh vực này.

Hiện nay, khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trên thị trường. Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2023 cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đã được hoàn thiện đồng bộ, tạo cơ sở phát triển thị trường minh bạch, chuyên nghiệp.

PGS.TS. Đoàn Minh Phụng, Trưởng Khoa Ngân hàng và Bảo hiểm, Học viện Tài chính: Tạo sự chuyển biến từ quy định pháp lý

Cùng với nỗ lực và nhiều giải pháp từ các doanh nghiệp bảo hiểm thì cơ quan quản lý mà trực tiếp là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng về các quy định pháp lý. Thời gian qua, những bất cập của ngành bảo hiểm tập trung vào sản phẩm bảo hiển, những hạn chế trong quản lý bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng… thì tại các quy định pháp lý như Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46 đã được xử lý, được thị trường rất đón nhận.

Về căn bản, những sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật của Nhà nước nhằm chấn chỉnh hoạt động bán BHNT qua cách kênh với nhiều quy định mới so với các quy định cũ thể hiện qua một số điểm chính. Chẳng hạn như việc cấp phép liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm cho cả cá nhân và tổ chức; tiếp đến là việc phê duyệt sản phẩm, rồi đến quy trình bán hàng, tài liệu bán hàng… để đảm bảo tính công khai, minh bạch của sản phẩm BHNT.

Hay với quy định liên quan đến cấp phép kinh doanh BHNT, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư thì đã đưa ra yêu cầu cao hơn về tài chính, như các doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập dự phòng nghiệp vụ và đảm bảo biên khả năng thanh toán phải “cao hơn” biên khả năng thanh toán tối thiếu, trong khi quy định cũ là “không thấp hơn”.

Ngoài ra, các quy định pháp lý cũng đưa ra những yêu cầu cao hơn về việc đáp ứng công nghệ với các doanh nghiệp BHNT, như các doanh nghiệp bảo hiểm phải có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng theo dõi từng chi tiết giao dịch; đảm bảo kết nối dữ liệu kịp thời, chính xác giữa các bộ phận trong doanh nghiệp; đảm bảo cập nhật nội dung thông tin, tình hình quỹ liên kết chung trên website doanh nghiệp trong 5 năm… Những quy định này đã tạo sự chuyển biến cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Triển khai rất quyết liệt và đã mang lại kết quả

Ngành BHNT Việt Nam đã hình thành được 28 năm. BHNT ngày càng được xã hội đánh giá cao và mang lại những giá trị tích cực khi hàng năm các doanh nghiệp BHNT trả quyền lợi bảo hiểm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đầu tư trở lại nền kinh tế… góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, những năm gần đây cũng có phát sinh những tồn tại, hạn chế mà dư luận đã phản ánh. Trong giai đoạn từ 2010-2020 có tốc độ phát triển rất cao, nhưng từ năm 2021 trở đi có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm mang đến sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, khôi phục niềm tin của khách hàng. Cụ thể như, cải tiến bộ Hợp đồng bảo hiểm để tăng cường tính minh bạch và trải nghiệm khách hàng; cải tiến tài liệu minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm để tăng cường tính minh bạch của sản phẩm; cùng với đó là cải tiến các quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm; giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện hơn cho khách hàng; tăng cường kiểm soát chất lượng tư vấn… Các doanh nghiệp đều đang triển khai rất quyết liệt và bước đầu đã mang lại những kết quả để có thể đi tiếp được trong thời gian tới.

Minh Chi (ghi)

Thậm chí có chuyên gia đã nhận xét, nhờ tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và từ thực tiễn thị trường, các quy định do Bộ Tài chính ban hành thuộc một trong những hệ thống pháp lý về bảo hiểm chặt chẽ nhất khu vực. Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần tuân thủ đúng theo các quy định cũng là một bước tiến lớn trên thị trường, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Thực thi hiệu quả nhiều giải pháp

Nhận xét chung về thị trường BHNT, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, những khủng hoảng vào năm 2023 của các doanh nghiệp BHNT vừa là thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội để sớm khắc phục những hạn chế, qua đó khôi phục niềm tin của khách hàng. Với những kết quả về kinh doanh, giải quyết quyền lợi bảo hiểm như hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đã có thể “yên tâm” với sự phát triển của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp, vẫn còn đó sự trăn trở để làm sao vừa có thể khôi phục niềm tin, vừa gia tăng số lượng khách hàng. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam cho rằng, hiện vẫn còn rất nhiều khách hàng tiếp tục tin tưởng và thấy BHNT là cần thiết nên vấn đề của các doanh nghiệp BHNT là phải củng cố hơn nữa niềm tin này. Các doanh nghiệp phải cùng cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông lan toả thông tin, niềm tin đến bộ phận người dân còn chưa dám tin.

Hơn nữa, Tổng giám đốc của Chubb Life Việt Nam cũng bày tỏ, bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều liên quan đến 3 bên gồm: sản xuất, phân phối và khách hàng. Lĩnh vực bảo hiểm cũng vậy. Nếu thời gian trước đã có sự mất cân đối lớn tới khách hàng khi quyền lợi không được như những gì họ hiểu và kỳ vọng, dẫn đến khủng hoảng niềm tin thì nay cần thực hiện các giải pháp để duy trì cân bằng lợi ích 3 bên.

Theo các doanh nghiệp, để cân bằng lợi ích này, ngoài việc tuân thủ các quy định đã được cơ quan quản lý đưa ra thì phải có những cải tiến, cải thiện trong cung cấp dịch vụ cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Hiện nhiều doanh nghiệp BHNT đã cải tiến quy trình nghiệp vụ giúp thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn, tăng cường kiểm soát chất lượng tư vấn. Ngoài ra, trên thị trường, các doanh nghiệp BHNT cũng đã cho ra mắt nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 để minh bạch hoá, hiện đại hoá hơn.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, 5 trọng tâm trong hoạt động của doanh nghiệp là nghiêm túc tuân thủ luật kinh doanh bảo hiểm mới, tăng cường tính minh bạch của sản phẩm, tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ các kênh phân phối, liên tục cải thiện trải nghiệm khách hàng, đồng thời phối hợp cùng các ban ngành, công ty bạn để xây dựng thị trường bảo hiểm phát triển bền vững. Trong đó, Manulife cho ra mắt quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm M-Pro, từ đó cho phép công ty đánh giá độc lập nội dung tư vấn của đại lý thuộc tất cả kênh phân phối trước khi phát hành hợp đồng, đảm bảo 100% khách hàng được tư vấn đầy đủ và chính xác.

Tương tự, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã chính thức ra mắt tính năng “chú thích thuật ngữ bảo hiểm tức thời” trên website, giúp khách hàng đọc hiểu các thông tin bảo hiểm dễ dàng hơn. Generali Việt Nam đã ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm phiên bản thân thiện môi trường, cùng công cụ định danh và xác thực khách hàng điện tử; Dai-i-chi cho ra mắt dịch vụ Voicebot 24/7 và Chatbot 24/7 để hỗ trợ khách hàng… Ngoài ra, các doanh nghiệp BHNT cũng đang nỗ lực mở rộng kênh phân phối mới, hỗ trợ đại lý… để kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng và lấy lại niềm tin khách hàng.

Theo nghiên cứu về tác động của ngành bảo hiểm đến sự phát triển kinh tế do Prudential và PwC Việt Nam thực hiện, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm tăng khi kinh tế tăng trưởng, vì thế tăng trưởng bảo hiểm có tương quan với tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng thị trường bảo hiểm của Việt Nam được thúc đẩy bởi các sáng kiến của Chính phủ và tăng trưởng kinh tế, trong đó bảo hiểm số có thể đáp ứng 18% dân số đến năm 2030, đảm bảo khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người.

Hương Dịu

————-

Hải quan (Sự kiện – Vấn đề) 25-6-2024:

https://haiquanonline.com.vn/dam-bao-loi-ich-3-ben-cho-bao-hiem-nhan-tho-187245-187245.html

(95/2.185)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ...

(VOV GT) - Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024, nhà ở nhiều tầng nhiều...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,246