Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và kỳ vọng “siết” sở hữu chéo, thao túng ngân hàng
(KDPT) – Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, với những điểm mới liên quan đến việc siết chặt tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, đồng thời luật hoá các quy định về nợ xấu.
Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 sẽ giúp hoạt động ngân hàng an toàn, minh bạch hơn.
Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội chính thức thông qua, có một số điểm nhấn đáng chú ý.
Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%; giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó từ 20% xuống 15%; bổ sung quy định về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin; bổ sung một số nhóm người liên quan TCTD bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan… nhằm góp phần hạn chế, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, sở hữu có tính chất chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã có các quy định để loại bỏ, hạn chế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp qua xử lý đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
NHNN cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn… Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, cơ quan này sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, NHNN xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý.
Ngoài ra, thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2023 của NHNN, các đoàn thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tập trung triển khai thanh tra các nội dung về tỷ lệ sở hữu cổ phần; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng; cấp tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng lớn (cho vay, bảo lãnh, L/C, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).
NHNN cho hay sẽ tiếp tục đưa nội dung thanh tra hoạt động chuyển nhượng, sở hữu cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối tổ chức tín dụng vào Kế hoạch thanh tra năm 2024.
Siết chặt quy định về bán bảo hiểm
Một trong những quy định mới được dư luận quan tâm tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sửa đổi là quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo đó, điểm đáng chú ý là nhân viên của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua xuất hiện nhiều gian dối, gây mất niềm tin đối với khách, vì vậy thu nhập từ hoạt động này ở các ngân hàng đã chậm lại từ giai đoạn trước khi luật mới được thông qua.
Quy định mới sẽ giúp ngăn chặn việc nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn… xảy ra thời gian qua.
Một trong những điểm mới nữa của luật là việc can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém. Các tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (lỗ luỹ kế hơn 50% vốn điều lệ) sẽ được hỗ trợ bởi một số biện pháp như thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu chi trong năm của tổ chức tín dụng.
Luật hóa một số quy định về nợ xấu
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như:
Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
Đồng thời, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội nhưng không luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.
————-
Kinh doanh phát triển (Vấn đề hôm nay) 28-6-2024:
(100/1.091)