Bất cập thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh sao để tránh… “lạc hậu”?
(DĐDN) – Với hàng loạt những bất cập tồn tại, cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành được cho đã khiến “gánh nặng” của người nộp thuế ngày một gia tăng. Vậy, cần điều chỉnh sao để tránh lạc hậu?
Song song với việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chính phủ cũng sẽ dự kiến tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với các quy định hiện hành (tương ứng tăng khoảng 200-280 nghìn đồng/người/tháng).
Tăng lương là niềm vui với người lao động, thế nhưng, chưa kịp mừng, lại phải đối diện với nhiều nỗi lo, ngoài giá cả hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ biến động theo lương thì những bất cập của thuế thu nhập cá nhân tiếp tục là nỗi ám ảnh.
Những bất cập trong cách tính thuế thu nhập cá nhân được cho đã và đang tạo “gánh nặng” cho người nộp thuế – Ảnh minh họa: ITN
Chưa bao giờ vấn đề sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân lại được quan tâm như hiện nay, nhất là khi tại các phiên thảo luận của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ này chưa trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân vì mức giảm trừ với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng đang cao hơn thu nhập bình quân 2,2 lần (4,96 triệu đồng/người/tháng), trong khi tỷ lệ này ở các nước là dưới 1 lần. Ngoài ra, từ 2020 đến nay CPI chỉ tăng khoảng 11,74%, thấp hơn điều kiện để điều chỉnh thuế.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng pháp luật tháng 10/2025, và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.
Như vậy, đến giữa năm 2026, Luật Thuế thu nhập cá nhân với các điều chỉnh (nếu có) về mức giảm trừ gia cảnh, cách tính thu nhập chịu thuế và cách phân chia bậc thuế… mới được ban hành. Và để Luật (sửa đổi) có thể đi vào cuộc sống, người nộp thuế sẽ phải chờ Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, theo đó, nếu đúng lộ trình người nộp thuế sẽ vẫn phải chịu “gánh nặng” trong khoảng hơn 2 năm nữa bởi những bất cập của sắc thuế này.
Đáng nói, theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%… nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được Luật Thuế thu nhập cá nhân mới được sửa đổi sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
>> Vì đâu thuế thu nhập cá nhân tiếp tục “nóng” nghị trường Quốc hội?
Để giải quyết những bất cập này, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thêm những yếu tố khác như mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát hàng năm,… để điều chỉnh phù hợp khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân – Ảnh minh họa: ITN
Nhìn nhận về thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành bao gồm: cách tính thuế, bậc thuế, mức giảm trừ gia cảnh,… đây đều là những vấn đề cấp thiết cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Thực tế, về mức giảm trừ gia cảnh, trong hơn 10 năm qua, tính từ khi áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng), tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần vào giữa năm 2020.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác còn bất cập cũng được nhiều người đề cập. Đó là thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến từ 5% đến 35%, áp dụng từ 2007 đến nay là chưa đảm bảo phù hợp với thực tế. Mặc dù là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng nếu nhìn vào biểu thuế này, các mức thuế suất của Việt Nam cao như những nước có thu nhập cao, thậm chí cao hơn…
Để giải quyết những bất cập này, không ít ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thêm những yếu tố khác như mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát hàng năm,… để điều chỉnh phù hợp khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – đợt sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân sắp tới cần giải quyết được những điểm cơ bản nhất để tránh chuyện vừa sửa xong đã lạc hậu. Đơn cử như các mức giảm trừ gia cảnh cũng cần nghiên cứu đưa ra các mức linh hoạt, không cào bằng vì mặt bằng thu nhập, tính chất, đặc điểm của từng người, từng địa bàn khác nhau.
“Hiện công nghệ có thể quản lý đầu ra đầu vào, hóa đơn chứng từ đều có. Những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền mua nhà, xây nhà, thuê nhà… phải được quy định cụ thể trong luật, được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào”, vị chuyên gia này đề nghị.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quy định trong thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu so với vật giá nhưng mãi không đổi khiến nhiều người dân đang nghèo đi vì thuế.
“Vào 4 năm trước, mức giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu và mức đóng thuế của người có thu nhập là 11 triệu thì có thể tạm ổn. Nhưng hiện nay, mức tính như vậy không còn phù hợp, nhất là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và những thành phố lớn khác có chi phí đắt đỏ. Do vậy, cần phải đánh giá lại một cách toàn diện và sớm điều chỉnh trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Cùng với các vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, so với nhiều quốc gia, mức điều tiết thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam còn khá cao. Cách đánh thuế lũy tiến như hiện nay sẽ dẫn tới xói mòn sự hăng say tăng năng suất lao động. Vì thế nên xem xét giảm còn 4 bậc tính thuế thu nhập với các mức: 5%, 10%, 20% và 30% với mức thu nhập 60 triệu đồng/tháng chịu mức thuế cao nhất là 30%. Bên cạnh đó, cập nhật, bổ sung các khoản thu nhập chịu thuế như thu nhập từ kiều hối, kế thừa, quà tặng của một số đối tượng đặc thù để tạo sự công bằng trong chính sách thuế thu nhập cá nhân.
Gia Nguyễn
————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) ngày 04-7-2024:
Link 12 nghiêng
(155/1.298)