(DĐDN) – Trao đổi với DĐDN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI cho rằng, mấu chốt trong vụ “100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý” là phải giải quyết nghi án lừa đảo.
Theo đó, doanh nghiệp đành phải giải quyết theo tình thế khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại trước mắt, đồng thời tiếp tục theo đuổi giải quyết theo con đường tố tụng chính thức để xử lý hậu quả tiếp theo.
– Cho đến thời điểm hiện tại, ông có đánh giá như thế nào về bản chất vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý nghi bị lừa?
Với những dấu hiệu cho đến thời điểm ngày 17/3/2022, thì khả năng rất cao đây là một vụ lừa đảo thương mại quốc tế, có sự tính toán, dàn dựng tinh vi mà nạn nhân rất khó gỡ.
Dường như việc lừa đảo vẫn gia tăng cùng với sự tăng trưởng của các giao dịch quốc tế nói chung, giao dịch thương mại nói riêng. Cái khác trong vụ này là, không phải bằng cách thức mới, phương tiện hiện đại, mà vẫn là cách truyền thống từ xưa, vì xuất khẩu hàng hoá thanh toán nhờ thu trả ngay (D/P) là phương thức thanh toán truyền thống vẫn không có gì thay đổi từ trước đến nay.
– Phương thức thanh toán D/P có ưu điểm vượt trội nên thường được sử dụng trong giao dịch thương mại quốc tế, thưa ông?
Theo phương thức thanh toán D/P, nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ đề nghị một ngân hàng trong nước (phục vụ người xuất khẩu) nhờ một ngân hàng nước ngoài (phục vụ người nhập) thu hộ tiền hàng, sau đó giao bộ chứng từ giao hàng cho người nhập khẩu để đến cảng nhận hàng. Cuối cùng, hai ngân hàng ở 2 nước phối hợp với nhau giữ hộ tiền và chuyển trả lại cho người bán.
Ưu điểm của phương thức thanh toán này là đơn giản, nhanh chóng, vì về phía ngân hàng thì khách hàng cứ yêu cầu làm gì, ngân hàng sẽ thực hiện đúng như thế, mà không phải chịu trách nhiệm thay cho ai; về phía người bán hàng thì không phải đặt cọc, chứng minh năng lực tài chính hay khả năng cung cấp hoặc phải có tài sản bảo đảm như thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), nhất là với bên mua hàng nhập khẩu. Và quan trọng là chỉ phải trả một khoản phí hợp lý.
Nhược điểm của phương thức thanh toán này là xuất hàng đi rồi mà không chắc là người mua có nhận hay không. Nếu người mua không nhận hàng, tức là không thanh toán, thì người bán phải xử lý số hàng hoá đó. Trong trường hợp vì lý do nào đó, người mua chưa thanh toán, nhưng hàng hoá đã được giao một cách hợp pháp, hợp lệ cho người đang nắm giữ bộ chứng từ gốc, thì người bán mất hàng mà không thể đòi được tiền từ ngân hàng cũng như người mua hàng và thậm chí cả người thực tế đã nhận hàng.
– Rủi ro phát sinh từ phương thức thanh toán D/P trong vụ việc này đã rõ, thưa ông?
Trong vụ việc xuất khẩu hạt điều thanh toán theo phương thức D/P, về nguyên tắc thì người bán hàng chỉ giao hàng sau khi đã nhận được tiền. Tuy nhiên, thực chất thì bên bán đã xuất hiện rủi ro từ khi hàng hoá đã được bốc xếp lên tàu xuất khẩu. Rủi ro lớn hơn là việc bị mất bộ chứng từ vận chuyển (vận đơn), như là một loại giấy tờ có giá và có giá trị tương đương với số hàng hoá.
Mắt xích trong vụ này dường như đang nằm ở khâu vận chuyển chứng từ. Nhưng lại rất khó có thể quy trách nhiệm cho bên vận chuyển ngoài thoả thuận bồi thường do thất lạc chứng từ, đằng này lại không phải là trường hợp bị mất mà nghi ngờ là bị tráo ruột.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận phương thức này, thì buộc phải chấp nhận những khả năng rủi ro có thể xảy ra như trên.
– Được biết, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Việt Nam, hiện 16 container đã được Cảnh sát Kinh Tài cảng biển Genova (Italy) ra lệnh tạm giữ. Có cách nào để các doanh nghiệp yêu cầu các hãng tàu ngừng giao hàng không, thưa ông?
Các hãng tàu quốc tế thường hành xử rất chuyên nghiệp, giao hay không giao hàng cũng đều phải tuân thủ đúng pháp luật và thông lệ quốc tế. Do vậy, họ chỉ có thể hợp tác, giúp đỡ khi có những căn cứ xác đáng và trong giới hạn nhất định, chẳng hạn như có thể trì hoãn việc giao hàng một thời hạn ngắn. Còn về cơ bản chỉ không giao hàng theo lệnh của Toà án.
– Như vậy, theo ông, bước tiếp theo các doanh nghiệp phải tiến hành khởi kiện vụ việc này ra Tòa án?
Người xuất khẩu có quyền khởi kiện đối tác, ngân hàng hay người khác về những lỗi vi phạm dẫn đến hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, việc khởi kiện ở nước ngoài là vô cùng khó khăn, phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian.
Nếu việc khởi kiện mà đúng đủ bằng chứng thuyết phục và không kịp thời thì cũng không đạt được kết quả, thậm chí còn mất cả chì lẫn chài.
– Rút kinh nghiệm khi xảy ra trường hợp có nguy cơ bị lừa như “vụ hạt điều” thì các doanh nghiệp phải làm gì, thưa ông?
Trước hết, doanh nghiệp xuất khẩu cần lập tức tạm dừng những lô hàng chưa bốc xếp lên tàu để xem xét nguyên nhân. Nếu đã bốc xếp và chuyển bộ chứng từ cho ngân hàng rồi thì liên hệ với hãng tàu và ngân hàng của bên xuất khẩu để hỗ trợ trong khả năng.
Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam thông qua con đường ngoại giao và hợp tác khác để đề nghị hàng tàu và cảng nơi đến giúp đỡ xử lý trong trường hợp có nghi ngờ lừa đảo.
Cuối cùng điểm mấu chốt là cần phải đề nghị chứng minh và thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, như Toà án chẳng hạn, ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không giao hàng cho người có bộ chứng từ gốc, đồng thời điều tra xử lý những người có dấu hiệu lừa đảo.
– Vướng mắc vụ việc này, ông có những khuyến nghị gì đối với doanh nghiệp Việt khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài?
Hợp đồng với nước ngoài thì không thể giao kết bằng lời nói, mà phải ký kết bằng văn bản. Điều quan trọng nhất trong hợp đồng mua bán, đối với bên mua là về hàng hoá, đối với bên bán là điều khoản thanh toán.
Ngoài những điểm chính thuộc về sở trường là các điều kiện thương mại, thì các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý về các vấn đề rủi ro, nhất là về pháp lý, từ ngôn ngữ, áp dụng pháp luật, cho đến chỉ định cơ quan giải quyết tranh chấp.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy: Tính đến ngày 22/3, các doanh nghiệp Việt Nam đã tái xuất khẩu được sang Hà Lan 8 container hạt điều có chứng từ gốc trong vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy. Và để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có các container bị mất chứng từ gốc trong vụ việc trên. Hiện chính quyền cảng La Spezia cam kết cùng với cảnh sát tài chính của cảng sẽ giữ lại số container, mà các công ty Việt Nam mất kiểm soát bộ chứng từ, cập cảng này. Trong số 36 container bị mất kiểm soát chứng từ, cảnh sát tài chính Italy đã ra quyết định giữ lại cảng 14-16 container, số liệu có thể thay đổi do các tàu đến chậm hoặc số container bị vênh hay 1 container mới được phát hiện là không bị mất bộ chứng từ và có thể bán cho khách hàng khác. Còn lại 21 container nữa sẽ đến cảng La Spezia và cảng Genova, trong đó có 6 container sẽ đến cảng La Spezia vào ngày 26/3, 2 container cũng đến cảng này vào ngày 28-29/3 tới. Trong thời gian tới, Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các hãng tàu và về các vấn đề liên quan tới việc xử lý của tòa án. Theo ông Thanh nếu các vụ này trở thành vụ án hình sự thì việc xử lý có thể nhanh hơn, bởi vì có thông tin bên mua đã thuê luật sư và đã liên hệ với luật sư của bên bán (các doanh nghiệp Việt Nam), hãng tàu, tòa án để đòi giao hàng khi họ có bộ chứng từ gốc. |
HUYỀN TRANG thực hiện
———————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) 24-3-2022:
https://diendandoanhnghiep.vn/bai-hoc-phap-ly-tu-vu-hat-dieu-219503.html
(1.090/1.603)