Xác thực sinh trắc học: Bảo vệ tài khoản, phòng ngừa tội phạm chiếm đoạt tiền
(1TG) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng xác thực sinh trắc học không phải là để an toàn cho việc chuyển tiền, mà là bảo vệ an toàn tài khoản, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao, phòng ngừa người khác chuyển-rút-chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Để ngừa chiếm đoạt tiền trong tài khoản
Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao đang gia tăng mạnh mẽ. Theo công an, 50% các vụ lừa đảo áp dụng phương thức mạo danh các cơ quan chức năng, mạo danh ngân hàng, người thân…
Để triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, đặt ra yêu cầu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng để xác thực giao dịch. Trong đó có việc chuyển tiền trên 10 triệu đồng trong 1 lần hoặc trên 20 triệu đồng trong một ngày phải được xác thực sinh trắc học.
Xác thực sinh trắc học để nâng cao bảo vệ tài khoản ngân hàng
Các chuyên gia cho rằng việc xác thực sinh trắc học giúp làm sạch dữ liệu, xác định chính xác người mở tài khoản là người có căn cước công dân thật và tài khoản được mở bằng giấy tờ thật đã được đối sánh với dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Theo đó, khi đã có tài khoản ngân hàng, các giao dịch trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học sẽ đảm bảo người thực hiện giao dịch là chính chủ.
Như vậy, khi các đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật thực hiện giao dịch chuyển tiền nếu sử dụng khuôn mặt hoặc vân tay giả mạo để giao dịch sẽ có những dấu hiệu rất rõ ràng, là cơ sở để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, hạn chế tình trạng mở hộ hoặc mua bán tài khoản ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI Law Firm cho rằng việc xác thực chỉ cần thực hiện 1 lần và chỉ mang lại sự thuận tiện, an toàn hơn, chứ không hề có rủi ro hơn.
“Vấn đề mấu chốt, xác thực sinh trắc học, thêm lớp bảo vệ thứ 3, không phải là để an toàn cho việc chuyển tiền, mà là bảo vệ an toàn tài khoản, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao và phòng ngừa người khác chuyển, rút chiếm đoạt tiền trong tài khoản”, ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI Law Firm
Theo ông Đức, quy định xác thực sinh trắc học để giao dịch chuyển tiền online trên 10 triệu đồng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nên chưa phải là bắt buộc, mà là sự lựa chọn và thỏa thuận với ngân hàng để sử dụng dịch vụ.
“Đầu tiên chỉ cần bảo vệ 2 lớp, sau đó là phải bảo vệ 2 lớp là bắt buộc đối với 100% giao dịch, nay là bảo vệ lớp thứ 3, chỉ bắt buộc đối với khoảng 11% tổng số giao dịch”, ông Đức nêu.
Không bắt buộc nhưng rất cần thiết
Vậy câu hỏi đặt ra là người chỉ có dưới 10 triệu trong tài khoản hay người không có nhu cầu chuyển trên 10 triệu/lần hoặc 20 triệu/ngày, thì có cần xác thực không?
Luật sư Đức cho rằng về yêu cầu giao dịch thì không bắt buộc, nhưng người sử dụng tài khoản cân nhắc giữa tiện ích và rủi ro, chứ không bị xử lý khi không xác thực. Khách hàng sử dụng tài khoản không muốn xác thực thì vẫn có thể đến ngân hàng giao dịch như cũ.
“Nhưng về sự an toàn, bảo mật thì rất cần, vì xác thực không phải chỉ để chủ tài khoản chuyển tiền đi an toàn, mà quan trọng hơn là để người khác, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, không chuyển được tiền trong tài khoản của mình. Không xác thực, thì tội phạm chiếm đoạt quyền điều khiển có thể dễ dàng chuyển tiền tự động mỗi lần dưới 500 triệu ngay lập tức và không có giới hạn, như đã xảy ra quá nhiều trong thời gian qua”, ông Đức nêu.
Dù không bắt buộc, nhưng rất nên xác thực sinh trắc học
Theo luật sư Đức, giao dịch với số tiền trên 10 triệu đồng, bằng phương thức online rủi ro cao và cần độ an toàn cao, thì phải do chính chủ tài khoản thực hiện bằng nhận dạng khuôn mặt mình. Nếu muốn ủy quyền cho người khác thì vẫn không bị hạn chế, nhưng chỉ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Đó là điều hoàn toàn hợp lý.
Do vậy, ông Đức khuyến cáo giao dịch dưới 10 triệu cũng nên tự nguyện đề nghị ngân hàng áp dụng chế độ xác thực khuôn mặt. “Tất nhiên việc này còn phụ thuộc vào khả năng cung cấp dịch vụ của ngân hàng, để tránh nguy cơ mất 10 – 20 triệu đồng/ngày. Điều này còn nhằm không vô tình hay cố ý tạo ra thuê bao rác, tài khoản tài khống và tài khoản mạng ảo để tội phạm lợi dụng”, ông Đức nêu.
Chuyên gia khuyến cáo vẫn phải bảo mật thông tin, mật khẩu điện thoại và mật khẩu giao dịch; hết sức cảnh giác phòng tránh trước các hành vi lừa đảo, trong đó rất cần phải theo dõi, cập nhật kịp thời những thủ đoạn phạm tội mới; liên hệ kịp thời với ngân hàng hướng dẫn, ngăn chặn, xử lý sự cố ngay sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường…
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết số lượng tài khoản được xác thực trong những ngày đầu tháng 7 đã tăng gấp 10 đến 20 lần so với thường lệ. Dù có một số trường hợp gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, nhưng hầu hết đã được các ngân hàng hỗ trợ giải quyết.
“Tính đến 17 giờ ngày 3.7, đã có 16,6 triệu tài khoản khách hàng được các ngân hàng xác thực thông tin. Con số này bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng, phản ánh một nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Trong số này có đến 90% khách hàng chủ động xác thực trực tuyến và 10% khách hàng được hỗ trợ tại quầy”, ông Dũng thông tin.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng
Phó thống đốc Dũng nhấn mạnh rằng Quyết định số 2345/QĐ-NHNN sẽ giúp giải quyết triệt để các vấn đề về tài khoản giả mạo và không chính chủ.
Với quyết định này, việc mở tài khoản sẽ chỉ được thực hiện bằng căn cước công dân đã được xác thực, đảm bảo tính chính xác và an toàn; giao dịch trên 10 triệu đồng bắt buộc phải được xác thực sinh trắc học, đảm bảo đúng thông tin người mở tài khoản.
“Quyết định 2345 nhằm làm sạch tài khoản ngân hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ và ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ giả” ông Dũng nói.
Lam Thanh
————-
1 Thế giới (Khoa học – Công nghệ) ngày 04-7-2024:
(684/1.280)