3.778. Cơ chế nào gỡ khó cho công tác đấu thầu thuốc.

(VOV1) – Thời điểm này, tình trạng thiếu thuốc đang xảy ra khắp các bệnh viện các tuyến, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều trị cho bệnh nhân. Thực tế này một phần do trước đó, ngành y tế có một số cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị bắt giữ vì những sai phạm trong quản lý, điều hành hoạt động mua sắm, đầu thầu khiến các cơ sở y tế lo ngại và mong sớm có các cơ sở pháp luật rõ ràng chặt chẽ hơn để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này. Vì sao các cơ sở y tế lại ko mặn mà với việc đấu thầu dù biết sẽ gặp không ít khó khăn trong công tác khám chữa bệnh? Cần có cơ chế pháp luật như thế nào để quản lý, giám sát và “gỡ khó” cho công tác đấu thầu? Khắc phục thực trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, lên sóng trực tiếp trên VOV1 (từ Café 477 Hoàng Quốc Việt).

VOV1 (Câu chuyện Thời sự) trực tiếp ngày 16-6-2022:

https://vov1.vov.gov.vn/cau-chuyen-thoi-su/co-che-nao-go-kho-cho-cong-tac-dau-thau-thuoc-1662022-c47-85776.aspx

(24 phút)

————-

Kịch bản:

Câu chuyện Thời sự: Cơ chế nào gỡ khó cho công tác đấu thầu thuốc

Thời gian: 7h10 7h30

Phương Anh: Thưa quý vị và các bạn! Thời điểm này, tình trạng thiếu thuốc đang xảy ra khắp các bệnh viện các tuyến, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều trị cho bệnh nhân. Thực tế này một phần do trước đó, ngành y tế có một số cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị bắt giữ vì những sai phạm trong quản lý, điều hành hoạt động mua sắm, đầu thầu khiến các cơ sở y tế lo ngại và mong sớm có các cơ sở pháp luật rõ ràng chặt chẽ hơn để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này.

Phương Hà: Vì sao các cơ sở y tế lại ko mặn mà với việc đấu thầu dù biết sẽ gặp không ít khó khăn trong công tác khám chữa bệnh? Cần có cơ chế pháp luật như thế nào để quản lý, giám sát và “gỡ khó” cho công tác đấu thầu? Khắc phục thực trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân? Đây là nội dung sẽ được bàn luận trong Câu chuyện Thời sự hôm nay. Chúng tôi kết nối trực tiếp Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Quý vị thính giả quan tâm, muốn gọi điện, đặt câu hỏi với vị khách mời xin gọi các số điện thoại 02439341040, 03435563563.

Bây giờ mời BTV cùng khách mời bắt đầu cuộc trao đổi:

BTV: Trước hết, xin cám ơn Luật sư Trương Thanh Đức đã nhận lời tham gia Câu chuyện Thời sự của chúng tôi

Khách mời: Xin chào quý vị và các bạn

1- Thưa Luật sư Trương Thanh Đức , thời gian gần đây, việc đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị vật tư y tế đã trở thành vấn đề nhạy cảm sau khi một số vụ việc điển hình xảy ra tại BV Bạch Mai, BV Quận Thủ Đức TP HCM, BV Tim Hà Nội…. Là chuyên gia luật pháp từng tham gia giải quyết nhiều vụ việc nổi cộm, ông có nhìn nhận gì về những vi phạm trong quản lý, điều hành hoạt động mua sắm, đầu thầu thời gian qua?

Khách mời: Vi phạm trong hoạt động mua sắm, đấu thầu và kể cả đấu giá, diễn ra khá phổ biến trong những năm qua trong mọi lĩnh vực, trong đó có đấu thầu thuốc.

Có 2 dạng vi phạm chính: Do cố ý trục lợi, tham nhũng và do sai sót vì những lý do khác.

Riêng vi phạm về đấu thầu thuốc tại các Bệnh viện gây ra những hậu quả và tâm lý xấu hơn, vì có nguy cơ làm thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, nhất là đối với dân nghèo và đặc biệt nguy hại là nếu như vì sai trái mà dẫn đến tình trạng thuốc không bảo đảm chất lượng. Việc này, không chỉ làm cho người dân buồn lòng, phẫn nộ mà còn canh cánh nỗi lo lắng, sợ hãi cho bản thân và gia đình.

2- Không thực hiện mua sắm, đầu thầu, không có thuốc để điều trị, bệnh nhân chắc chắn sẽ là những người phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất, thưa ông?

Khách mời: Thà việc mua sắm, đấu thầu chưa tốt, có những vi phạm nhất định nhưng còn tốt hơn là việc dừng lại. Chậm triển khai dự án, sản phẩm nào đó thì thiệt hại chủ yếu là kinh tế. Còn chậm, thiếu, thậm chí không có thuốc, vật tư y tế, thì không còn là vấn đề kinh tế, mà nguy cơ đến vốn quý nhất không có gì so sánh, đánh đổi được là sức khoẻ, tính mạng con người.

Thiệt thòi thì người phải gánh chịu thiệt thòi nhất đương nhiên là bệnh nhân rồi. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc chịu thiệt thòi, mà còn còn không được chữa trị kịp thời, mất đi cơ hội vàng để chừa lảnh, để bình phục, phải mang tật, đeo đẳng  bệnh suốt đời, thậm chí là phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

3- Trước khi tiếp tục trao đổi, xin mời Luật sư Trương Thanh Đức và quý thính giả cùng nghe phóng sự do PV Đài TNVN thường trú khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện

16.6 7h15 Phong su minh hoa (   )

Chị Nguyễn Thị Kim H., người dân ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết, vừa tốn khoản tiền khá nhiều để đưa cha mẹ cao tuổi đi phẫu thuật đục thủy tinh thể tại bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh. Dù hai ông bà đều có thẻ bảo hiểm y tế nhưng do bệnh viện Mắt tỉnh Tiền Giang đã hết vật tư loại này trong nhiều tháng nay nên không làm được; không thể chờ đợi được nữa nên chị phải đưa cha mẹ đến bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật mắt:

Băng: “Tôi cũng như nhiều người dân rất bức xúc vì bệnh viện này thiếu thiết bị y tế mà trong nhiều tháng vẫn chưa được bổ sung, khắc phục. Bệnh nhân mua bảo hiểm y tế mà phải đến thành phố HCM khám chữa bệnh, rất nhiêu khê, tốn kém, và rất thiệt thòi

Không chỉ bệnh viện Mắt mà một số bệnh viện, cơ sở y tế công khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua cũng có lúc, có thời điểm xảy ra khan hiếm về thuốc, thiết bị y tế cục bộ. Bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra ngoài các cửa hàng thuốc tư nhân để mua.

Theo Trung tâm mua sắm ngành y tế (thuộc Sở Y tế Tiền Giang), công tác đấu thầu mua sắm thiết bị, vật tư, thuốc men mới khởi động trở lại từ đầu tháng 3 năm nay. Hiện tại, có 05 bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh “thuê” đơn vị này tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế với giá trị từ 3-4 tỷ đồng/đơn vị. Trong khi đó, các đơn vị đều có chức năng tổ chức đấu thầu theo quy định, nhưng các đơn vị chưa mạnh dạn làm công tác này. Trong cùng một thời điểm phải làm thủ tục, hồ sơ đấu thầu cho nhiều đơn vị nên Trung tâm mua sắm ngành y tế  đã quá tải, cán bộ, viên chức phải hoạt động ngày lẫn đêm. Dù có  nhiều cố gắng nhưng phải mất gần 6 tháng mới hoàn thành công tác đấu thầu, các đơn vị mới có thuốc, vật tư y tế.

Thưa Luật sư Trương Thanh Đức , qua phóng sự vừa rồi của PV Đài TNVN có thể thấy có nhiều lý do dẫn đến công tác đấu thầu bị đình trệ, trong đó có đề cập đến việc các đơn vị chưa mạnh dạn trong hoạt động này, rồi thời gian chuẩn bị hồ sơ thầu phải mất đến 6 tháng… khiến việc thiếu thuốc và vật tư y tế sẽ kéo dài, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Thưa ông nếu nhìn tổng thể câu chuyện của Tiền Giang là vẫn có thể thực hiện được đấu thầu nhưng công tác chuẩn bị hồ sơ quá lâu mới có thể đáp ứng. Theo ông, trong hoạt động đấu thầu hiện nay, các cơ quan chức năng có nên cắt giảm một số thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị của các đơn vị không?

Khách mời: Không riêng gì đấu thầu thuốc và vật tư y tế, cái gì theo quy trình, thủ tục hành chính dường như cũng chậm trễ, lề mề vô lý. Trong đó, có phần “lỗi” của pháp luật, có phần lỗi của người thực thi và có cả phần lỗi của mọi thứ liên quan. Làm lâu, làm chậm thế nhưng vẫn không bảo đảm an toàn, không bảo đảm chất lượng và kể cả giá cả.

Thế mà chúng ta cứ quy định như đúng rồi, nhưng nó chẳng phù hợp với thực tế. Dễ dàng, đơn giản thì sợ thất thoát, lợi dụng, nhưng chặt chẽ, phức tạp cũng chẳng tránh được điều đó, lại còn lãng phí thêm thời gian, mất thêm công sức, gây mệt mỏi, ức chế cho người thực thi và quan trọng nhất là mang lại rất ít hiệu quả, lợi ích.

Chỉ có một trong hai hướng lựa chọn chính: Hoặc là cắt giảm đi nhiều thủ tục hành chính chẳng cần thiết. Hoặc là, tổ chức lại lực lượng làm việc đó, chuyên môn hoá theo đúng năng lực, sở trường. Ví dụ, thay vì mỗi năm cứ phải chờ đợi mất tới 6 tháng một lần mới có được thứ thuốc men, dụng cụ y tế cần kíp, dẫn đến lúc nào cũng khó khăn, căng thẳng, bức xúc, thì phải có đầu mối chuyên trách tổ chức đấu thầu liên tục, nhà nghề, 12 lần thay vì 2 lần mỗi năm chẳng hạn. Đấu thầu tập trung mà ngành Y tế đã triển khai, tôi nghĩ là để giải quyết vấn đề này. Nhưng có lẽ, không đồng bộ, nên gỡ được cái này thì ngay lập tức mắc phải cái khác.

3- Là người từng giữ cương vị Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều trăn trở với những quy định trong mua sắm, đấu thầu thuốc. Mời ông Trương Thanh Đức và quý vị thính giả nghe ý kiến sau đây của bà Phạm Khánh Phong Lan:

16.6 7h10 Ba Phạm Khánh Phong Lan (  )

Băng: Thực sự không ai dám vỗ ngực xưng là tôi hoàn toàn yêu tâm về kết quả đấu thầu, bởi vì nó đáp ứng hết quy trình thủ tục thì không có hàng hoặc sản phẩm đó không đáp ứng chất lượng. Chúng ta đặt mục tiêu thuốc càng rẻ càng tốt, năm sau rẻ hơn năm trước. Trúng thầu sau đó vài thàng mà thuốc đó đấu thầu ở địa phương đó giá rẻ hơn thì bảo hiểm xã hội sẽ yêu cầu áp giá rẻ hơn và phải xuất toán. Tôi đồng ý tiền nhà nước chi tiêu hợp lý, nhưng mà liệu đã có nghiên cứu nào khẳng định thuốc càng ngày càng rẻ như vậy thì có ảnh hưởng gì đến chất lượng điều trị hay không?

-Thưa Luật sư Trương Thanh Đức , sau khi nghe ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, ông có thể phân tích thêm về những khó khăn đang đặt ra đối với các cơ sớ y tế trong thực hiện đấu thầu thuốc hiện nay?

Khách mời: Thuốc rẻ mà rởm thì thà đắt còn lợi hơn, tốt hơn. Mấu chốt là chất lượng, là tính năng. Phải đáp ứng được yêu cầu cơ bản, phải cùng đạt được tiêu chí tối thiểu như nhau thì mới xét đến cái cuối cùng là đắt hay rẻ. Biệt dược cao cấp, quý hiếm mà cứ đòi hỏi phải rẻ như hàng giả dược thì phải trả giá đắt bằng sinh mạng. Đấu thầu thật, đấu thầu chuẩn, đấu thầu vô tư, đấu thầu khách quan thì chắc chắn là sẽ đạt được mức giá rẻ nhất thị trường, nhưng điều đó không có nghĩa là rẻ dưới giá, theo kiểu ép thầu, ép giá, chế biến, đối phó, vẽ thầu. Đấy là đấu thầu giả, đấu thầu trái luật. Nó còn nguy hại hơn là việc chỉ định thầu, vì che dấu, lấp liếm, hợp thức hoá sai trái, giả dối.

Rao lại nội dung + số điện thoại chương trình

4- Theo dõi các vụ việc xảy ra trong mua sắm, đấu thầu thuốc, theo ông, cần có cơ chế pháp luật như thế nào để quản lý, giám sát hoạt động đấu thầu một cách hiệu quả?

Khách mời: Cơ chế pháp luật càng phức tạp thì càng dễ vi phạm và càng khó quản lý, giám sát. Pháp luật cần theo hướng đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Giám sát phải bằng chính cơ chế thị trường, bằng sự công khai, minh bạch và cạnh tranh thật sự, chứ cứ yêu cầu đòi hỏi, đề phòng dù có khó, có phức tạp thế nào, thì người ta cũng vượt qua một cách dễ dàng, nếu đã chủ đích, cố tình thông thầu.

5- Tại nghị trường quốc hội lần này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương  có phát biểu cho rằng, giải pháp cần phải giải quyết ngay là tháo gỡ vấn đề về pháp luật. Mời ông cùng quý vị thính giả nghe ý kiến của GSTS Nguyễn Anh Trí ngay sau đây:

16.6 7h10 GS Nguyen Anh Tri (  )

Băng:  Theo tôi đây là việc cần phải làm gấp. Phải đặt ra lợi ích chăm sóc sức khỏe của nhân dân lên trên hết thì mới thấy rằng việc này không nên chần chừ. Như vậy cần song hành cùng lúc cả 2 vấn đề lớn: Những ai cố tình vi phạm, nhất là tham lam mà sai phạm thì cần phải được xử lý. Những vấn đề gì thuộc về pháp lý chưa rõ ràng, chưa cụ thể dễ dẫn đến làm cho cán bộ quản lý mắc phải sai phạm thì phải tiến hành tháo gỡ. Tôi cho rằng, tất cả các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đủ để hiện thực hóa, xóa bỏ những vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm, giải quyết các vấn đề thuộc về y tế được suôn sẻ trở lại.

Thưa Luật sư Trương Thanh Đức , ông có đồng tình với quan điểm của GS.TS Nguyễn Anh Trí về giải pháp để tháo gỡ những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách trong mua sắm, đấu thầu thuốc?

Khách mời: Tôi đồng tình với quan điểm của GS.TS Nguyễn Anh Trí với tinh thần, việc cứu người như cứu hoả phải được ưu tiên hàng đầu, ưu tiên cao nhất, kể cả sai nhiều khi cũng phải chấp nhận. Vì sinh ra pháp luật nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ công bằng, bảo vệ lẽ phải và bảo vệ con người, chứ đâu phải để bảo vệ những thủ tục, quy trình, nguyên tắc cứng nhắc, vô tình làm hại cuộc sống, làm hại con người.

Tuy nhiên, không có một đạo luật hay nghị quyết thần kỳ nào có thể tháo gỡ được vướng mắc thực tế, giải toả được tâm lý đối phó, lo sợ nặng nề của cán bộ. Sẽ phải trải qua một chặng đường dài, mất nhiều thời gian, xử lý nhiều vấn đề. Thấy bất cập rồi thì phải bắt tay vào tháo gỡ ngay. Càng chậm trễ xử lý thì càng bế tắc, càng khó tháo gỡ.

6- Việc sử dụng hành lang pháp lý mới phù hợp để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc cần được hiểu như thế nào, thưa ông?

Khách mời: Nhiều người bình phẩm này nọ không hay, nhưng tôi thấy vô cùng đúng, vô cùng thấm thía và cảm thông với lời phát biểu của bà Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tại Phiên thảo thuận về kinh tế – xã hội kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV sáng ngày 02-6 vừa qua: “Bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm“.

Hành lang pháp lý, quy trình, quy định và việc xử lý trách nhiệm cần phải thay đổi nhằm hướng tới mục tiêu thiết thực, rõ ràng rằng trọng yếu không phải là xử lý vi phạm mà là không tạo ra bẫy sai phạm. Pháp luật không giúp cho các bác sỹ yên tâm, mạnh dạn hành nghề, không bảo vệ được thầy thuốc, thì thầy thuốc cũng chẳng bảo vệ được bệnh nhân.

Hãy thay đổi bắt đầu từ việc đối xử với bác sỹ. Lương y như từ mẫu, chứ lương y không phải như người mẫu, cứ phải căng mình “biểu diễn” dưới ánh đèn chói sáng và nhất nhất tuân theo yêu cầu của đạo diễn sân khấu. Đèn của bác sỹ là đèn không hắt bóng, chứ không phải là ánh đèn màu mè rực rỡ. Người sai khiến bác sỹ là y đức, chứ không phải là đạo diễn. Và đối tượng của bác sỹ là bệnh nhân chứ không phải là khán giả.

7- Để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi trong khám chữa bệnh, lãnh đạo các cơ sở y tế không sai phạm trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, theo ông, về lài dài, cần đề xuất tổ chức hoạt động này theo hướng nào?

Khách mời: Thực ra pháp luật chỉ là cái tối thiểu, thái độ, quan điểm, ý thức của con người, của y bác sỹ, dược sỹ, nhất là của người quản lý có trách nhiệm và đặc biệt là của người có quyền phán xét, xử lý mới là yếu tố quyết định.

Người làm luôn nơm nớp vì sợ sai, sợ bị quy kết trách nhiệm, tội lỗi, kể cả khi họ không cố tình sai phạm. Làm thì sợ tội với pháp luật, không làm để cứu chữa người bệnh tốt nhất thì lại có tội với lương tâm, với bệnh nhân. Họ là những người đang phải chịu đựng sự đau khổ, dằn vặt.

Pháp luật cũng cần được rà soát, xem lại, nhưng có lẽ có 2 điểm quan trọng hơn, mang tính quyết định hơn là:

Thứ nhất, đi vào điểm mấu chốt, bản chất của vấn đề là, cùng với những yêu cầu về số lượng, chất lượng và các điều kiện khác như nhau, đấu giá là nhằm mục tiêu bán được giá cao nhất, ngược lại đầu thầu nhằm mục tiêu mua được giá thấp nhất. Muốn thế thì minh bạch thông tin, công khai rộng rãi và cạnh tranh thật sự sẽ là công thức vạn năng mang lại kết quả tốt nhất.

Thứ hai, phải giao cho người có nghề, thành thạo về pháp luật, kỹ năng đấu thầu, quy trình, thủ tục hành chính, thay vì bắt những bàn tay vàng chuyên cầm ống nghe, dao mổ, vận hành máy soi, máy chiếu cứu người chịu trách nhiệm về những thủ tục lằng nhằng, rắc rối, đối phó với những cạm bẫy của tiền bạc, rắc rối của thương trường.

8- Liệu có nên có những hành lang pháp lý đủ chặt chẽ, nghiêm minh như thế nào  để bảo vệ người bệnh và cán bộ y tế trước các tình huống khẩn cấp trong đảm bảo đủ nguồn thuốc điều trị, thưa ông?

Khách mời: Hành lang pháp lý chặt chẽ và nghiêm minh là mong muốn chính đáng. Nhưng theo tôi, đó không phải là vấn đề mấu chốt. Tôi thấy, số lượng, tính chất và mức độ vi phạm pháp luật ngày càng tăng trong khi pháp luật ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ, rõ ràng, tốt hơn trước đây rất nhiều. Vậy, nếu cứ tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng hoàn thiện pháp luật thì chẳng khác nào tiếp tục chiến đấu vô vọng với cối xay gió.

Nếu như việc trừng phạt con người phải bảo vệ nguyên tắc cao nhất là không được oan sai thì chữa bệnh, cứu người phải tôn thờ nguyên tắc cao nhất là vì sức khoẻ, tính mạng của con người, thay vì bảo vệ nguyên tắc không có lợi, thậm chí làm hại con người, cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc.

BTV dẫn kết dựa vào phân tích khách mời… Xin trân trọng cám ơn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI về nội dung ông vừa phân tích, trao đổi. Xin cám ơn quý thính giả đã gọi điện, gửi câu hỏi tham gia chương trình./.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.396. ‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể...

‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể chế. (TT) - Nhiều người dân...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,620