3.778. Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng

Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng

(TT TCTT) – Sáng ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo, có ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; ông Lê Hoàng Chính Quang – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ Thông tin NHNN, cùng lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; NHNN chi nhánh TP. Hà Nội; các tổ chức tín dụng (TCTD); tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ (Công an, Thông tin và truyền thông…); Hiệp hội An ninh mạng quốc gia; chuyên gia kinh tế, luật sư, chuyên gia công nghệ; đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; đại diện một số tổ chức trong và ngoài ngành Ngân hàng…

bảo vệ khách hàng ngân hàng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo
Giải quyết triệt để tình trạng mở tài khoản bằng giấy tờ giả

Mở đầu hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Thống đốc NHNN đã có chỉ thị và liên tục có văn bản, đặc biệt là các văn bản chỉ đạo liên quan đến Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345 có 2 mục tiêu rất quan trọng là: ngăn chặn tình trạng mở tài khoản bằng giấy tờ giả; và mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải người trên giấy tờ đó đi mở.

Theo Phó Thống đốc, Quyết định 2345 sẽ giải quyết triệt để vấn đề thứ nhất. Trước kia, các đối tượng sử dụng giấy tờ mua bán trên mạng hoặc giấy tờ ở các hiệu cầm đồ để mở tài khoản, giờ đây các vấn đề này chấm dứt. Ngoài ra, Quyết định 2345 cũng sẽ chấm dứt tình trạng mở tài khoản rồi cho thuê tài khoản để làm các hành vi bất hợp pháp.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng chúc mừng ngành Ngân hàng đã triển khai Quyết định 2345 và đạt được thành công bước đầu

“Tính đến 17h giờ chiều ngày 3/7, đã có 16,6 triệu tài khoản khách hàng được ngành Ngân hàng kiểm tra đối chiếu với Bộ Công an. Con số này bằng 1 năm ngành Ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Đây là nỗ lực và thành công rất lớn của ngành Ngân hàng”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thông tin.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 4 ngày triển khai Quyết định 2345, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng gửi lời chúc mừng NHNN nói chung, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói riêng và tất cả các tổ chức tín dụng đã triển khai thành công bước đầu Quyết định 2345. Ngày đầu tiên triển khai dù có xảy ra ách tắc nhưng các tổ chức tín dụng đã vào cuộc quyết liệt và an toàn, đến ngày 3/7 đã thông suốt trên toàn hệ thống.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, ngày 3/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Xây dựng quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo”, nhằm xây dựng quy trình phối hợp quản lý tài khoản nghi ngờ gian lận lừa đảo, bảo vệ khách hàng trên tinh thần “khách hàng của một ngân hàng là của tất cả các ngân hàng, thượng đế của một ngân hàng là thượng đế của toàn hệ thống ngân hàng”.

Quang cảnh hội thảo Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Phát biểu tại hội thảo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cũng khẳng định: “Việc triển khai Quyết định 2345 là hết sức ý nghĩa, có ích cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng, cho an ninh xã hội nói chung”.

Qua phát biểu, Trung tá Triệu Mạnh Tùng cũng chỉ ra những nguyên nhân gia tăng của tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như: nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ của người dân khi tham gia không gian mạng còn hạn chế; vẫn còn tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng; thiếu hành lang pháp lý để quản lý, xử lý đối với hoạt động giao dịch, mua bán tiền ảo, tài sản ảo;…

Nhận định về việc triển khai Quyết định 2345, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Quyết định 2345 là vô cùng cần thiết về bảo mật, cần thực hiện càng sớm càng tốt.

“Theo tôi, không chỉ giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên mà dưới 10 triệu đồng cũng nên xác thực để bảo vệ, ngăn chặn khả năng tội phạm rút tiền trong tài khoản của chính chúng ta”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Với kinh nghiệm hơn 25 năm về an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng ban nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia đánh giá rất cao và ủng hộ ngành Ngân hàng đã triển khai Quyết định 2345 vì đây là giải pháp mang đến sự an toàn cho mỗi người dùng tài khoản ngân hàng.

Ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng ban nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia

Về việc có một số trục trặc trong ngày đầu triển khai, ông Vũ Ngọc Sơn khẳng định đây là “chuyện hết sức bình thường” và mang tính thời điểm. Đến ngày 3/7, gần như hệ thống đã trở lại bình thường. Những kết quả đã đạt được này là nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, đặc biệt là của đội ngũ kỹ thuật không thể đo đếm được trong nhiều tháng qua.

“Không có môn học nào về phòng chống lừa đảo, điều đó định vị là không có giải pháp kỹ thuật nào có thể chống được lừa đảo nên không đưa vào đào tạo. Đặc biệt trong an ninh mạng, cũng có khái niệm là không có giải pháp nào là 100%, mà chỉ là tương đối. Do vậy, cần sự vào cuộc và triển khai của nhiều giải pháp”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Ông Vũ Ngọc Sơn cũng cho hay, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia đã phát triển phần mềm chống lừa đảo, giúp người dùng phát hiện các số điện thoại, số tài khoản, đường link, phần mềm, ứng dụng lừa đảo trước khi thực hiện giao dịch trên điện thoại của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là cảnh báo, còn người dùng mới là quyết định những giải pháp này có hiệu lực hay không.

Đảm bảo dữ liệu khách hàng được làm sạch tối đa và xác thực chính xác nhất

Tại hội thảo, đại diện các vụ, cục, hiệp hội, các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán đều khẳng định đã tích cực phối hợp và quyết liệt triển khai để đảm bảo dữ liệu khách hàng được làm sạch tối đa và xác thực chính xác nhất.

Về các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đánh giá, Vietcombank là ngân hàng tiên phong ứng dụng dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công An, giúp khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học qua kết nối VNeID. Theo đó, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và VNeID. Việc này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại kết nối NFC.

Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank

Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank chia sẻ, để triển khai thực hiện Quyết định 2345 của NHNN, các NHTM trong đó có Vietcombank đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn; các nhóm từ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên đã “trực chiến” 24/7.

Đặc biệt, ngay khi triển khai sinh trắc học từ ngày 1/7, Vietcombank cũng ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. Bên cạnh bảo vệ bằng sinh trắc học, Vietcombank cũng nâng cấp các lớp bảo vệ cho cách khách hàng. Đây được coi là đợt cập nhật, nâng cấp lớn nhất kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Phó Tổng Giám đốc BIDV

Còn tại BIDV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này, thừa nhận trong ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học chuyển tiền, người dân có gặp trục trặc nhưng sau hệ thống dần ổn định. BIDV có 7.000 cán bộ được đào tạo hỗ trợ người dân 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến cuối ngày 3/7, BIDV đã có hơn 1,7 triệu khách hàng xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 khách hàng thu thập tại quầy.

Đại diện BIDV cũng đề nghị, NHNN cần hướng dẫn các ngân hàng từng bước tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn về sinh trắc học và xác thực định danh điện tử, từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn chung để các ngân hàng áp dụng. Song song với đó, các bộ, ban ngành liên quan, NHNN, Bộ Công an, các ngân hàng, các cơ quan báo chí cùng phối hợp, lên kế hoạch để đào tạo nhận thức và kiến thức cho khách hàng và người dân.

Tại hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đánh giá rất cao Techcombank khi triển khai Quyết định 2345 khi các giao dịch của khách hàng đều diễn ra thông suốt. Lý giải về thành công này, ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số Techcombank chia sẻ, từ tháng 12/2023, Techcombank đã xây dựng đội dự án bao gồm 60 chuyên gia chuyên thử nghiệm các trải nghiệm của khách hàng, quản lý sản phẩm, phát triển công nghệ, gắn kết khách hàng và quản trị rủi ro theo hướng cung cấp dịch vụ vừa đơn giản hóa phù hợp nhưng đảm bảo ngăn ngừa rủi ro cho khách hàng.

Ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số Techcombank

Khi triển khai, Techcombank đã sử dụng đến hơn 200 mẫu điện thoại di động khác nhau có vị trí kết nối NFC khác nhau để có thể thông tin đến khách hàng giúp họ xác thực sinh trắc học tốt nhất. Bên cạnh đó, thực hiện bảo mật thông tin cho hơn 5.000 nhân viên.

“Chúng tôi chia nhóm khách hàng thành hơn 50 nhóm gồm địa điểm sống, thói quen sử dụng tài khoản, hạn mức chi tiêu phổ biến… nhằm nhận diện rủi ro tốt nhất”, đại diện Techcombank chia sẻ và cho biết: “đã thu thập được thông tin sinh trắc học của 2,1 triệu khách hàng, tính đến 17h chiều ngày 3/7”.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) thông tin, VNPAY đã tích cực phối hợp với NHNN và Bộ Công an để đảm bảo dữ liệu khách hàng được làm sạch tối đa và xác thực chính xác nhất.

Ông Trần Mạnh Cường – Phó Tổng Giám đốc CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY)

Bên cạnh đó, VNPay đã phối hợp thu thập tất cả thông tin, triển khai truyền thông thông đến khách hàng; cung cấp kịp thời các giải pháp, nghiên cứu triển khai công nghệ đảm bảo tính an toàn, xin chứng chỉ về giả mạo trong thực hiện sinh trắc học…

Tuy nhiên, trước thực trạng các hình thức lừa đảo mới ngày càng tăng, VNPay cũng gặp những khó khăn liên quan đến việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Do đó, đại diện VNPay đề xuất NHNN nghiên cứu chính sách chuyển tải thông điệp nhanh nhất về số hóa thay cho giấy tờ trong giải quyết sự cố, cũng như thông điệp về sự cấp thiết trong việc việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Ông Lưu Danh Đức – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối CNTT Ngân hàng SHB

Ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối CNTT Ngân hàng SHB nhấn mạnh, để triệt để xử lý gốc rễ vấn đề lừa đảo trên mobile app thì công tác truyền thông/giáo dục tới khách hàng phải được thực hiện mạnh mẽ, đa kênh và hiệu quả hơn nữa để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.

Ngân hàng cũng đề xuất sớm xây dựng quy định, quy trình, cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an, NHNN, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán nhằm kịp thời ngăn chặn hoạt động chuyển tiền của tội phạm.

Để phòng tránh rủi ro thời gian tới, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, cần kết hợp các trụ cột chính gồm: nâng cao nhận thức; tăng cường bảo vệ; tăng cường kiểm soát, đặc biệt là sử dụng công nghệ trong phát hiện giao dịch; sự phối hợp chung tay của nhiều bộ, ngành để hình thành cơ chế phối hợp nhanh nhất.

ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ Thông tin NHNN

Về quá trình triển khai Quyết định 2345, ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ Thông tin NHNN cho biết, đã có 24 tổ chức tín dụng gửi dữ liệu cho C06 để làm sạch dữ liệu online. Cục cũng đã triển khai các giải pháp xác thực mạnh gồm: xác thực đa thành tố trong giao dịch trực tuyến như OTP, FIDO, chữ ký số… và xác thực sinh trắc học (qua dữ liệu CCCD gắn chip, VneID).

Trong đó, xác thực sinh trắc học đến nay đã có 40 tổ chức tín dụng, 2 trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến có xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy; 21 tổ chức tín dụng triển khai thử nghiệm tích hợp VNeID và 1 tổ chức tín dụng đã triển khai chính thức;…

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm một lớp bảo vệ nên chắc chắn an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.

“Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ nữa, ngân hàng không bỏ một bước bảo mật nào nên chỉ an toàn hơn cho khách hàng. Tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng công nghệ phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tài sản khách hàng được tốt hơn”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Minh Đức – Quỳnh Lê

————-

Thị tường Tài chính Tiền tệ  (Hoạt động ngân hàng) ngày 04-7-2024:

https://thitruongtaichinhtiente.vn/giai-phap-bao-ve-khach-hang-su-dung-dich-vu-ngan-hang-59936.html

(86/2.862)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,399