Có bao nhiêu tiền trong tài khoản thì cần xác thực sinh trắc học?
(PLO) – Theo các chuyên gia an ninh mạng, khách hàng không nên quan niệm chỉ chuyển khoản trên 10 triệu mới cần xác thực sinh trắc học, mà số tiền bao nhiêu cũng là quý, việc xác thực sinh trắc học nên áp dụng với mọi giao dịch chuyển khoản.
Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC đã đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân nhằm đảm bảo an toàn tối đa trong giao dịch ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức – Ảnh: Ngọc Diệp
Cần đặc biệt chú ý đến những điểm sau
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng để đảm bảo an toàn tài chính tối đa, người dân nên cẩn trọng với các quyết định xác thực sinh trắc học của mình. Có những người quan niệm rằng ngân hàng không yêu cầu giao dịch dưới 10 triệu đồng/lần thì không cần phải làm xác thực, ông Đức cho rằng điều này không phù hợp.
Ông Đức khuyến cáo ngay cả với người thường xuyên không có đủ 10 triệu đồng trong tài khoản, hoặc không muốn xác thực khi mà không có nhu cầu chuyển khoản trên 10 triệu cũng nên chấp nhận việc xác thực sinh trắc học với bất kỳ số tiền nào chuyển đi.
Lý do của quan điểm này, theo luật sư Trương Thanh Đức, xác thực sinh trắc học không phải chỉ để chủ tài khoản chuyển tiền đi an toàn, mà quan trọng hơn là để người khác, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, không chuyển được tiền trong tài khoản của mình, dù số tiền là bao nhiêu.
Ông Đức đồng thời khuyến cáo người dân đặc biệt chú ý đến những điểm sau: không vô tình hay cố ý tạo ra thuê bao rác, tài khoản tài khống và tài khoản mạng ảo để tội phạm lợi dụng; bảo mật thông tin, mật khẩu điện thoại và mật khẩu giao dịch; hết sức cảnh giác phòng tránh trước các hành vi lừa đảo, trong đó rất cần phải theo dõi, cập nhật kịp thời những thủ đoạn phạm tội mới. Cuối cùng cần liên hệ kịp thời với ngân hàng hướng dẫn, ngăn chặn, xử lý sự cố ngay sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Cần bốn trụ cột chính
Khuyến cáo về những điều mà người dân cần chú ý để đảm bảo an toàn trong giao dịch tài chính, chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng ban nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia nhấn mạnh thực ra trên thực tế không có một giải pháp cố định nào cho vấn đề an toàn trên không gian mạng.
Dù vậy, bản thân người dùng cũng nên tỉnh táo bởi đã có nhiều trường hợp dù đã có cảnh báo không nên tiếp tục chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo mà người dân vẫn chuyển, vẫn làm theo bọn lừa đảo thì chuyên gia thực sự khó hiểu, khi đó mọi biện pháp “tường lửa” hay cảnh báo sẽ không còn tác dụng nữa. Người dân cũng nên bớt cả tin vào bất kỳ cuộc gọi nào, dù là cơ quan công an hay cơ quan thuế, cần lập thói quen đến cơ quan chức năng làm việc trực tiếp.
Ông Sơn nhấn mạnh chính bản thân ông đánh giá rất cao quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước dù nhiều người phàn nàn về sự bất tiện của nó. Ông Sơn khẳng định: “Một quyết định như vậy là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân trên không gian mạng”.
Mỗi giao dịch ngân hàng khi đưa khuôn mặt vào chỉ mất 3 giây, người dân không nên nghĩ đó là sự bất tiện, mà đó là sự bảo vệ hoàn toàn cần thiết.
Ông Phạm Thái Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông trong khi đó khuyến cáo người dân luôn cẩn trọng trước những lời mời chào hấp dẫn, không bao giờ có thể kiếm được số tiền nhiều mà không phải làm gì nhiều trong thời gian ngắn. Ngoài ra, cũng cần cẩn trọng trong cài đặt các ứng dụng phần mềm, chỉ 1,2 lần nhấp chuột thiếu cẩn trọng cũng có thể bị tin tặc tấn công.
Từ ngày 15-4, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ cắt toàn bộ các sim rác không trùng hợp với cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia và triển khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các số liệu thoại lừa đảo
Để đảm bảo an toàn tài chính tối đa cho người dân trên không gian mạng, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia cho rằng cần bốn trụ cột chính: Nâng cao nhận thức, tăng cường bảo vệ, tăng cường kiểm soát đặc biệt là sử dụng công nghệ trong phát hiện giao dịch đáng ngờ, cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành.
Ngọc Diệp
————-
Pháp luật TP HCM (Kinh tế) 05-7-2024:
https://plo.vn/co-bao-nhieu-tien-trong-tai-khoan-thi-can-xac-thuc-sinh-trac-hoc-post798940.html
(369/940)