3.782. Nới room có chọn lọc

(ĐTTC) – Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), nhận xét việc nới room tín dụng cho một số NHTM hiện nay là cần thiết để đảm bảo dòng vốn cho các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất sau những khó khăn vì đại dịch Covid-19, tuy nhiên nên có sự chọn lọc thay vì cho nới room ồ ạt.

PHÓNG VIÊN: – Ý kiến của ông như thế nào về đề xuất nới room tín dụng của một số NHTM vào thời điểm này?

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: – Trong thời gian dịch bệnh, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ nên DN không có nhu cầu vay mới, chủ yếu họ muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay cũ. Đó chính là lý do khiến tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm ở mức thấp.

Tuy nhiên trên thực tế, có một số NH đang loay hoay với việc tăng trưởng tín dụng, nhưng cũng có những NH vẫn ghi nhận tăng trưởng tín dụng tương đối tích cực. Hiện nay khi nhu cầu tín dụng của DN đang có xu hướng tăng trở lại, các nhà băng này rất trông chờ vào việc được nới room.

Tôi cho rằng việc nới room cho các NHTM nếu được NHNN chấp thuận sẽ phần nào tạo thêm cơ hội cho các DN có khả năng phục hồi tốt hơn, từ đó tìm kiếm thêm những thị trường mới, bù đắp sự thiếu hụt do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch Covid-19.

Tất nhiên, mức room NHNN cấp thêm cho các NHTM sẽ phụ thuộc vào nhu cầu, năng lực giải ngân, năng lực quản lý rủi ro của NH. Quan điểm của NHNN là không hạ chuẩn cho vay, đây là điều rất quan trọng vì không NH nào dám đánh đổi rủi ro lớn để lấy tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, các NH cũng nên cân nhắc để có thể chấp nhận mức rủi ro cao hơn một chút đối với một số dự án có khả năng phục hồi khả quan để quyết định rót vốn.

– Trong cuộc họp báo mới đây, đại diện NHNN cho rằng việc nới room hiện nay rất khó. Nguyên nhân chính vẫn là áp lực rất lớn từ lạm phát. Ý kiến của ông thế nào?

– Tôi cho rằng việc nới room cần phải có chọn lọc. Chọn lọc NH, chọn lọc lĩnh vực ưu tiên cho dòng vốn. Lĩnh vực tài chính – NH khá nhạy cảm, chỉ cần tác động nhỏ cũng có thể dẫn tới thay đổi rất lớn.

Không chỉ riêng Việt Nam,  ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống tài chính – NH là điều vô cùng quan trọng và được đặc biệt lưu tâm. Nhưng cũng cần nhìn nhận nới room tín dụng cũng không phải dễ dàng với tất cả NH trong bối cảnh hiện nay, khi chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay.

Bên cạnh đó, từ trước tới nay nguyên tắc của NHNN là những NH nào không sử dụng hết room tín dụng sẽ được chuyển sang cho NH khác. Xét chung cho cả thị trường, việc nới room tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát nếu việc điều phối của NHNN tiếp tục linh hoạt. Thực tế hiện nay cho thấy, cầu của nền kinh tế vẫn còn hạn chế, do đó mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn có thể đảm bảo được.

– Cũng có ý kiến đề xuất NHNN nên bỏ công cụ điều hành tiền tệ là hạn mức tín dụng?

– Trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành tín dụng bằng chỉ tiêu và định hướng là cần thiết, NHNN chưa thể bỏ ngay được công cụ này. Nhờ có công cụ này NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.

Hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng NH riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi từng đợt, khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng NH. Việc xem xét này thậm chí còn linh hoạt có thể còn là điều chỉnh cả tổng room hệ thống khi cần thiết.

Thực tế, từ năm 2011 đến nay NHNN đã triển khai và phát huy tác dụng rất tốt trong việc quản lý chất lượng tín dụng thông qua công cụ này. Hạn mức tín dụng là cơ chế phù hợp để ngăn các NH tăng trưởng tín dụng quá nóng” hoặc có những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực quản trị rủi ro.

Đơn cử, giai đoạn 2020-2021 dòng tiền rẻ xuất hiện trên thị trường, nếu không có room tín dụng và dòng tiền được tự do chảy vào các hoạt động chứng khoán, bất động sản rủi ro sẽ rất lớn. Không chỉ NHNN, nhiều NHTW các nước cũng dùng công cụ này. Như Trung Quốc, nơi có quy mô và thị trường tín dụng cực lớn, NHTW Trung Quốc vẫn phải duy trì điều hành công cụ hạn mức tín dụng.

– Xin cảm ơn ông.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:
Duy trì room khó kiểm soát dòng tiền
Đã đến lúc NHNN cần cân nhắc sử dụng các công cụ khác, thay vì dùng công cụ thuần túy hành chính như hạn mức tín dụng. Hiện công cụ điều hành tiền tệ của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, do đó việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có việc nới room hoàn toàn có thể linh hoạt. Theo đó, NHNN nên sử dụng các công cụ chế tài nhiều hơn. Đơn cử, NHNN buộc các NHTM phải giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhất định để đảm bảo an toàn. Hiện nay, tỷ lệ dự trữ này ở các NH Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ 2-3%, nên quy định siết room hay nới room các NH về cơ bản không ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ NHTW Trung Quốc bắt buộc các NH phải đạt được có khi lên đến 8-12%. Việt Nam chưa có chế tài như vậy. Vì vậy, vai trò định hướng dòng vốn của NHNN cần được cụ thể hóa bằng các công cụ rõ ràng hơn với những lĩnh vực cụ thể. Việc duy trì chính sách hạn mức tín dụng thực ra vẫn khó kiểm soát dòng tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro. NHNN cần phân loại và có chế tài mạnh với từng lĩnh vực rủi ro cụ thể. Lĩnh vực nào được cho rủi ro cao yêu cầu NHTM phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với lĩnh vực đó. Thí dụ, đối với bất động sản, vốn được cho là tăng trưởng nóng, lĩnh vực rủi ro cao, quy định về dự trữ bắt buộc đối với lĩnh vực tín dụng cho vay này lên đến 200% sẽ chẳng có NH nào dám cho vay lĩnh vực này nữa.

Lưu Thủy (thực hiện)

—————————–

Đầu tư Tài chính (Tài chính)

https://www.saigondautu.com.vn/tai-chinh/noi-room-co-chon-loc-106261.html

(322/1.227)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,952