3.784. Góc nhìn hôm nay: Dẹp nạn “hoa hồng” đấu thầu y tế

(QHTV) – Cứ 3 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp sẵn sàng chi “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu. Điều đáng lo ngại là có tới 50% doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế đồng tình với nhận định “tình trạng chi trả hoa hồng để trúng thầu đang tràn lan”. Con số giật mình này cho thấy những “điểm đen” đáng báo động trong đấu thầu, mua sắm công là kết quả khảo sát được công bố mới đây.\

Theo nhiều chuyên gia, số liệu này thực sự gây “sốc”, mặc dù lâu nay chúng ta đã nghe được hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ”, thông thầu. Và cao điểm của giọt nước tràn ly, là vụ chỉ định thầu mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á vỡ lở, kéo theo hàng loạt cán bộ các Bộ ngành, địa phương, thậm chí cả người đứng đầu ngành Y tế đã bị khởi tố.

DOANH NGHIỆP CHI HOA HỒNG ĐẤU THẦU

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Gần 35% DN tham gia khảo sát quan niệm, việc chi trả “hoa hồng” để có thể trúng thầu là yêu cầu bắt buộc, luật “bất thành văn”. Hiểu một cách đơn giản, cứ 3 DN thì có 1 DN sẵn sàng chi “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu. Tỷ lệ này càng cao cho thấy mức độ phổ biến của chi phí ngoài quy định càng lớn. Và đã đến mức báo động khi hành vi này được xem là đương nhiên.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội: “Tình trạng tiêu cực, phải chi tiền, chi hoa hồng tiền nói chung và nói riêng trong lĩnh vực y tế có thể nói trong những năm qua rất phổ biến, rất công khai, lộ liễu và dường như không giảm đi mà còn tăng lên cả về quy mô và số lượng. Địa bàn thì xuất hiện gần như khắp nơi, phổ biến và ai ai cũng cũng có thể trải nghiệm và biết được điều đó”.  

Đặc biệt hơn, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 10% việc này được thực hiện do cán bộ phụ trách thầu gợi ý. Tỷ lệ Cán bộ phụ trách thầu ở lĩnh vực y tế gợi ý cao hơn, lên tới 21,3%. DN phải chi “hoa hồng” để các bước chuẩn bị, nộp hồ sơ dự thầu được trơn tru hơn. Khảo sát cho thấy, có trường hợp DN từ chối chi trả các khoản này, thì tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, thậm chí không nộp được hồ sơ dự thầu, còn gây tổn thất lớn hơn cả khoản chi “bôi trơn” trên.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN – Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh: “Chúng ta chưa tìm ra được cơ chế phù hợp. Rồi trang thiết bị rộ lên gần đây, tức là việc quản lý như thế nào và làm sao để cho chúng ta kịp có được những trang thiết bị phù hợp, hiện đại để phục vụ cho bệnh nhân trong mặt bằng chung tất cả những quy định về trang thiết bị hết sức là chung chung: Cứ theo luật pháp thôi. Có nghĩa là máy móc y tế mua cũng giống như tất cả các loại máy móc khác trên đời! Tất cả những quy trình như thế, nhưng lẽ ra với thực tế thiệt hại cả về máy móc lẫn con người như vậy, cho tới giờ phút này, chúng ta phải biết rút kinh nghiệm để làm sao những vấn đề này không lặp lại trong tương lai”. 

Tỷ lệ này với các nhóm doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị phòng chống dịch và dược phẩm lần lượt là 38% và 33%. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các gói thầu của cơ sở y tế chủ động tự đưa “hoa hồng” để dàn xếp việc đấu thầu lên tới 32,8% (tỷ lệ chung của các lĩnh vực là 25,2%). Những con số này cho thấy hoạt động phòng chống dịch bệnh thời gian qua có thể bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để mưu lợi bất chính. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, làm mất tính cạnh tranh lành mạnh của hoạt động đấu thầu, mà còn làm giảm hiệu quả công tác ứng phó đại dịch, cũng như làm mất niềm tin của nhân dân đối với y đức của những cán bộ ngành y tế.

Nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên – môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các doanh nghiệp nhà nước cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, nếu không được giám sát chặt chẽ.

Y tế có thể chỉ là một trong các lĩnh vực đấu thầu bị phát hiện tiêu cực, do được đặc biệt chú ý trong 2 năm gần đây. Hàng loạt vụ việc sai phạm trong đấu thầu của các cơ sở y tế khiến nhiều cán bộ y tế bị khởi tố trong thời gian gần đây, từ hàng loạt lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, đến lãnh đạo cấp Vụ, Thứ trưởng, thậm chí cả Bộ trưởng Bộ Y tế, là cảnh báo nghiêm túc về việc cần khắc phục những kẽ hở trong hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công lập đang bị thiếu nguồn thuốc và vật tư y tế, nhưng sợ hãi vi phạm mà không dám đầu thầu.

Sáng 20/6/2022, tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính họp bàn, tháo gỡ các khó khăn về mua sắm tập trung. Các bộ, ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn về mua sắm tập trung để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

CHẬM ĐẤU THẦU Ở CẤP TRUNG ƯƠNG

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thời gian qua, theo Bộ Y tế, là do vướng mắc đấu thầu, thậm chí nợ tiền nhà cung ứng một số thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, thuốc y học cổ truyền, thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các trang thiết bị y tế chuyên sâu như thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu. Còn vật tư tiêu hao và hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất xét nghiệm.

Ông ĐỖ XUÂN TUYÊN – Thứ trưởng Bộ Y tế: “Vốn đã chậm đấu thầu so với dự kiến, do tình trạng hết số đăng ký và 1 số thuốc. Tình trạng này Bộ Y tế cũng đã mạnh dạn đánh giá cái này . Nhưng do 1 số khó khăn chậm có kết quả đấu thầu quốc gia, đàm phán một số thuốc mua sắm tập trung dẫn tới phải thực hiện nhiều hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động thời gian số lượng”.

Ông NGUYỄN HOÀNG MAI – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Trong báo cáo Bộ Y tế chưa xảy ra, tức là khi đã không đấu thầu tập trung mà chuyển sang các cơ sở khám bệnh chữa bệnh trực tiếp tổ chức thì nó sẽ xảy ra 1 số câu chuyện tức  là các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đang nợ tiền thuốc của các nhà buôn. Chuyện nợ tiền thuốc lại liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế với các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Trong thời gian qua, có 1 số cơ sở khám bệnh chữa bệnh vượt mức cho phép sau đó chờ trên Quản lý quỹ Trung ương quyết định. Đây là câu chuyện xảy ra những năm trước đây”. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích về khó khăn đấu thầu trang thiết bị y tế hiện nay, giả sử gói thầu này trúng với giá 100 đồng, nhưng mấy tháng sau cũng gói thầu đấy lại chỉ còn có 99 đồng, mấy tháng tiếp theo xuống có 98 đồng, dẫn tới việc các cơ quan sẽ kiểm tra và xem xét lại trách nhiệm của các chủ đầu tư, các chủ dự án đối với nội dung sử dụng hiệu quả nguồn nhân sách nhà nước như thế nào, khi giá chào thầu giảm xuống theo thời gian. Về chủ quan, cơ quan tổ chức đấu thầu không nên thụ động ngồi chờ cấp trên và Bộ ngành khác gỡ khó hộ mình.

Ông TRẦN NGỌC HÙNG – Vụ trưởng Vụ Lao động-Văn hóa-Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Các cơ quan hữu quan sẽ  kiểm tra, xem xét lại trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ dự án đối với sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước.  Đề nghị Bộ Y tế tổng hợp rất nhanh vướng mắc đầu tư công về đấu thầu trang thiết bị y tế của các tỉnh và các bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Các đồng chí tổng hợp, phân nhóm ra. Để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý được thì sau phần tổng hợp chung các vướng mắc, phân chia theo nhóm, các đồng chí có phụ lục kèm theo cụ thể ở chỗ nào, tỉnh nào, bệnh viện nào….”

Thực tế, có chuyện chậm thầu so với dự kiến do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc; chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia. Do phải chờ đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm. Bộ Y tế sẽ phải phối hợp, làm việc với các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh, tháo gỡ ngay.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Tinh thần chung là không thể để thiếu vật tư và thuốc, nhưng mà chúng ta không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính như các đồng chí nói là ai mà thiếu thì phải chịu trách nhiệm, cái đó thì đương nhiên rồi nhưng mà chúng ta phải tháo gỡ. Riêng đấu thầu tập trung ở cấp trung ương là chậm, Anh Tuyên (Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế -PV) giờ phải chỉ đạo xốc lại, cái này phải làm nhanh lên, mới đấu thầu ít quá các đồng chí ạ. 20.000 loại thuốc tất cả các đồng chí đấu thầu có hơn trăm loại thuốc, mà đấu thầu vẫn chậm là sao ??”.

Thủ tục hành chính dường như cũng vô lý. Trong đó, có phần “lỗi” của pháp luật, có phần lỗi của người thực thi. Chỉ có một trong hai hướng lựa chọn chính: Hoặc là cắt giảm đi nhiều thủ tục hành chính chẳng cần thiết. Hoặc là, tổ chức lại lực lượng làm việc đó, chuyên môn hoá theo đúng năng lực, sở trường. Ví dụ, thay vì mỗi năm cứ phải chờ đợi mất tới 6 tháng một lần mới có được thứ thuốc men, dụng cụ y tế cần kíp, nên có đầu mối chuyên trách tổ chức đấu thầu liên tục, nhà nghề, 12 lần thay vì 2 lần mỗi năm chẳng hạn.

Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang trong thời gian xây dựng được kỳ vọng sẽ giúp các thủ tục đấu thầu minh bạch hơn, hạn chế các tiêu cực trong công tác lựa chọn nhà thầu.

Nguồn tin từ ban soạn thảo cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tính đến các yếu tố phát sinh của ngành y tế. Nội dung sửa luật cũng làm rõ thêm trường hợp chỉ định thầu với thuốc, vật tư y tế,… Thời gian qua, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã làm rõ, xử lý vướng mắc trong một số trường hợp: Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, xác định giá gói thầu bằng việc ban hành Nghị quyết 30 của Quốc hội, các Nghị quyết 78, 79 và 86 của Chính phủ.

Tuy nhiên, liên quan đấu thầu, tổng thể hệ thống pháp luật cần được nhìn nhận, đánh giá lại. Việc hoàn thiện Luật Đấu thầu là chưa đủ, bởi bản chất luật này mới chỉ quy định thủ tục, còn nhiều vấn đề liên quan nằm ở Luật Giá, các văn bản chuyên ngành, hay là Luật Khám bệnh, Chữa bệnh cùng các thông tư liên quan.

PHÁP LUẬT KHÓ THỰC HIỆN, NGUY CƠ TIÊU CỰC CÀNG NHIỀU

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội : “Chúng ta đã sửa đổi pháp luật, hoàn thiện pháp luật nhiều năm nay, nhưng cái chính tôi nghĩ rằng đó là con người. Con người trong điều kiện hoàn cảnh cứ đưa đẩy, bắt người ta phải vi phạm hay là trong môi trường phổ biến vi phạm thì cũng rất khó để trong sạch, có thể tách ra một mình làm khác được. Nhưng quan trọng hơn, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý một cách kịp thời, công bằng để đảm bảo cho người ta không dám vi phạm, không muốn vi phạm và người ta sẽ hạn chế tối thiểu hành vi vi phạm. Chứ còn nếu như chúng ta chỉ có sửa đổi pháp luật, chỉ có tăng chế tài, tăng các biện pháp giám sát thì nó sẽ dẫn đến tình trạng pháp luật càng phức tạp, càng rắc rối lại càng khó cho người thực hiện. Nguy cơ vi phạm, nguy cơ nhũng nhiễu càng nhiều thì càng không tránh được tình trạng tiêu cực. Có lẽ việc công khai, minh bạch cạnh tranh là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo không những trong lĩnh vực y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác được giám sát, được đảm bảo kết quả mong muốn của chúng ta”.

Các vụ việc xảy ra khi mua sắm, đấu thầu y tế vừa qua cho thấy, cơ chế pháp luật càng phức tạp thì càng dễ vi phạm, lại khó quản lý, giám sát. Pháp luật cần theo hướng minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Giám sát phải bằng chính cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và cạnh tranh thật sự, nếu chỉ yêu cầu phòng ngừa thì dù có khó thế nào, người ta cũng sẽ tìm cách vượt qua nếu như đã chủ đích và cố tình thông thầu.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, theo Phó Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa hoạt động đấu thầu công, trong đó lĩnh vực y tế phải là ưu tiên hàng đầu. Để giúp ứng phó một cách hiệu quả đối với khủng hoảng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Còn theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đang có sự chồng chéo tương đối lớn giữa Luật Đấu thầu với các luật khác. Quy trình đấu thầu hiện nay cũng khiến đầu tư công chậm, công tác đấu thầu chưa thực sự thuận lợi… Sắp tới, để sửa đổi Luật Đấu thầu hiện hành, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, vào tháng 5/2023.

Quan điểm của chúng tôi là hành lang pháp lý chặt chẽ và nghiêm minh, là mong muốn chính đáng. Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề mấu chốt. Vì thực tế, số lượng, tính chất và mức độ vi phạm pháp luật ngày càng tăng, trong khi pháp luật đang ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ, tốt hơn trước đây, nếu cứ tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng hoàn thiện pháp luật, thì sẽ còn loay hoay mãi.

Thực hiện : Ngọc Dũng

————-

Truyền hình Quốc hội (Góc nhìn hôm nay) 22-6-2022:

https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-dep-nan-hoa-hong-dau-thau-y-te

(Phút 1:34 & 9:58; 328/2.826)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.396. ‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể...

‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể chế. (TT) - Nhiều người dân...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,621