Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Xác thực sinh trắc học, không có tài khoản ngân hàng sử dụng giấy tờ giả
(CLO) “Quyết định 2345 bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Chúng ta có thể yên tâm rằng, sẽ không có tài khoản ngân hàng sử dụng giấy tờ giả”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.
Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, Quyết định 2345 là một giải pháp cụ thể mà ngành ngân hàng đã triển khai. Kế hoạch triển khai Quyết định 2345 đã được xây dựng từ tháng 3/2023 và chính thức ban hành vào tháng 12/2023. Vì vậy, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Khẳng định lại các điểm quan trọng của Quyết định 2345, Phó Thống đốc chia sẻ, trước đây nhiều người lo sợ giấy tờ của mình bị các đối tượng chụp lại và mở tài khoản bằng giấy tờ giả hoặc thậm chí mở tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ thật của mình. Với Quyết định 2345, tình trạng này sẽ được giải quyết dứt điểm, việc mở tài khoản sẽ đúng người, mở bằng chính căn cước công dân đã được cơ quan chức năng công nhận. Tiếp đó, khi đã có tài khoản chính danh, sẽ không có trường hợp một số đối tượng mở tài khoản rồi cho thuê tài khoản bất hợp pháp. Bởi với Quyết định 2345, khi khách hàng giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học, đúng thông tin người mở tài khoản.
“Quyết định 2345 bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Chúng ta có thể yên tâm rằng, sẽ không có tài khoản ngân hàng sử dụng giấy tờ giả”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói. Phó Thống đốc cho biết, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả…
Theo Phó Thống đốc, con số 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được xác thực sinh trắc học trong những ngày qua tương đương số tài khoản mở mới trong vòng một năm của ngành ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại xác thực sinh trắc học cho 2,6 triệu tài khoản khách hàng trong ngày 1/7, gấp 10-20 lần so với ngày bình thường.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng.
Để đảm bảo việc xác thực sinh trắc học tài khoản cho khách hàng và giao dịch chuyển tiền được thông suốt, NHNN kiểm soát các giao dịch hàng giờ để xử lý kịp thời nếu xảy ra tắc nghẽn cục bộ. Trong 3 ngày đầu tháng 7, toàn hệ thống thực hiện trung bình khoảng 23 triệu giao dịch mỗi ngày, trong đó có trên 1,9 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, chiếm 8,2% tống giá trị giao dịch, cao hơn mức bình quân của tháng 6/2024.
“Chỉ có hơn 8% giao dịch phải xác thực sinh trắc học, còn gần 92% giao dịch bình thường, nên không có chuyện tắc nghẽn. Một số trường hợp tắc nghẽn cục bộ trong ngày đầu tiên áp dụng đã được xử lý, đến ngày 2-3/7, cơ bản mọi giao dịch đã thông suốt“, Phó Thống đốc cho biết thêm.
Phó Thống đốc cho rằng, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm một lớp bảo vệ nên chắc chắn an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.
“Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ nữa, ngân hàng không bỏ một bước bảo mật nào nên chỉ an toàn hơn cho khách hàng. Tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng công nghệ phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tài sản khách hàng được tốt hơn”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Người dân cần cân nhắc giữa tiện ích và rủi ro
Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đánh giá cao việc NHNN ban hành Quyết định 2345. Quyết định 2345 không chỉ góp phần giúp bảo vệ an toàn cho các giao dịch thanh toán của khách hàng, mà còn góp phần phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết, hiện nay có rất nhiều đối tượng lừa đảo, nhất là lừa đảo thông qua không gian mạng. Ngay khi chúng ta triển khai chính sách mới, sự kiện mới, một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với cá nhân ở Việt Nam để giả danh nhân viên ngân hàng thực hiện hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dân. Các đối tượng này lợi dụng sự kiện mới nhanh chóng triển khai phương thức lừa đảo.
Do đó, khi Quyết định 2345 đi vào thực tiễn vẫn cần tiếp tục rà soát và có các biện pháp ứng phó, các ngân hàng cần phát triển phân tích dữ liệu lớn về việc sử dụng tài khoản của khách hàng để nhận biết dấu hiệu lừa đảo, kịp thời cảnh báo.
Đánh giá sự xuất hiện và mức độ gia tăng của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đề nghị, NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) quyết liệt triển khai thực hiện Quyết định 2345, đảm bảo người chuyển tiền là chính chủ. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai quy trình phối hợp liên ngành Bộ Công an – NHNN – NHTM. Đồng thời, kết nối nền tảng cơ sở dữ liệu về tài khoản liên quan đến hoạt động văn bản pháp luật, hệ thống văn bản điện tử của Bộ Công an, NHNN.
Ngoài ra, các ngân hàng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với những vấn nạn về lừa đảo qua mạng, dưới góc độ là một luật sư, Luật sư Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật ANVI, khuyến cáo người dân cần cân nhắc giữa tiện ích và rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang trở thành một vấn nạn chung, do vậy, yêu cầu xác thực theo Quyết định 2345 của NHNN là rất cấp thiết và cần thiết. Đối với khách hàng, để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin và tài sản cá nhân, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng cần thực hiện xác thực sinh trắc học để tự bảo vệ mình trước tiên, tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc.
Theo Luật sư Đức, hành vi lợi dụng chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lừa đảo là khó lường trước, song việc ban hành Quyết định 2345 đã chặn đứng tình trạng lừa đảo qua không gian mạng trong hoạt động ngân hàng thời gian qua, là tiền đề quan trọng cho những hành động cụ thể để đối phó với các đối tượng này trong tương lai.
Luật sư Đức khẳng định, việc người dân đồng lòng thực hiện xác thực giao dịch ngân hàng thông qua sinh trắc học không chỉ là hành động tự bảo vệ cá nhân, mà còn giúp ngăn chặn vấn nạn tội phạm công nghệ, bảo vệ cho hệ thống ngân hàng, cho cộng đồng, xã hội. Về lâu dài, đây sẽ là biện pháp đem lại sự thuận tiện chứ không phải rủi ro, phiền toái cho khách hàng.
An Hạ
————-
Công luận (xxx) ngày 05-7-2024:
(281/1.443)