3.788. Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam bị bắt vì lừa đảo, luật sư nói điều bất ngờ

(DV) – Trước vụ việc Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam bị bắt vì lừa đảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đặt vấn đề: “Cho phép đăng ký doanh nghiệp với tên gọi Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng của đơn vị đăng ký kinh doanh?”.

Thủ đoạn “mượn tên” lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Congan.com.vn, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nơi ở đối với Trần Quang Sơn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trần Quang Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam bị công an bắt giữ. (Ảnh: Congan.com.vn)

Theo kết quả điều tra, vào cuối năm 2018, ông Tô Quốc Khởi – Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Thổ Nguyên có nhu cầu xin cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh Sóc Trăng và tìm nguồn vốn để đầu tư.

Thông qua các mối quan hệ, ông Khởi gặp Nguyễn Tấn Sự – Tổng giám đốc Công ty Núi Chúa và Nguyễn Thụy Long Phượng – Giám đốc phụ trách tài chính Công ty Núi Chúa.

Hai đối tượng Sự và Phượng “nổ” có quan hệ với ngân hàng để thực hiện bảo lãnh thanh toán và Công ty Núi Chúa có nguồn ngoại tệ 100 tỷ USD từ tổ chức đầu tư tài chính “HSBC Vietnam Finance Group”. Tin lời hai đối tượng này, ông Khởi đã đồng ý hợp tác và đưa cho Phượng 570 triệu đồng.

Đầu năm 2019, Phượng cho ông Khởi xem thông báo chấp thuận cho vay của ngân hàng với số tiền 250 tỷ đồng. Tin tưởng các tài liệu Phượng, Sự đưa ra là thật nên ngày 19/4/2019, ông Khởi đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Núi Chúa.

Diễn biến về sau, khi nhóm lừa đảo đưa ra “Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại” ngày 25/4/2019 của “Công ty tài chính HSBC Việt Nam” do Trần Quang Sơn làm Tổng giám đốc, ông Khởi càng tin và đưa tiếp tiền để nhóm này thành công chiếm đoạt tài sản.

Sau sự việc, HSBC cũng đã công bố thông tin khẳng định, ngân hàng không hề có mối liên quan nào với Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam trong vụ lừa đảo này.

Đây không phải lần đầu thị trường xuất hiện tình trạng nhầm lẫn thương hiệu doanh nghiệp do sự vô tình hoặc cố ý xâm hại nhãn hiệu, mượn danh nhãn hiệu có mục đích của một bên khác.

Trước đây dư luận từng biết đến cơ quan chức năng đã triệt phá đường dây kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào đồng tiền ảo TCB coin mã hiệu TCFX do sàn TcbTrade.com phát hành.

Đây là sàn giao dịch được thiết lập đầu năm 2020, ban đầu có chức năng đánh lệnh BO để huy động người chơi tham gia đánh lệnh lên xuống, thắng thua trong thời gian 30 giây, về sau không trả tiền và không cho phép nhà đầu tư rút tiền.

Với việc mạo danh, viết tắt dễ gây nhầm lẫn tên tắt của thương hiệu của ngân hàng Techcombank, theo cơ quan chức năng, trong thời gian rất ngắn cho đến khi bị triệt phá, sàn TcbTrade.com với đồng tiền ảo TCB coin mã hiệu TCFX trữ lượng 50 triệu đồng đã thu hút được hàng nghìn tài khoản nhà đầu tư tham gia.

Hay như việc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đã từng cảnh bảo tới khách hàng và người dân về sự nhầm lẫn liên quan đến tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB llife, OCB Lending…

Theo đó, OCB cảnh báo tới khách hàng cũng như người dân, với khẳng định Ngân hàng OCB không liên quan đến tập đoàn tài chính nêu trên.

Cũng theo OCB, việc các tổ chức nói trên gắn “nhãn OCB” để sử dụng đã gây nhầm lẫn với thương hiệu “OCB” của ngân hàng. Việc quảng bá này có dấu hiệu bất minh, vi phạm các quy định liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu được đăng ký, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngân hàng. Thương hiệu của OCB đã được đăng ký bảo hộ theo quy định.

Luật sư nói gì?

Theo tìm hiểu trên cổng đăng ký kinh doanh quốc gia, Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam có mã số doanh nghiệp 0315630284. Doanh nghiệp đang hoạt động có trụ sở chính 7A Nguyễn Văn Mại, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM, Việt Nam. Tên người đại diện theo pháp luật là Trần Quang Sơn.

Theo đăng ký thành lập vào tháng 4/2019, công ty này hoạt động trong 53 lĩnh vực kinh doanh, gồm đủ các ngành như giáo dục, tài chính, bất động sản, quảng cáo, bệnh viện, khai thác quặng, xây dựng công trình, vận tải…

Nội dung đăng ký thành lập mới vào tháng 4/2019. (Nguồn: dkkd.gov.vn)

Đáng chú ý nhất, vốn điều lệ đăng ký của công ty này lên tới 9.999 tỷ đồng và có 6 cổ đông sáng lập góp vốn. Nơi đăng ký phòng đăng ký kinh doanh TP.HCM.

Trong đó, cổ đông Nguyễn Xuân Ánh và Nguyễn Thụy Long Phượng đăng ký mức vốn góp cao nhất là 2.999,7 tỷ đồng/người, tương ứng tỷ lệ 30%.

Tiếp theo là cổ đông Nguyễn Tán Sự góp 1.999,8 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 20%. Ông Trần Quang Sơn – người vừa bị bắt góp 999,9 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10%.

Ngoài ra, 2 cá nhân là Lê Thị Ngọc Vân và Lã Ngọc Anh mỗi người góp 499,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 5%.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn một chi nhánh tại Hà Nội. Địa chỉ trụ sở chính: Số 1 Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, Việt Nam.

Chia sẻ với PV Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, đăng ký kinh doanh liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam, do Trần Quang Sơn làm đại diện pháp luật là một vi phạm rất nghiêm trọng của cơ quan chức năng, đơn vị đăng ký kinh doanh.

Dẫn Khoản 1, Điều 39 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật sư Trương Thanh Đức nêu rõ, đặt tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký là một trong những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp được quy định tại luật này.

Bên cạnh đó, Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật các TCTD 2010 quy định, “Tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng”.

“Cho phép đăng ký kinh doanh với tên Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam rất dễ gây nhầm lẫn không chỉ người dân mà ngay cả giới chuyên gia cũng có thể hiểu nhầm. Điều này tạo điều kiện cho đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo”, ông Đức nhấn mạnh và cho biết, hiện chưa tìm thấy chế tài với cơ quan đăng ký kinh doanh khi cho phép đăng ký tên doanh nghiệp như trên.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Nhìn rộng hơn, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, tình trạng nhầm lẫn thương hiệu doanh nghiệp do sự vô tình hoặc cố ý xâm hại nhãn hiệu của các tổ chức, doanh nghiệp lớn,… đang khá phổ biến trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay việc dẹp nạn mạo danh vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, các trường hợp mạo danh ngân hàng lừa đảo ngày càng nhiều.

Trong những trường hợp này, theo luật sư Đức, nếu doanh nghiệp hoặc tổ chức bị xâm hại nhãn hiệu, có thể thực hiện các bước từ mềm mỏng là gửi thư yêu cầu cho các đối tượng vô tình hoặc cố ý gây nhầm lẫn thường hiệu, cho đến các biện pháp cứng rắn hơn đó là cảnh báo, kiện ra tòa, hoặc tố cáo công an nếu có dấu hiệu vi phạm,…

Huyền Anh

————–

Dân Việt (Kinh tế) 26-6-2022:

https://danviet.vn/tong-giam-doc-tap-doan-tai-chinh-hsbc-viet-nam-bi-bat-vi-lua-dao-luat-su-noi-dieu-bat-ngo-20220625165503149.htm

(478/1.556)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,027