(QHTV) – Ngày mai 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn.
Bộ Tài chính mới đây đưa ra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong nước. Theo đó, đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại) trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu có ý rất quan trọng. Không chỉ có thuế bảo vệ môi trường, mà cần xem xét thêm các dòng thuế, phí khác để giảm mạnh mẽ hơn nữa giá mặt hàng chiến lược này.
Theo tính toán, cấu thành của thuế và phí hiện chiếm khoảng 40%-45% trong cơ cấu giá của sản phẩm xăng dầu hiện nay đang bán ra thị trường. Việt Nam có 4 sắc thuế để điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, còn thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Quốc hội, và đã thực hiện giảm 50%, do đó dư địa không còn nhiều.
Ông TRẦN VĂN LÂM, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Cái để mà linh hoạt điều hành khi Chính phủ có thể trình ngay ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Để quyết định giảm thuế thì chỉ còn 2 khoản thuế này thôi nên dư địa không còn nhiều cho nên cái công cụ này chúng tôi nghĩ nếu như Chính phủ mong muốn sử dụng công cụ này mạnh mẽ hơn nữa thì phải có những đề nghị với Quốc hội để giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội linh hoạt trong một số trường hợp nào đấy.”
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sức nóng của giá xăng dầu hiện nay, việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường như đề xuất của Bộ Tài chính chưa thể kìm đà tăng của giá mặt hàng này.
TS. NGUYỄN BÍCH LÂM, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Quan điểm của tôi là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng như thế này thì chúng ta cắt dần sắc thuế này, còn khi giá xăng dầu giảm chúng ta lại khôi phục sách thuế đó, chúng ta điều hành linh hoạt. Và một điều thứ hai là cắt giảm sắc thuế này không nên lo lắng quá về việc thu ngân sách mà chúng ta phải coi cách làm cái này là một khoản đầu tư cho khu vực doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý trong thời điểm hiện nay và cần sớm bãi bỏ. Ngoài lý do là mặt hàng thiết yếu, giá xăng dầu đang rất cao và phải “cõng” quá nhiều thuế, phí.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Đặc biệt thuế tiêu thụ đặc biệt theo quan điểm của tôi nó chỉ sử dụng để hạn chế, để ngăn chặn những mặt hàng nào là xa xỉ, không khuyến khích hoặc quá độc hại, cần phải hạn chế. Nhưng trường hợp này, dù nó có 1 phần ảnh hưởng đến môi trường nhưng nó lại vô cùng thiết yếu, không thể thiếu được thì chúng ta nên bỏ hẳn.”
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, về thuế giá trị gia tăng, gần như tất cả các mặt hàng thông dụng đều được giảm từ 10% xuống 8%, nhưng riêng xăng dầu lại không giảm. Xăng dầu tăng giá làm tăng chi phí doanh nghiệp, chi phí cao thì thu nhập lại giảm đi, làm cho phần thuế thu nhập cũng giảm. Vì vậy, cần giảm giá xăng dầu xuống nhiều hơn nữa thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Thực hiện : Lê Hương Khánh Hoàng
————-
Truyền hình Quốc hội 05-7-2022:
https://www.quochoitv.vn/ap-dung-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-dau-thoi-diem-nay-la-bat-hop-ly
(phút 2:12; 82/708)