3.796. Cơn bão giá xăng dầu và bài toán giảm thuế phí với cơ chế đặc thù

(QHTV) – Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã có 13 lần điều chỉnh tăng và 4 lần điều chỉnh giảm, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường được áp dụng từ ngày 01/4. Trong bối cảnh giá xăng dầu biến động tăng mạnh như hiện nay, việc điều chỉnh giảm các loại thuế, phí xăng dầu là cần thiết.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá; trong đó có 13 lần tăng và 4 lần giảm. Lần giảm giá mạnh nhất là hơn 1.000 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít. Đáng chú ý, với 7 lần tăng giá liên tiếp kể từ tháng 4/2022 đã khiến giá xăng vọt tăng.

Theo thống kê, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 10.000 đồng/lít và khoảng 12.000 đồng/lít với giá dầu. Mức tăng giá này tương đương 25-30% so với thời điểm đầu năm 2022.

Theo tính toán, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng hiện nay phải gánh hơn 40% thuế và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (8%-10%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường từ 1.900-2.000 đồng (sau khi được giảm 50% từ 1/4 năm nay). Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển… chiếm từ 5-8%.

Việc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh đã khiến giá hầu hết hàng hóa, dịch vụ đều tăng. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh chưa thể khôi phục 100%. Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết đang cố gắng duy trì 50% số lượng phương tiện để phục vụ khách hàng, may mắn không bị phá sản. Đồng thời, phải cắt giảm chuyến, dồn khách để giảm chi phí vận hành trước những khó khăn hiện hữu.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp vận tải này, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% trong chi phí chung. Giá xăng dầu tăng cao đã khiến doanh thu giảm nghiêm trọng, dù chưa đến mức phá sản, nhưng để trả đủ lương cho nhân viên, doanh nghiệp buộc phải tiết kiệm tối đa chi phí.

Ông TRƯƠNG VIỆT HIẾU, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần NET- GROUP: “Chúng tôi sẽ phải cắt giảm nhiều chi phí. Ví dụ nhân sự sẽ phải hạn chế ở mức tối ưu nhất, làm sao mà vừa giữ vững hoạt động doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, vừa hỗ trợ được các khách hàng.” 

Còn đối với nhà xe này, từ khi giá xăng tăng cao, nhà xe phải chịu lỗ trung bình từ 1 – 3 triệu đồng mỗi chuyến.

Chị PHẠM THỊ NGUYÊN, Chủ nhà xe Nguyên Phụ (Tuyến TPHCM – Đắk Nông):“Xe nhà 2 chiếc, một chiếc chạy ngày, một chiếc chạy đêm. Duy trì vẫn chạy thôi nhưng mà chạy cầm chừng. Nếu xăng còn tăng nữa, lượng khách ít thì nghỉ thôi chứ làm sao chạy nổi.”

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp thủy sản và ngư dân cũng chịu tác động nghiêm trọng.

Ông TRẦN VĂN VIỆT, Phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: Cũng phải ở nhà thôi chứ đi cũng đâu có đủ sản lượng mà đi, sản lượng không đủ, cá mắm hải sản không lên mà dầu cứ lên không làm được.”

Bà CAO THỊ KIM LAN, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Ðịnh (Bidifisco): “Kế hoạch 6 tháng cuối năm thì chúng tôi mới thấy bộc lộ rất là nhiều khó khăn đối với ngành hàng chúng tôi, đó là vấn đề nguyên liệu nhập khẩu đối với các đơn hàng nhập khẩu để chúng tôi làm cho quý 3, quý 4. Mức độ giao hàng của các nhà nhập khẩu, giao hàng rất là chậm và ít với lí do tình hình đánh bắt kém hơn, do nguồn lợi, do chi phí đầu vào tăng, chi phí hiện nay cao nhất là xăng dầu của thế giới tăng nên giảm khâu đánh bắt.”

Việc giá xăng dầu tăng phi mã đã và đang tác động lớn đến cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Do đó  nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng sớm tính toán giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu, hạn chế việc tăng giá đầu vào cho hàng hóa.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp riêng xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12 năm nay, và sẽ được áp dụng từ 1/8/2022. Nhiều ý kiến nhận định, đây không đơn thuần là việc giảm thuế mà là đưa ra công cụ nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh…

Tại phiên họp riêng trong ngày 6/7/2022, 100% thành viên Uỷ ban Thường vụ quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Đây là mức giảm “kịch khung” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội.

Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít

Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít

Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít

Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít

Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất với đề nghị của Chính phủ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn so với quy định hiện hành để kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.”

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội:“Việc ban hành nghị quyết này là phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc xem xét quyết định theo trình tự thủ tục rút gọn là phù hợp với quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nghị quyết này sẽ thay thế cho Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời hạn áp dụng Nghị quyết đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023 sẽ áp dụng biểu thuế BVMT theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết phải gia hạn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sau.”

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có phiển họp riêng trong ngày 6/7 để đưa ra quyết định điều chỉnh thuế xăng dầu,  điều này cho thấy sự cấp bách và kịp thời? (Đặc biệt Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội vừa rồi, người dân đều chất vấn đại biểu về vấn đề giảm thuế, phí cho xăng dầu)

Hiện còn 3 loại thuế, là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế XNK và thuế GTGT chưa được áp dụng giảm vào mặt hàng xăng dầu. Nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều dư địa để giảm thuế, vì thực tế, Chính phủ đặt ra các mức thuế xăng dầu để tạo nguồn thu, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc cắt giảm thuế xăng dầu là cần thiết để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc sử dụng chính sách tài khóa phù hợp sẽ giúp giảm thiểu những áp lực lên lạm phát.

Thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, còn thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ. Theo các chuyên gia, Chính phủ cần sớm khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu, trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp

Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN : “Theo nhiều chuyên gia, mặt hàng xăng dầu trong điều kiện hiện nay không phải là 1 mặt hàng xa xỉ như thuốc lá rượu bia để áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng quan trọng hơn, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ linh hoạt hơn so với giảm thuế môi trường, bởi nó là thuế tương đối đánh trên giá trị của giá thế giới.”

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Thuế GTGT gần như tất cả các mặt hàng thông dụng đều được giảm xuống 8%, riêng xăng dầu không giảm. Trường hợp này đúng ra lúc giá khoảng 10.000 đồng nhập khẩu thì chúng ta đã đánh thuế các loại khoảng hơn 4.000 thì bây giờ giá đầu vào nó gấp đôi chẳng hạn, 20.000 chẳng hạn lập tức chúng ta nói rằng thuế không thay đổi, không tăng thuế nhưng thực chất nó đã tăng gấp đôi. Nếu giảm được chi phí đó sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp.”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mức giảm hiện nay đối với thuế BVMT trong giá xăng dầu là không đáng kể. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc xem xét các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở của giá xăng dầu để có chính sách điều hành và tiếp tục giảm giá xăng dầu.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Chính phủ đề nghị xuống mức sàn thấp nhất rồi, Thường vụ Quốc hội không thể giảm thêm được nữa. Tuy nhiên Chính phủ cũng cần cân nhắc các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở của giá xăng dầu theo nghị quyết của UBTVQH chất vấn Bộ Công thương, giảm trực tiếp hơn 1000 xuống với xăng không đáng kể gì cả.”  

Do đó mới đây, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục đánh giá tác động của 3 sắc thuế đối với xăng dầu.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Thứ nhất là thuế nhập khẩu ngoài ASEAN hiện nay 20% thì chúng tôi đang đề xuất giảm lấy ý kiến để giảm xuống còn 12%, hoặc thấp hơn nữa để đang dạng hóa nguồn cung. Thứ hai là nghiên cứu về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để bám sát biến động của giá xăng dầu từ đó đưa ra các giải pháp điều hành giá và giảm thuế một cách hợp lý để kiềm chế lạm phát, đồng thời giảm đầu vào cho doanh nghiệp và giảm áp lực tăng giá cho đời sống của nhân dân.”

Khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, Bộ Tài chính cho biết sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế cho phù hợp.

Việc ngăn chặn đà tăng giá xăng dầu là cần thiết. Đây không đơn thuần là việc giảm thuế mà là đưa ra công cụ nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh…Qua rất nhiều chương trình và tổng hợp nhiều ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến đều cho rằng, nên quyết tâm giảm thuế. Và việc giảm các loại thuế xăng dầu có thể tác động lớn tới thu ngân sách nhưng bù lại sẽ giúp kinh tế phục hồi tốt hơn sau đại dịch, ngăn chặn được lạm phát kỳ vọng.

Cùng bàn luận về chủ đề này, trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi mời tới trường quay 2 vị khách mời:

PGS. TS. LÊ XUÂN TRƯỜNG – Trưởng khoa Thuế và Hải Quan – Học viện tài chính

Ông MẠC QUỐC ANH – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi chương trình.

——————–

Truyền hình Quốc hội Việt Nam (Diễn đàn kinh tế) 07-7-2022:

https://quochoitv.vn/dien-dan-kinh-te-con-bao-gia-xang-dau-va-bai-toan-giam-thue-phi-voi-co-che-dac-thu

(phút 29:55; 102/2.328)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,610