3.796. Phòng ngừa rủi ro ảnh hưởng lượng gạo dự trữ quốc gia

Phòng ngừa rủi ro ảnh hưởng lượng gạo dự trữ quốc gia

(TBNH) – Vừa qua, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ nhập kho dự trữ gạo quốc gia 2024 đã tăng cường nhiều giải pháp và nguồn lực nhằm đạt được kế hoạch đề ra theo hướng minh bạch và hiệu quả. Dù đã có nhiều phương án phòng ngừa song rủi ro từ việc từ chối thực hiện hợp đồng cung cấp gạo của một số doanh nghiệp sau khi trúng thầu vẫn luôn hiện hữu.

gạo dự trữ quốc gia
Các đơn vị đang tích cực triển khai mua gạo dự trữ quốc gia theo chỉ tiêu được giao bằng hình thức đấu thầu

Nỗ lực dự trữ đúng tiến độ

Hội nghị Sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và xây dựng chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024, ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, năm 2024 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch mua 220.000 tấn gạo để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia, đáp ứng nhu cầu xuất cấp hỗ trợ, cứu trợ trong các trường hợp đột xuất, cấp bách xảy ra.

Toàn bộ chỉ tiêu mua 220.000 tấn gạo nhập kho năm 2024 được phân chia thành 196 gói thầu. Kết quả tổ chức đấu thầu đợt 1 (mở thầu ngày 08/5/2024) có 31 nhà thầu tham dự thầu và đã có 22 nhà thầu trúng thầu cung cấp 114.700 tấn/220.000 tấn (đạt 52% kế hoạch). Số gạo còn lại, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tiếp tục tổ chức mua đợt 2 mở thầu ngày 1/7/2024. Tính đến ngày 1/7/2024, các cục dự trữ quốc gia khu vực đã tiến hành nhập kho dự trữ quốc gia được hơn 82.000 tấn gạo với tiêu chuẩn chất lượng chất lượng quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia.

Trong công tác tổ chức mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia, tất cả các thông tin trong lựa chọn nhà thầu đều được công khai trên mạng. Tất cả các thông tin về việc đăng hồ sơ dự thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và lý do nhà thầu không được lựa chọn đều được đăng tải công khai trên Hệ thống để các nhà thầu được biết và có quyền kiến nghị khi nhận thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Không chỉ mua đủ số lượng, nhằm bảo đảm chất lượng gạo mua nhập kho dự trữ quốc gia. Khi gạo nhập kho dự trữ quốc gia, nhà thầu phải xuất trình Giấy xác nhận đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng dự trữ quốc gia do các đơn vị có chức năng chứng nhận cho lô gạo nhập kho dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó, Tổng cục còn thành lập các Đoàn kiểm tra trong quá trình nhập và phúc tra công tác quản lý chất lượng gạo khi kết thúc nhập kho; bảo đảm nguyên tắc công tác đấu thầu tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; gạo mua nhập kho dự trữ quốc gia bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng gạo nhập kho dự trữ quốc gia.

Không tạo tiền lệ “lời ăn, lỗ bỏ”

Nhờ vậy, quy trình đấu thầu gạo nhập kho dự trữ quốc gia hiện nay được đánh giá đã dần tạo môi trường cạnh tranh, bảo đảm công khai, hiệu quả. Song vấn đề được đặt ra hiện nay là đảm bảo không xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp đã trúng thầu “bỏ chạy” như năm 2023 khi giá gạo trong nước và xuất khẩu đang được dự báo sẽ biến động trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) phân tích, trong quý II năm nay, thị trường gạo quốc tế ghi nhận những biến động mạnh và khó lường trong bối cảnh thời tiết thất thường đe dọa triển vọng nguồn cung toàn cầu. Đối với thị trường trong nước, giá gạo cũng đã hạ nhiệt trong giai đoạn cuối quý song từ 8/2024 tới năm 2028, Chính phủ Philippines (chiếm 45,5% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong giai đoạn này ) mới đây đã quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% hiện hành xuống còn 15%. Điều này có thể giúp hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong giai đoạn giữa và cuối quý III tăng tốc nhưng đồng thời cũng có thể đẩy giá gạo trong nước tăng cao.

Giá gạo trong nước biến động mạnh là một trong số lý do khiến doanh nghiệp trúng thầu “bỏ chạy”. Bà Ngô Thị Bích Tho – đại diện Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương từng chia sẻ, thời điểm đó giá gạo thị trường tăng cao và chênh lệch so với giá gạo dự trữ nên doanh nghiệp không làm nổi. Ví dụ công ty mua gạo vào giá đã 15.000 đồng/kg nhưng giá gạo dự trữ chào thầu chỉ 12.500 đồng/kg, hoặc mua 16.000 đồng/kg mà giá chào thầu chỉ 13.100 đồng/kg, nếu làm thì trên 1.000 tấn gạo doanh nghiệp đối mặt thực tế lỗ từ 2,5 tỷ đồng đến gần 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đã có đơn đề nghị tháo gỡ, điều chỉnh giá gạo nhưng sau cũng không thấy có kết quả.

Nhìn ở góc độ kinh tế, số tiền mà các doanh nghiệp phải nộp phạt không đáng là bao so với số lỗ phải gánh nếu thực hiện đúng hợp đồng. Ngay trong trường hợp của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương, Cục Dự trữ khu vực Thái Bình xử phạt hành chính doanh nghiệp này số tiền 655 triệu đồng, trong khi nếu thực hiện đúng hợp đồng, doanh nghiệp này có thể lỗ từ 2,5 – 3 tỷ đồng. Tình trạng này dấy lên lo ngại tạo tiền lệ xấu “lời ăn, lỗ bỏ” của doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự trữ gạo quốc gia, trong khi đó lúa gạo ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia, phục vụ những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, một chuyên gia đánh giá.

Dù có nguy cơ tạo tiền lệ xấu nhưng các doanh nghiệp này chỉ bị phạt tiền mà không có doanh nghiệp nào bị cấm thầu. Theo đại diện Vụ Quản lý hàng dự trữ cho biết, nhà thầu có vết xù thầu không bị cấm thầu mà chỉ bị trừ điểm uy tín. Theo đó, điểm uy tín được chia thành 3 mức gồm nhà thầu không bị vi phạm về uy tín được đánh giá ở mức 50 điểm; nhà thầu đã ký hợp đồng cung cấp gạo với các cục dự trữ Nhà nước khu vực nhưng không thực hiện theo đúng tiến độ (giao hàng chậm) hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng để các đơn vị từ chối nhập hàng được đánh giá ở mức 20 điểm; nhà thầu đã được các cục dự trữ Nhà nước khu vực phê duyệt trúng thầu gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng được đánh giá ở mức 0 điểm nhưng không bị loại.

Để tình trạng bỏ thầu ảnh hưởng đến kế hoạch dự trữ gạo quốc gia, các chuyên gia cho rằng cần tăng chế tài xử lý. Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương Thành phố Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận vụ việc trên hai khía cạnh là quản lý Nhà nước và trách nhiệm, đạo đức doanh nghiệp với Tổ quốc. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm chặt chẽ hơn, hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp không bỏ thầu, nhất là tham gia đấu thầu mua gạo phục vụ nhiệm vụ dự trữ lương thực cho quốc gia; có hình thức tôn vinh những doanh nghiệp đóng góp tích cực cho dự trữ nhà nước. Ngoài tăng chế tài, cần phê phán mạnh để doanh nghiệp khác không làm theo.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật XXX cho rằng, siết chặt vấn đề này thông qua pháp lý tương đối khó khăn vì trong nền kinh tế thị trường, mọi vấn đề được giải quyết theo quy luật thị trường. Trong lúc giá cả biến động mạnh cần có những giải pháp mang tính kỹ thuật, không thể trông chờ vào hành chính pháp luật. Ví dụ linh động biên độ về giá, thay vì mức cọc hiện tại thì có thể thỏa thuận mức đặt cọc cao… Khi đặt cọc cao hơn có lẽ doanh nghiệp sẽ cần một mức giá khác mới có thể tham gia cuộc chơi[1].

Hương Giang

————-

Thời báo Ngân hàng (Kinh tế) ngày 15-7-2024:

https://thoibaonganhang.vn/phong-ngua-rui-ro-anh-huong-luong-gao-du-tru-quoc-gia-153541.html

(121/1.585)

[1] Phóng viên trích ý kiến của Luật sư Trương Anh Tú trên Báo Lao động ngày 25-01-2024, ghi tên tôi với chức của Công ty không còn gì liên quan từ 4 năm trước. Để tại đây làm bằng chứng.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,399