3.803. Ôm tài sản ngàn tỷ khó bán, ngân hàng bỏng tay thu hồi nợ xấu

(ĐT) – Dù liên tiếp hạ giá khởi điểm, song ngân hàng vẫn khó thu hồi nợ, đặc biệt với các khoản nợ ngàn tỷ đồng.
Nợ xấu ngàn tỷ khó tìm khách mua

bỏng tay thu hồi nợ xấu

Ngân hàng BIDV vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ 5.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, với tài sản đảm bảo chính của khoản nợ là Dự án Kenton Node tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Dư nợ gốc của Công ty tại BIDV là hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án này có vốn đầu tư 300 triệu USD, được khởi công năm 2010 với quy mô 9 toà nhà, gồm hơn 1.600 căn hộ. Đến năm 2010, dự án này dừng thi công trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng. Đến năm 2022, Dự án đổi chủ, đổi tên sau hơn 12 năm đứng im, song đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh.

Tương tự BIDV, nhiều ngân hàng khác cũng đang mắt kẹt với các khoản nợ ngàn tỷ.

Mới đây, Sacombank rao bán đấu giá khoản nợ 1.768 tỷ đồng của Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, với giá khởi điểm hơn 1.044 tỷ đồng. Trước đó, hồi tháng 6/2024, Ngân hàng rao đấu giá 3 khoản nợ với tổng giá trị gần 5.100 tỷ đồng của Công ty TNHH Cơ khí Đúc Ki Hu, Công ty cổ phần Thực phẩm Song Long và Công ty cổ phần H.N.H với giá khởi điểm gần 2.200 tỷ đồng. Khoản nợ gần 600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phát cũng được Ngân hàng rao bán với giá khởi điểm chỉ 189 tỷ đồng (tương đương nợ gốc).

Cách đây không lâu, Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) tại Agribank – Chi nhánh Hà Tây theo các hợp đồng tín dụng được ký từ năm 2009 đến năm 2014. Tổng giá trị khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 728 tỷ đồng), Công ty bán với giá khởi điểm hơn 844 tỷ đồng, giảm 364 tỷ đồng so với giá rao bán đầu năm nay.

Nhiều ngân hàng khác thậm chí còn rao bán nợ thấp hơn nhiều so với nợ gốc, song cũng chưa có khách mua. Đơn cử, mới đây, VietinBank thông báo bán đấu giá khoản nợ gần 600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp với giá khởi điểm 50,7 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 8% giá trị khoản nợ và 15,5% giá trị nợ gốc.

Không dễ thu hồi nợ khi “ôm” tài sản đảm bảo

Có muôn vàn lý do khiến các khoản nợ ngàn tỷ của ngân hàng ế ẩm. Chẳng hạn, với khoản nợ của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp, VietinBank đấu giá đến lần 20 vẫn không thành. Ngoài tài sản đảm bảo có thanh khoản kém còn do bên bảo đảm không hợp tác bàn giao tài sản đảm bảo. Khoản nợ được bán theo hình thức không truy đòi. Như vậy, ngay cả khi thành công mua rẻ, chủ nợ mới cũng khó lòng lấy về được tài sản đảm bảo của khoản nợ để xử lý. Ngoài ra, cơ chế bảo vệ quyền chủ nợ tại nước ta chưa hoàn thiện cũng là một lý do khiến thị trường mua bán nợ chưa thể sôi động.

Thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi không luật hóa quy định về thu giữ tài sản đảm bảo càng khiến việc xử lý nợ của ngân hàng thêm khó.

Theo tôi, cần rà soát Bộ luật Dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi Luật Phá sản theo hướng cho phá sản đối với doanh nghiệp yếu kém, không còn khả năng phục hồi để giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Hay như với khoản nợ 5.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên tại BIDV, không chỉ tài sản thế chấp (Dự án Kenton) có thanh khoản kém, mà còn do tài sản này đang được đồng thế chấp tại 3 ngân hàng.

Tuy vậy, lý do chính khiến việc thanh lý tài sản đảm bảo nợ xấu chậm là do thị trường bất động sản vẫn ảm đạm. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí, theo ông Hùng, tình hình bán nợ sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới khi Nghị quyết 42-NQ/TW về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực, việc thu giữ tài sản đảm bảo không được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Điều này khiến các ngân hàng khó chồng khó trong thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo.

Bên cạnh phương án kinh doanh, phương án trả nợ, tài sản đảm bảo là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hướng đến quyết định cấp tín dụng của ngân hàng. Hiện tại, 70 – 80% tài sản thế chấp là bất động sản. Khi khách hàng mất khả năng thanh toán, ngân hàng chỉ còn cách phát mãi tài sản để thu hồi nợ, tránh mất vốn. Dù vậy, với tình hình thị trường hiện nay, các ngân hàng đang rất chật vật trong thu hồi nợ.

Theo Luật sư  Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, dù pháp luật cho phép ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng không trả được nợ, song thực tế, việc xử lý tài sản bảo đảm không đơn giản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nợ xấu có nguy cơ gia tăng, sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ hết hiệu lực vào cuối năm 2024, ngân hàng sẽ có khả năng siết chặt hơn hoạt động cho vay để phòng ngừa rủi ro.

Tâm

————-

Đầu (Ngân hàng) ngày 21-7-2024:

https://baodautu.vn/om-tai-san-ngan-ty-kho-ban-ngan-hang-bong-tay-thu-hoi-no-xau-d220299.html

(103/1.143)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,399