(DV) – Sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ những sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương, đến nay vẫn chưa thấy cá nhân, sở ngành nào chịu trách nhiệm, nhưng người dân sống, làm việc và thường xuyên tham gia trên tuyến đường này thì lãnh đủ hậu quả.
Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc né trách nhiệm, dân lãnh đủ
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ nhiều dự án cao tầng sai quy hoạch đường Lê Văn Lương xây vượt tầng làm gia tăng dân số, gây quá tải về giao thông và hạ tầng xã hội khu vực. Phản ứng của Hà Nội về kết luận này cũng rất đa dạng. Trong cuộc họp báo quý 2/2022 của UBND TP. Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Phạm Quốc Tuyến cho rằng qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục đường Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng.
Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố theo 1.000 năm Thăng Long, để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND Thành phố đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây. Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào 2011.
Còn Sở Xây dựng Hà Nội lại né trách nhiệm của mình bằng 1 công văn sai sự thật đối với báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt rằng “Nội dung đề nghị cung cấp thông tin không phù hợp tôn chỉ mục đích của báo”. Về công văn này, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã có phản hồi. Tuy nhiên, để nhấn mạnh lại với Sở Xây dựng Hà Nội một sự thật, người nông dân xuất hiện trên các tỉnh thành cả nước, trong đó có tuyến đường Lê Văn Lương, nơi có nhiều sai phạm của Sở Xây dựng Hà Nội được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra.
Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt ghi nhận lại những bức xúc của người nông dân từ tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm kế sinh nhai đang phải chịu đựng tất cả những điều này: mệt mỏi, khói bụi ảnh hưởng tới sức khoẻ, tốn xăng, chi phí tăng cao… do ùn tắc giao thông khi đi qua tuyến đường Lê Văn Lương này.
“Mỗi lần đi đón khách ở đường Lê Văn Lương này tôi thường mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt là tầm chiều giờ tan tầm đi vào đây cũng bị tắc đường chưa kể trời mưa thì còn kẹt cứng”, anh Quang chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh Quang, anh Nguyễn Anh Tuấn (tỉnh Nam Định) đã ở Hà nội gần 15 năm và đang làm nghề lái xe dịch vụ. Anh Tuấn cho biết đường Lê Văn Lương lúc bình thường cũng đông đúc, nhu cầu đi lại của người dân cao. Còn giờ cao điểm từ 7h-9h sáng và 17h-19h thì ngày nào cũng xảy ra tắc đường cục bộ. Những hôm mưa lớn gây lụt lội đi vào đường này thì rất khó di chuyển.
“Nhà tôi ở khu Trung Hòa – Nhân Chính nên thường xuyên chạy xe dịch vụ quanh khu vực Lê Văn Lương – Tố Hữu này. Ở đây tắc đường là chuyện cơm bữa, dân lái xe dịch vụ chúng tôi mỗi lần đón khách vào giờ cao điểm khu vực này cũng phải căn giờ trừ hao thời gian tắc đường nếu không khách sẽ phải đợi lâu”, anh Tuấn chia sẻ.
Người dân thường xuyên phải chịu cảnh ùn tắc giao thông do sai quy hoạch đường Lê Văn Lương (Ảnh: Thái Nguyễn)
Không chỉ những người tham gia giao thông thường xuyên tại tuyến đường Lê Văn Lương gặp khó khăn mà những người sinh sống hay làm việc tại khu vực này cũng là “nạn nhân” của việc điều chỉnh sai quy hoạch đường Lê Văn Lương.
Chị Đặng Thị Nga (quận Thanh Xuân) cho biết nhà cách vị trí làm việc hơn 3km nhưng ngày nào đi làm cũng mất từ 20-30 phút, thậm chí hôm nào mưa lớn còn mất nhiều thời gian hơn.
“Công ty tôi ở trên đường Lê Văn Lương này nên ngày nào cũng phải chịu cảnh ùn tắc tại đây. Nhiều hôm đi đến đây rồi mà vẫn phải xin lãnh đạo công ty đến muộn vì tắc đường không thể di chuyển. Còn hôm nào mưa gió thì thậm chí vài vị trí còn ngập lụt, nhiều người đi cả xe lên vỉa hè để đi”, chị Nga chia sẻ.
Anh Lê Mạnh Tùng, quê tại tỉnh Thái Bình đã chuyển đến Hà Nội sinh sống được hơn 4 năm. Gia đình anh Trung có mua một căn chung cư tại dự án Golden Palm từ lúc dự án này hoàn thiện bàn giao nhà cho khách. Anh Tùng cho biết từ lúc anh mới ở đây thì mỗi năm lại có vài cao ốc mọc lên khiến tuyến đường Lê Văn Lương ngày càng ùn tắc giao thông.
“Đợt tôi mới về đây ở thì chưa nhiều tòa nhà cao tầng như bây giờ. Cho đến bây giờ tôi thấy số lượng cao ốc mọc lên liên tục theo mỗi năm. Điều này chắc chắn là nguyên nhân chính dẫn đến việc tắc đường như hiện nay. Vì đợt tôi mới về ở tắc đường chưa cục bộ như bây giờ”, anh Tùng khẳng định.
Ngoài ra, anh Tùng cũng chia sẻ từ đầu năm nay cũng có ý định bán nhà để chuyển ra khu vực khác. Tuy nhiên, mới đây dự án Golden có trong danh sách xây dựng sai quy hoạch, nâng tầng trái phép. Điều này khiến việc bán nhà của gia đình anh Tùng gặp bế tắc.
“Bây giờ tôi muốn bán rẻ nhà cũng chẳng ai mua. Thứ nhất, khu vực này nổi tiếng là tắc đường ai đến ở cũng ngại. Thứ hai, dự án lại bị liệt vào danh sách sai quy hoạch thì còn ai dám mua. Việc này tôi kiến nghị tới các cơ quan chức năng nếu không xử lý sớm thì chỉ người dân chúng tôi chịu thiệt thòi”, anh Tùng lo lắng chi sẻ.
Làm rõ nhóm lợi ích gây sai quy hoạch đường Lê Văn Lương
Trong kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ đối với các dự án sai phạm thì các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm. Trong đó, UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phải chịu trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân gây ra việc điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền được điều chỉnh. Sở Xây dựng Hà Nội phải chịu trách nhiệm đối với việc cấp phép nâng tầng sai quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng sai quy định pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan khác phải chịu trách nhiệm các vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, đơn vị đó.
Một số chuyên gia cho rằng không công bố công khai đồ án được duyệt, công bố quy hoạch chi tiết chậm được nhắc tới nhiều lần trong kết luận. Trong đó, có thể kể đến việc công bố công khai không đúng quy định về hình thức và nội dung; không trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ tại khu vực lập quy hoạch; không thông tin rộng rãi. Đặc biệt không công bố công khai quy định quản lý dẫn tới việc mập mờ trong xử lý nếu có vi phạm.
Cần xử lý nhóm lợi ích làm sai quy hoạch đường Lê Văn Lương ảnh hưởng hạ tầng giao thông (Ảnh: Thái Nguyễn)
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng quy định tại điều 53 Luật Quy hoạch đô thị 2009, đồ án quy hoạch đô thị kể từ ngày phê duyệt phải được công bố trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, có những dự án công bố chậm tới 150 ngày là điều cần phải xem xét.
“Cần phải đặt ra nhiều nghi vấn có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong việc liên tục điều chỉnh quy hoạch, không công khai đồ án quy hoạch. Vì khi điều chỉnh quy hoạch không hướng đến cái chung, thông tin nếu không được minh bạch sẽ dễ xảy ra tham nhũng”, luật sư Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cũng cho rằng về lợi ích nhóm thì không thể nói là không có nhưng không thể đánh giá toàn diện tiêu cực trong đó. Đây là điều tiết hài hòa giữa lọi ích và doanh nghiệp là có thật. Vì thành phố giao dự án mà doanh nghiệp không có lãi thì không có ai làm.
Trong thực tiễn việc công khai thông tin quy hoạch đóng vai trò nền tảng để thực hiện các bước tiếp theo. Việc thông tin mù mờ sẽ khiến quy hoạch trở nên méo mó và là thời cơ vàng để tiếp tay cho sai phạm.
Thái Nguyễn
—————–
Dân Việt (Kinh tế) 13-7-2022:
(122/1.619)