(VOV GT) – Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016 của Ngân hàng nhà nước có bổ sung điều 24a về Hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử.
Việc nới lỏng khung pháp lý về cho vay bằng phương thức điện tử sẽ giúp ích gì cho các bên tham gia?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
“Cởi trói” cho vay với ngân hàng và khách vay
Quy định của Dự thảo Thông tư trên khiến các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hết sức phấn khởi. Là một trong những tổ chức thử nghiệm hơn một năm qua, ông Hoàng Thế Hưng – Phó TGĐ của Công ty tài chính cổ phần điện lực EVNFinance chia sẻ:
“Đối với EVNFC và thương hiệu tài chính tiêu dùng EVNCredit mà chúng tôi thử nghiệm hơn 1 năm nay. Các hình thức giao dịch điện tử này đã chứng minh phần nào giá trị cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Do vậy khi chúng ta có khung pháp lý rõ ràng thì đối với doanh nghiệp chúng tôi có thể tự tin mở rộng với quy mô lớn,từ đó đem lại hiệu quả nhiều hơn”.
Cùng với các tổ chức tín dụng, thực tế, nhiều ngân hàng đã “vận dụng linh hoạt” để số hóa hoạt động cho vay. Ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV nói: “Các dịch vụ tín dụng thì thời gian qua các ngân hàng cổ phần khác đã tiên phong. Còn thời gian vừa rồi trong Big4 cũng rất mạnh dạn đưa lên nền tảng số các sản phẩm vay. Vay thì cũng có có các công cụ đánh giá chất lượng khách hàng và đưa ra các công cụ vay khá tự động”.
Bên cạnh đó, chính khách hàng tín dụng cá nhân cũng là người trực tiếp hưởng lợi nếu thông tư chính thức có hiệu lực như nhận định của ông Hoàng Thế Hưng – Phó TGĐ của Công ty tài chính cổ phần điện lực EVNFinance:
“Đối với người dùng thì khá rõ rồi. Khi doanh nghiệp có thể số hoá toàn bộ quy tình vay thì người tiêu dùng có thể vay một khoản vay mọi lúc mọi nơi, thủ tục đơn giản. Tôi nghĩ chúng ta nên truyền thông mạnh mẽ thì khách hàng sẽ đón nhận dịch vụ tài chính này nhiều hơn”.
Thực tế Ngân hàng nhà nước đã cho phép áp dụng xác thực định danh điện tử (EKYC) hơn một năm nay, song riêng về hoạt động cho vay, các ngân hàng vẫn phải áp dụng Thông tư 39/2016 NHNN hướng dẫn về hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa vững chắc, ngân hàng đứng trước rủi ro pháp lý (nếu tranh chấp xảy ra, hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu).
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu ý kiến:
“Quan trọng hơn pháp luật cần bảo vệ người tiêu dùng. Trường hợp này tránh tình trạng nhầm lẫn hay đòi nợ khủng bố gây bức xúc, hay lộ bí mật thông tin khách hàng cần phải làm rõ. Để khi xảy ra sự cố khách hàng được bảo vệ quyền lợi. ít ra có căn cứ có cơ sở để khiếu nại xử lý”.
Số hoá hoạt động cho vay sẽ tiếp thêm sức mạnh trong việc chuyển đổi số ngành ngân hàng. Quy định mới sắp ban hành sẽ giúp các ngân hàng nới dài cánh tay cấp tín dụng bán lẻ, mà không phải dựa quá nhiều vào các phòng giao dịch vật lý. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rủi ro sẽ tăng lên.
Ông Phan Thanh Đức – Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng phân tích:
“Việc chúng ta tạo điều kiện thuận lợi gia tăng số lượng khách hàng, thị trường là cần thiết. Việc gia tăng thị trường cũng dẫn đến nhiều tiềm ẩn rủi ro trong đó.
Cái lo lắng nhất là an toàn an ninh thông tin, bảo mật. có những thứ dường như chúng ta chưa nhìn rõ được. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có giải pháp cho việc đó”.
Vậy làm thế nào để hàng lang pháp lý cho hoạt động cho vay qua phương thức điện tử được vững chắc? Ngân hàng nhà nước cùng các bên liên quan có kiến giải gì cho vấn đề này?
Như Ngọc – Thùy Linh
—————-
VOV Giao thông (Tài chính – Thị trường) 18-7-2022:
https://vovgiaothong.vn/dieu-kien-nao-de-coi-troi-cho-vay-qua-phuong-thuc-dien-tu-d27804.html
(100/819)