(DĐDN) – Phát hiện các hành vi phạm tội đã khó, nhưng để ngăn chặn, xử lý và đặc biệt là thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn khó hơn,…
Đây là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC với DĐDN.
– Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử, tuy nhiên, việc thu hồi tài sản của Nhà nước do người phạm tội gây ra gặp rất nhiều khó khăn, Luật sư đánh giá sao về hiện trạng đã nêu?
Về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng, Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại”.
Quy định này có nghĩa, việc kê biên tài sản chỉ được quyền áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc khi bị đưa ra xét xử. Còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong giai đoạn khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được “miễn trừ trách nhiệm”, hay nói cách khác người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu.
Đây chính là “kẽ hở” của pháp luật, vô hình trung biến thành khoảng “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.
– Thưa Luật sư, ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Thực tế thời gian qua xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế với hàng ngàn tỷ đồng bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không thu hồi được, hoặc có thu hồi được cũng chỉ là một phần rất nhỏ bởi số tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình…
Như vụ án liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, biết là người thân của bà Thoa sở hữu hàng trăm tỷ đồng, nhưng không thể xử lý được hành vi tham nhũng và không xử lý được tài sản. Hay như, trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo quyết định của Bản án thì Dương Chí Dũng và đồng bọn phải liên đới bồi thường cho Vinalines trên 358 tỷ đồng (trong đó riêng phần Dương Chí Dũng phải nộp 110 tỷ đồng) nhưng quá trình thi hành án, dù Cơ quan thi hành án đã xử lý toàn bộ tài sản kê biên cũng chỉ thu hồi được trên 14 tỷ đồng,…
Mặc dù theo quy định pháp luật, tài sản có nguồn gốc phạm tội dù đã chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác cũng bị kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, để làm rõ được nguồn gốc tài sản bất minh là chuyện không dễ.
Việc kê biên tài sản đảm bảo thi hành án cần vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào. (Cơ quan chức năng thành phố Thái Bình tổ chức cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản. Ảnh: Đặng Trang)
– Những vướng mắc pháp lý nào đang cản trở các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ nguồn gốc tài sản tham nhũng, thưa Luật sư?
Cho đến nay, pháp luật tố tụng hình sự chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản tham nhũng hay có nguồn gốc từ tham nhũng của bị can, bị cáo để có áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết để đảm bảo thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sau xét xử…
Chưa kể, vấn đề đặt ra ở đây là kể cả có quyết tâm kê biên, rồi thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành, vì không phải lúc nào cũng niêm phong, cũng kê biên được. Bởi vì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu kê biên, niêm phong không đúng, và thậm chí đối diện với việc bị khởi kiện, cho nên, làm thì khẩn trương, nhưng cũng phải chặt chẽ và chính xác.
Chẳng hạn, đối với tài sản chung thì Điều 207 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung”. Dẫn tới việc cơ quan tố tụng phải điều tra xác minh nguồn gốc hình thành tài sản chung trong phạm vi rất rộng, liên đới tới nhiều mối quan hệ sở hữu chung, mới có thể tìm được đáp án chính xác cho việc kê biên tài sản, không xâm hại đến quyền lợi của các chủ sở hữu khác,…
– Vậy theo ông, đâu là giải pháp để xử lý những bất cập nêu trên?
Trước hết cần phải rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội. Có nghĩa việc kê biên tài sản đảm bảo thi hành án không phải chờ đến khi khởi tố bị can hay đến khi phiên tòa diễn ra mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử; không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế.
Chính phủ cũng nên có lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ cao hơn. Việc này không chỉ góp phần minh bạch tài chính, mà còn hỗ trợ tốt hơn cho việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát.
– Xin cảm ơn Luật sư!
GIA NGUYÊN thực hiện
——————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 20-7-2022:
https://diendandoanhnghiep.vn/bat-cap-ke-bien-tai-san-thi-hanh-an-227260.html
(1.009/1.138)