3.817. Quản lý vàng bằng cơ chế thị trường?

(TT) – Theo các chuyên gia cho rằng, không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính vào quản lý thị trường vàng. Việc thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng là không cần thiết. Vàng nên trả lại đúng cho thị trường

Giá vàng dần ổn định

Sáng nay 5/8, giá vàng miếng và giá vàng nhẫn trong nước duy trì ổn định. Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 78,3 – 79,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên mức giá ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 78,3 – 79,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên mức giá ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tương tự, giá vàng nhẫn sáng nay đi ngang. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,4 – 77,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên mức giá ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Quản lý vàng bằng cơ chế

Giá vàng trong nước đã ổn định.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,15 – 79,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên mức giá ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, thông tin Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục thu mua vàng miếng một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước dãy số, được sản xuất trước năm 1996) hay có người gọi là vàng SJC móp méo do nguyên nhân khách quan, thị trường kim loại quý này đang được kỳ vọng sẽ tăng giao dịch bán trong tuần tới.

Hiện tại, SJC sẽ tiếp tục thu mua loại vàng miếng SJC 1 ký tự bằng giá với vàng miếng SJC 2 ký tự, sau đó gia công lại thành vàng miếng SJC 2 ký tự để bán ra cho khách hàng. Với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước và quyết định này của SJC, khả năng nguồn cung vàng miếng của doanh nghiệp sẽ được cải thiện.

Theo nhận định của các chuyên gia, nỗ lực kiểm soát giá vàng của Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan đang ngày càng phát huy hiệu quả; đẩy lùi dần tác động tiêu cực và giảm ảnh hưởng liên đới từ thị trường vàng thế giới. Điều đó thấy rõ khi giá vàng thế giới liên tục tăng cao suốt cả tuần qua do được hỗ trợ bởi hoạt động gom mua của các nhà đầu tư vì giá dầu thô tăng, giá USD suy yếu, tạo lực đẩy lên giá vàng thế giới, thì trên thị trường trong nước, giá vàng đứng khá vững và duy trì sự ổn định khá lâu, đúng như kỳ vọng.

Tuy nhiên, xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu, đang là câu hỏi được thị trường, các nhà đầu tư và người dân rất quan tâm và theo dõi sát diễn biến thị trường.

Quản lý vàng bằng cơ chế thị trường?

Dù giá vàng đã ổn định, nhưng mới đây, UBND TPHCM cho biết sẽ lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng, thu thập thông tin người mua bán vàng miếng và chuyển cho bên công an. Trên thực tế, trong 2 tháng qua, việc ghi nhận thông tin của khách hàng gồm họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ đã diễn ra tại 4 ngân hàng và Công ty SJC.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính vào quản lý thị trường vàng. Việc thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng là không cần thiết. “Hiện, thị trường vàng miếng đã bình ổn trong một thời gian dài. Chúng ta cũng đã có hàng loạt quy định liên quan đến chống buôn lậu, đầu cơ vàng, chẳng hạn như Quyết định 11 của Thủ tướng quy định, người giao dịch số lượng vàng có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo. Bộ Công an, cơ quan thuế, hải quan cũng đã vào cuộc. Vàng nên trả lại đúng cho thị trường”, ông Hùng nói.

Quản lý thị trường vàng phải để nó vận hành theo cơ chế thị trường, chứ không thể bằng công cụ hành chính hay mệnh lệnh.

Luật sư Trương Thanh ĐứcGiám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng: “Xét cả về bối cảnh thị trường và cơ sở pháp lý thì không cần thiết phải có thêm tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng”. Từ trước đến nay không có quy định nào cấm người dân mua vàng với số lượng lớn.

Chưa kể, hoạt động chống đầu cơ thường chỉ xuất hiện trong bối cảnh đặc biệt, ví dụ như khi có bão lũ hạn hán, một số sản phẩm như lương thực thực phẩm, một số hàng hóa phục vụ đảm bảo đời sống thiết yếu của người dân trở nên khan hiếm.

“Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Thậm chí, từ trước đến nay người có tiền mua cả trăm cây vàng cũng không vi phạm gì. Tương tự, người đi mua giùm cho người khác cũng không hề vi phạm”, ông Đức nói.

Theo vị chuyên gia, Việt Nam nên tổ chức sàn vàng vật chất do Nhà nước kiểm soát. Theo đó, sàn do các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ vốn, là tổ chức duy nhất được phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu về để bán trên sàn, các doanh nghiệp tư nhân có thể mua, bán, nhận nguồn hàng ở mức giá phù hợp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phục vụ trong nước và xuất khẩu. Như vậy, Nhà nước vừa kiểm soát thị trường, vừa thu được thuế. Lúc đó, thương hiệu vàng SJC cũng nên tách bạch để họ hoạt động theo thị trường như các thương hiệu vàng khác.

Vấn đề tiếp theo, khi coi vàng là hàng hóa đặc biệt thì phải duy trì cơ chế vận hành từ khâu sản xuất, kinh doanh đến khung khổ quản lý như quy định về chất lượng, mẫu mã nhãn hàng thương phẩm, hóa đơn chứng từ, thuế… như bất kỳ hàng hóa nào.

Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cũng phải “phân vai” đối với từng bộ, ngành một cách cụ thể. Chẳng hạn, điều tiết nguyên liệu liên quan đến ngoại tệ nhập khẩu và phòng chống rửa tiền thì giao Ngân hàng Nhà nước, chính sách thuế giao Bộ Tài chính, chất lượng vàng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, nhãn mác hàng hóa thì Bộ Công Thương, cũng như vai trò của Bộ Công an và chính quyền các địa phương trong chống lũng đoạn thị trường, kinh doanh vàng và ngoại hối trái phép.

Đơn cử với vấn đề thuế, đối với vàng hiện đánh đồng loạt 10% giá trị gia tăng, nghĩa là khi bán sản phẩm có chênh lệch thì nộp 10% trên số chênh lệch và thuế thu nhập doanh nghiệp, chẳng hạn, mua 8 đồng, bán 10 đồng thì nộp thuế 10% của 2 đồng. Song, với giao dịch trao tay thì Nhà nước không thu được thuế. Các chuyên gia đều nhất trí để kiểm soát thị trường vàng, thuế là công cụ hiệu quả nhất làm cho người dân “bớt yêu vàng”.

Với cách tiếp cận này, nhìn lại hoạt động quản lý thị trường vàng hiện nay, gần như Ngân hàng Nhà nước đơn thương độc mã, mỗi khi vàng lên cơn sốt là mặc định lấy ngoại tệ nhập khẩu tăng cung. Theo các chuyên gia, vàng là thứ hàng hóa đặc biệt. Sự đặc biệt ở chỗ vàng không phải mặt hàng thiết yếu nhưng xa xỉ, luôn là “ngựa bất kham” đối với ổn định lạm phát, tỷ giá và cân đối vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đình trệ và các kênh đầu tư khác rủi ro.

Bởi vậy, để quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả, cần có hẳn đề án tổng thể tầm cỡ quốc gia. Đó là một tập hợp những mảnh ghép quản lý được gắn kết và phân công nhiệm vụ rõ ràng nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là thị trường vận hành thông suốt; nguồn tài chính cho thị trường phải từ thị trường chứ không dựa vào dự trữ ngoại hối quốc gia, trở thành một phần trong chu chuyển dòng vốn của nền kinh tế; chính sách thuế hiệu quả với ngân sách; ngăn chặn buôn lậu; phòng chống rửa tiền và hướng tới tâm lý “chán vàng” trong đời sống xã hội.

Hồng Quang

————-

Thương trường (Kinh tế) ngày 05-8-2024:

https://thuongtruong.com.vn/news/quan-ly-vang-bang-co-che-thi-truong-124872.html

(185/1.609)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,713