(VNB) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện thông tin về vụ việc trên rất mù mờ, cần làm rõ quy trình của Ferrari với chủ xe là hỗ trợ hay tiếp nhận. Nếu tiếp nhận và giao cho kỹ sư sửa chữa thì Ferrari liên đới chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 21/7, một chiếc siêu xe Ferrari 488 đang lưu thông trên đường tại khu vực Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, quận Long Biên, Hà Nội thì bất ngờ lao lên vỉa hè tông trực diện vào 1 cây xanh ven đường. Cú tông mạnh làm đầu chiếc siêu xe biến dạng, hư hỏng nặng.
Được biết, chiếc xe là do chủ nhân đang sửa chữa tại trụ sở Volvo Hà Nội còn người điều khiển là nhân viên của Volvo.
Ước tính chi phí sửa chữa cho chiếc Ferrari 488 là khoảng 6 tỷ đồng, tuy nhiên, chủ xe hiện không đồng ý nhận lại chiếc xe đã bị tai nạn và cho biết sẽ khởi kiện nếu không được bồi thường.
Sau khi xảy ra vụ việc Volvo Hà Nội đã tạm đình chỉ công việc 2 người liên quan là kỹ sư nhận sửa chữa chiếc Ferrari và nhân viên kỹ thuật người đã điều khiển xe gây tai nạn.
Doanh nghiệp này giải thích đây là việc cá nhân giữa Ferrari, chủ xe Ferrari 488 và cá nhân nhân viên Volvo Hà Nội. Việc đưa xe Ferrari vào xưởng của Volvo Hà Nội không có hề có biên bản giao nhận xe và chào giá dịch vụ của Volvo Hà Nội.
Volvo Hà Nội cũng khẳng định không có bất kỳ thỏa thuận và hợp tác nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng xe Ferrari. Volvo hỗ trợ Ferrari bằng cách cho mượn địa điểm (cầu nâng) để Ferrari làm chương trình dịch vụ, còn các công việc đều do nhân viên kỹ thuật của Ferrari thực hiện với các khách hàng của Ferrari.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hiện thông tin về vụ việc trên rất mù mờ. Có hai vấn đề cần phải làm rõ, thứ nhất tại sao xe Ferrari không có biển số, không mua bảo hiểm.
Thứ hai là quan hệ giữa gara Volvo với chủ xe và Ferrari như thế nào. Nếu như đây chỉ là quan hệ riêng của nhân viên với chủ xe Ferrari 488 thì mối quan hệ này là dân sự nhân viên gây ra phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp chủ xe thông báo với Ferrari Việt Nam về việc gặp sự cố trên đường, Ferrari Việt Nam đã nhờ anh T. đưa xe về bãi của Volvo Hà Nội để chờ nhân viên tới xử lý thì phải xem xét quy trình của Ferrari xem họ tư vấn hỗ trợ hay tiếp nhận xe. Nếu họ tiếp nhận thì mới quy trách nhiệm được cho Ferrari Việt Nam.
Trường hợp Ferrari tiếp nhận xe và giao cho kỹ sư sửa, nhưng sau khi sửa xong anh này lại uỷ quyền cho nhân viên khác chạy thử xe dẫn đến xảy ra tai nạn thì cả kỹ sư, nhân viên chạy thử xe và Ferrari Việt Nam phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Trong đó, trách nhiệm bồi thường chính là của nhân viên chạy thử xe, sau đó đến anh T. và cuối cùng là Ferrari Việt Nam.
Còn trường hợp của Volvo, nếu kỹ sư không báo cáo với Volvo mà tự ý sửa xe cho khách thì Volvo không chịu trách nhiệm trong vụ việc này, ngược lại nếu nhân viên đã báo cáo và Volvo đứng ra tiếp nhận xe thì mới có căn cứ quy trách nhiệm bồi thường cho hãng.
Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Thắm
—————
VietnamBiz (Kinh tế) 25-7-2022:
(364/747) #ferrari #volvo