3.830. Siết tỷ lệ sở hữu cổ phần, ngăn hành vi thao túng ngân hàng

Siết tỷ lệ sở hữu cổ phần, ngăn hành vi thao túng ngân hàng

(KT) – Nhiều ngân hàng mới đây đã công khai danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đề xuất các quy định nhằm kiểm soát tỷ lệ sở hữu cổ phần, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần là cần thiết nhằm ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng. Ảnh: ST

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, công khai danh sách cổ đông

Luật các TCTD 2024 đã có thay đổi về giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan, thay đổi cách xác định người có liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp.

Cụ thể, theo quy định của Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống còn 10%; tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó giảm từ 20% xuống 15%. Tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân được giữ nguyên là 5%. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngước ngoài do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung trách nhiệm công bố thông tin toàn diện về các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của TCTD, bao gồm thông tin về cổ đông, người có liên quan và chi tiết sở hữu. Khái niệm “người có liên quan” được mở rộng đến 5 thế hệ nhằm kiểm soát tình trạng sở hữu chéo.

Đây không phải là lần đầu tiên NHNN quy định về tỷ lệ sở hữu của các TCTD.  Cách đây 9 năm, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2015/TT-NHNN yêu cầu các cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng xuống dưới giới hạn cho phép nhằm xóa tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc thực hiện quy định này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước từng chỉ ra rằng, việc xử lý giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định theo Luật Các TCTD vẫn còn chậm và kéo dài nhiều năm.

Bởi vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng, đề xuất quy định mới về giới hạn tỷ lệ sở hữu ngân hàng là biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi thao túng, đảm bảo cho TCTD hoạt động lành mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, quy định như trên là cần thiết để phòng ngừa người đứng tên hô, đầu tư núp bóng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thậm chí thao túng ngân hàng.

Thực hiện theo yêu cầu của Luật các TCTD 2024, nhiều ngân hàng đã công khai danh sách cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn. Điều này giúp thị trường có cơ hội tiếp cận đầy đủ cơ cấu sở hữu tại các nhà băng, kể cả với cổ đông chiến lược nước ngoài.

Những thông tin được công khai cho thấy, bên cạnh cổ đông cá nhân và tổ chức trong nước, nhiều ngân hàng có đối tác chiến lược là tổ chức nước ngoài, nắm tỷ lệ vốn lớn. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), các nhà đầu tư ngoại đang nắm 20,45% vốn. Hay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tổng sở hữu của cổ đông ngoại đạt hơn 21,2%.

Đề xuất nhiều quy định để kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ sở hữu cổ phần

Cùng với các ngân hàng, triển khai Luật Các TCTD 2024, NHNN cũng đã dự thảo Thông tư quy định về việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Luật Các TCTD số 32/2024/QH15.

Theo Dự thảo Thông tư, các ngân hàng thương mại sẽ phải phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền của cổ đông và người có liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các TCTD.

Ngân hàng sẽ phải rà soát danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu để xác định danh sách là đến hết ngày 30/6/2024.

Lộ trình tuân thủ của ngân hàng thương mại phải có tối thiểu các nội dung: Danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan, bao gồm đầy đủ thông tin, giấy tờ pháp lý, số lượng cổ phiếu …; biện pháp áp dụng (cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng thương mại đó hoặc biện pháp khác) và các mốc thời gian thực hiện để tuân thủ các quy định của Luật Các TCTD; cam kết của ngân hàng thương mại về việc phối hợp, đôn đốc cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ thực hiện việc khắc phục theo đúng lộ trình.

Theo Dự thảo, ngân hàng và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện lộ trình tuân thủ đã gửi NHNN. Trong thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ, trường hợp cần thiết, ngân hàng phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan điều chỉnh biện pháp áp dụng và lộ trình thực hiện nhưng phải đảm bảo thời hạn lộ trình tuân thủ.

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu.

Đồng thời, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.

Ngoài ra, cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Trường hợp ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, NHNN sẽ xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng, việc đề xuất một loạt các quy định trên là cần thiết, đặt ra yêu cầu đối với các ngân hàng có cổ đông vượt trần sẽ phải có phương án sớm theo lộ trình. Đây cũng là biện pháp quan trọng giúp các ngân hàng kiểm soát được ở mức tốt nhất có thể về tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần của cổ đông và người liên quan./.

Đức Thành

————-

Kiểm toán (Tín dụng) 20-8-2024:

http://baokiemtoan.vn/siet-ty-le-so-huu-co-phan-ngan-hanh-vi-thao-tung-ngan-hang-33910.html

(43/1.351)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,707