3.831. Minh bạch tạo thêm sức hút cho cổ phiếu “vua”

(ĐTCK) Minh bạch tạo thêm sức hút cho cổ phiếu “vua”

(ĐTCK) – Việc minh bạch thông tin cổ đông sở hữu từ 1% trở lên tại các ngân hàng, cộng hưởng với triển vọng tăng trưởng của ngành trong nửa cuối năm 2024 được nhận định sẽ tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vua” trong thời gian tới.

Theo quy định mới, các ngân hàng phải công khai danh sách cổ đông sở hữu trên 1%

Công khai danh sách cổ đông sở hữu trên 1%

Theo công bố của VPBank, hiện nhà băng này có 17 cổ đông sở hữu trên 1%, tổng cộng đang nắm 64,2% vốn. Trong đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 4,14%. Những người có liên quan đến ông Dũng nắm 29,5% vốn, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông có liên quan đến ông Dũng lên 33,64%. Ngoài ra, VPBank có 4 cổ đông tổ chức gồm: SMBC sở hữu 15% vốn; Công ty cổ phần DIERA nắm 4,39%; hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt sở hữu 2,73% và 1,28% vốn.

Tại ACB, cá nhân nắm giữ vốn nhiều nhất là ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị với tỷ lệ 3,427%. Người có liên quan đến ông Huy nắm 8,218% vốn tại Ngân hàng. Cổ đông cá nhân sở hữu lớn thứ hai là bà Đặng Thu Thuỷ, Thành viên Hội đồng quản trị ACB và là mẹ của ông Huy, với tỷ lệ sở hữu 1,194%. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thuỷ là 10,457%. Ngoài ra, ba tổ chức nước ngoài là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm tổng tỷ lệ hơn 6% vốn điều lệ của nhà băng này.

Tại Techcombank, có 13 cổ đông (7 cá nhân và 6 tổ chức) sở hữu trên 1%, với tổng sở hữu 52,265% cổ phần. Theo đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm 1,116% vốn; người có liên quan tới ông Hồ Hùng Anh nắm hơn 18,78%. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, vợ ông Hồ Hùng Anh nắm gần 5% vốn. Nhóm người có liên quan của bà Thủy sở hữu 27,8%. Ba người con của ông Hồ Hùng Anh nắm 11,832% vốn; bà Nguyễn Hương Liên – em dâu của ông nắm 1,977% vốn.

Sáu tổ chức đang nắm giữ trên 1% vốn tại nhà băng này gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Masan nắm 14,88% (nếu tính cả người có liên quan, tỷ lệ nhóm này sở hữu là 15,15%); 4 quỹ ngoại, gồm Quỹ đầu tư chính phủ Singapore sở hữu hơn 1%, Morgan Stanley & Co. International Plc nắm 1,45%, COG Investment I B.V và người liên quan nắm 7,9%, Vesta VN Investments B.V và người liên quan nắm 7,9%. Ngoài ra, một tổ chức chuyên tư vấn giáo dục, du học là Công ty TNHH Mapleleaf sở hữu 4,96% vốn của Ngân hàng.

Tại OCB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan sở hữu tỷ lệ 19,92% vốn. Trong đó, ông Tuấn nắm 4,43% vốn điều lệ. Cổ đông tổ chức của OCB có Tổng công ty Bến Thành – TNHH MTV nắm 4,96%, Công ty cổ phần Đầu tư Bình An House 4,74%, Công ty cổ phần Đầu tư HVR sở hữu 3,85%, Công ty cổ phần Greenwave Capital sở hữu 4,44%, Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 3,65%, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận sở hữu 3,27%, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh nắm 3,25%, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Hve nắm 3,14%.

Bên cạnh các cổ đông tổ chức trong nước, OCB công bố cổ đông nước ngoài Aozora Bank Ltd nắm 15% vốn, tiếp theo là Portal Global Limited và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) lần lượt sở hữu 3,03% và 2,42% vốn OCB. Tổng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại tại OCB đang chiếm 20,45%.

Tại HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 3,72% vốn; ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị nắm 2,75%; ông Đào Duy Tường, Trưởng ban Kiểm soát sở hữu tỷ lệ 2,73% và ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính sở hữu 4,31% vốn của ngân hàng này. Về cổ đông tổ chức, Baillie Gifford Pacific Fund sở hữu 2,19%; Sovico Holdings nắm 14,27% vốn và là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần nhà băng này.

Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, được cập nhật tại thời điểm ngày 6/8/2024, vừa được Eximbank công bố, có 2 cổ đông tổ chức nắm giữ trên 1%, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (sở hữu 10%), Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (sở hữu 3,58%). Ngoài ra, có 2 cổ đông cá nhân là bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng (sở hữu 1,12%) và bà Lê Thị Mai Loan, cựu thành viên Hội đồng quản trị (sở hữu 1,03%).

Ngày 13/8 vừa qua, MB đã cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. So với danh sách công bố ngày 15/7/2024, có thêm 2 cổ đông mới là J.P.Morgan Securities (1,5%) và Nordea 1, SICAV (1,03%). Ngoài ra, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 1,24%. Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu 0,02% vốn. Pyn Elite Fund nắm 1,63% vốn MB. Trước đó, theo thông tin trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, MB có 4 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 44,345% vốn điều lệ (sau phát hành ESOP), bao gồm: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (7,1%); Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (8,43%); Tập đoàn Viettel (19%) và SCIC (9,8%).

Tại BVBank, người sở hữu cổ phần nhiều nhất là bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, với gần 4,56%.

Còn tại LPBank, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 2,77% vốn Ngân hàng. Người có liên quan với ông Thụy nắm số lượng cổ phiếu không đáng kể. Như vậy, hơn 90% cổ đông của nhà băng này là cổ đông nhỏ lẻ.

Minh bạch gia tăng sức hút cho cổ phiếu “vua”

Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin sở hữu của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật Các tổ chức tín dụng mới, ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan, đối với cả cá nhân và tổ chức, cũng được mở rộng hơn trước.

Bên cạnh đó, Luật mới giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (bao gồm cả cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Trường hợp nhóm này sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt mức quy định mới (tức tỷ lệ sở hữu trước ngày 1/7/2024) thì vẫn được duy trì số lượng cổ phần nắm giữ nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Việc công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% trở lên giúp thị trường có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn cơ cấu sở hữu tại các nhà băng. Trong số những ngân hàng đã công bố những cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mới, cũng có nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Tính đến nay, đã có hai “ông lớn” trong nhóm này là Vietcombank và VietinBank đã công bố danh sách này.

Cụ thể, theo công bố của Vietcombank, tính đến ngày 20/7/2024, chỉ có một tổ chức là Quỹ GIC sở hữu 1,67% vốn điều lệ. Danh sách này không công bố tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nhưng theo Báo cáo thường niên 2023, Nhà nước vẫn đang sở hữu 74,8% vốn điều lệ tại Vietcombank và cổ đông chiến lược Mizuho Bank nắm giữ 15% vốn. Trong khi đó, VietinBank công bố có 3 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ, bao gồm MUFG Bank, Công đoàn VietinBank, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam.

Tổng tỷ lệ cổ phần các cổ đông này nắm giữ là 21,95%. Trong đó, Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 1,07%; Công đoàn VietinBank nắm 1,15% và MUFG Bank nắm 19,73%. Danh sách nói trên không nhắc đến cổ đông lớn nhất tại VietinBank là Ngân hàng Nhà nước, với tỷ lệ sở hữu 64,46%.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI nhìn nhận, yêu cầu công khai, minh bạch đối với cổ đông sở hữu từ 1% trở lên là cần thiết để phòng ngừa chuyện đứng tên hộ, đầu tư núp bóng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thậm chí là thao túng ngân hàng.

Chính sự minh bạch của các ngân hàng và triển vọng tăng trưởng của ngành nửa cuối năm 2024 được nhận định sẽ tác động tích cực lên cổ phiếu “vua” trong thời gian tới.

ACBS nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt mức 15,4% trong năm 2024. Cầu tín dụng đã có sự tăng trưởng 4 tháng liên tiếp, đặc biệt là cho vay cá nhân đã bắt đầu hồi phục sau khi đi ngang cả năm 2023. NIM quý II/2024 của các ngân hàng thương mại niêm yết tăng 10 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 12 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên mức 3,76%. Dù lãi suất đầu vào khó giảm thêm, song lãi vay cũng đang ở đáy và cũng không còn chịu áp lực giảm thêm nữa. Dự báo, NIM toàn ngành vẫn sẽ duy trì ở mức này trong những quý tới.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong quý II/2024, tín dụng của ngành ngân hàng đã cho thấy sự cải thiện tích cực, kéo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 6/2024 lên mức 6% so với cuối năm ngoái, đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra trong nửa đầu năm. Tăng trưởng tín dụng cải thiện là động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng trong quý II/2024 cũng như các quý còn lại của năm.

Về triển vọng của ngành ngân hàng, giới phân tích dự báo, lợi nhuận cả năm của ngành ngân hàng có thể tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái. Trong năm 2025, TPS dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 20%.

Theo giới phân tích, khả năng nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm 2024 vẫn là nhóm ngân hàng.

Vân Linh

————-

Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) ngày 23-8-2024:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/minh-bach-tao-them-suc-hut-cho-co-phieu-vua-post351841.html

(55/1.916)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,707