3.833. Nhiều chủ ngân hàng vượt trần sở hữu cổ phần, chuyên gia “mách nước” kiểm soát

Nhiều chủ ngân hàng vượt trần sở hữu cổ phần, chuyên gia “mách nước” kiểm soát

(VT) – Theo chuyên gia, việc nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát và có chế tài mạnh đối với các vi phạm là giải pháp quan trọng để kiểm soát tình trạng sở hữu chéo, nhóm lợi ích thao túng ngân hàng.

Như VietTimes đã đề cập tại bài viết trước, thực hiện Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, các ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đáng chú ý, đối chiếu với quy định về tỷ lệ sở hữu của cổ đông tại ngân hàng (cá nhân không quá 5%, pháp nhân không quá 10%, cá nhân/pháp nhân và người có liên quan không quá 15%), nhiều ngân hàng đã “vượt trần” quy định.

Công khai là cần thiết

Đánh giá về việc yêu cầu các ngân hàng công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nói đây là quy định cần thiết. Nguyên do là các ngân hàng có vốn điều lệ rất lớn, 1% vốn cũng có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Việc minh bạch nhóm “cổ đông quyền lực” này sẽ giúp ích cho việc soi xét, phòng ngừa tình trạng đứng tên hộ, đầu tư núp bóng, qua đó góp phần hạn chế tình trạng sở hữu chéo và cao hơn là nguy cơ thao túng ngân hàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, người nổi danh vì từng lập nên ngân hàng Việt đầu tiên tại Mỹ (First Vietnamese-American Bank) – nhìn nhận việc công khai cổ đông nắm giữ 1% vốn điều lệ tại các ngân hàng là điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. TS Hiếu cho rằng việc công khai có thể gây nên sự phiền hà cho những cổ đông này, song với nhà quản lý, đây là việc cần thiết.

“Nếu tôi có thể chi phối 50 người có sở hữu 1% vốn điều lệ ngân hàng/người thì tôi đã khống chế được ngân hàng rồi. Bởi vậy, mục đích của việc công khai danh sách cổ đông nắm 1% vốn không nhằm để biết cổ đông đó là ai, có đóng góp như thế nào với ngân hàng, mà là để thấy cổ đông đó liên quan đến ai trong cùng một ngân hàng, để ngăn chặn được lợi ích nhóm, sự thao túng của các cổ đông lớn”, TS. Hiếu nói.

Chuyên gia cho rằng việc yêu cầu các ngân hàng công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ là cần thiết. Ảnh: Vietnamnet.

Trên thực tế, sau khi công khai danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên, bức tranh sở hữu tại các ngân hàng hầu như đã sáng rõ. Nhiều ngân hàng có tình trạng cổ đông “vượt trần” tỷ lệ sở hữu được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (cá nhân 5%, pháp nhân 10%, cá nhân/pháp nhân và người có liên quan 15%). Điều này đặt ra vấn đề: làm thế nào để giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông xuống mức quy định?

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc giảm tỷ lệ sở hữu cần có lộ trình linh hoạt, bởi không thể bắt cổ đông đang sở hữu hợp pháp phải chuyển nhượng bớt cổ phần. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi không cho phép các cổ đông đã chạm hoặc “vượt trần” được gia tăng tỷ lệ sở hữu. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu của các cổ đông này sẽ giảm dần qua mỗi lần ngân hàng tăng vốn. Nhưng mặt khác, nếu ngân hàng không tăng vốn thì dù 10 – 20 năm, tỷ lệ sở hữu “vượt trần” của các cổ đông vẫn là hợp pháp.

 Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI,

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết các quốc gia có nền tài chính hiện đại, điển hình là Mỹ, cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhân được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân. Nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.

Việt Nam thì ngược lại, tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ “đặc thù” của văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến hai tình trạng khác nhau. “Ở Mỹ, các giao dịch liên quan cổ đông lớn, cổ đông chi phối phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định. Dù ông là cổ đông chi phối nhưng cũng không được vay dễ dàng, hay cho sân sau vay với lãi suất thấp được. Còn ở Việt Nam, khi một chủ tịch HĐQT có khả năng thao túng ngân hàng thì họ có khả năng cho các nhóm sân sau vay mà không cần tài sản bảo đảm, lãi suất thấp, trường hợp rơi vào nợ xấu thì ngân hàng cũng không giải quyết quyết liệt”, TS Hiếu phân tích.

Tái phạm phải rút giấy phép

Đánh giá về hiệu quả của các quy định mới, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc quy định khá chặt và rõ, đương nhiên sẽ giải quyết được cơ bản về mặt pháp lý vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng. Nhưng yếu tố quyết định thì lại nằm ở khâu thực thi.

Nói cách khác, những khe hở hữu hình đã được bịt bằng những quy định giảm mạnh tỷ lệ sở hữu, công khai tỷ lệ sở hữu từ 1% trở lên, mở rộng đối tượng là người có liên quan… Tuy nhiên, những khe hở vô hình chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thái độ, quan điểm của các nhóm cổ đông lớn, nhất là những người chủ thực sự của ngân hàng.

Cùng chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu thực tế ở Mỹ, HĐQT các ngân hàng hoạt động rất minh bạch, nghiêm túc. Những phiên họp HĐQT có biên bản rất chi tiết, ghi rõ ai là người đề xuất đưa ra bỏ phiếu, bao nhiêu người bỏ phiếu thuận, bao nhiêu người phản đối, bao nhiêu người bỏ phiếu trắng… Chỉ cần nhìn vào đó là có thể biết được ai là người đưa ra quyết định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng

“Còn ở Việt Nam thì không thể nào làm được việc đó. Biên bản họp HĐQT như tôi từng làm thì soạn sẵn như mẫu và phần lớn những quyết định có tỷ lệ đồng thuận 90% – 100%, rất ít ý kiến ngược chiều, chỉ ghi chung chung đây là đề xuất và bỏ phiếu. Như vậy, ngay cả cái cách HĐQT hoạt động đã tạo điều kiện cho thao túng”.

“Nhiều năm nay, tôi đã chỉ trích cách hoạt động này. Bản thân tôi đã tham gia vào 2 ngân hàng với tư cách thành viên HĐQT độc lập, nhưng tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ thì lại không được coi trọng. Nhiều lần tôi nói với Ngân hàng Nhà nước là phải tăng cường vai trò của thành viên HĐQT”, TS Hiếu bình luận.

TS Hiếu cũng cho hay, bên Mỹ có thông lệ Affidavit (tuyên bố hữu thệ). Trong nhiều trường hợp, các cổ đông phải “Affidavit” rằng nếu họ khai gian, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có thông lệ này. “Đáng lo hơn nữa là còn xuất hiện tình trạng nói một đằng nhưng làm một nẻo, dẫn đến chưa thực sự kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng”, ông nói.

Bên cạnh việc chỉ ra những tồn tại và nêu ra hướng giải quyết từ phía doanh nghiệp như trên, TS Hiếu cũng nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý. Ông cho rằng các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng.

“Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó. Ví dụ, các cổ đông bị nghi ngờ có sự kết nối với nhau thì thường có dấu vết kết nối qua tài khoản, thể hiện trên sổ sách. Dĩ nhiên có giao dịch tiền mặt, không có dấu vết, nhưng điều này rất ít. Thường thường, các giao dịch đó có thể tìm ra dễ dàng. Nhưng quan trọng là phải làm thanh tra nghiêm túc, rõ ràng. Trường hợp vụ SCB, cán bộ phát hiện ra sai phạm nhưng nhận hối lộ và che giấu thì vô cùng nguy hiểm”, TS Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng đặt vấn đề về chế tài. “Rất nhiều lần tôi đề nghị, nếu ngân hàng nào vi phạm quy định lặp đi lặp lại, chẳng hạn như 3 lần, thì phải rút giấy phép. Cần phải có một vài ngân hàng sai phạm bị xử phạt một cách mạnh tay để làm gương cho toàn thị trường. Ngân hàng Nhà nước quyết liệt như thế thì mới mong các cổ đông thực hiện quy định một cách nghiêm túc”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thống kê của VietTimes cho thấy cơ cấu sở hữu tại nhiều nhà băng khá cô đặc, khi chỉ một lượng cổ đông nhỏ đã nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn. Nhiều lãnh đạo, người thân của lãnh đạo các ngân hàng cùng người có liên quan đang nắm số cổ phần vượt trần mức quy định của Luật mới.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), chỉ 13 cổ đông gồm 7 cá nhân và 6 tổ chức đã nắm giữ 1,84 tỷ cổ phiếu TCB, tương đương 52,265% vốn ngân hàng. Trong đó, hầu hết cá nhân nắm giữ trên 1% vốn là người có liên quan của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có 17 cổ đông đang nắm gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn ngân hàng này. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, nắm hơn 328,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,14%. Còn người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, tương đương sở hữu 29,5% vốn điều lệ.

Như ở Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn gồm 9 doanh nghiệp, với tổng tỷ lệ sở hữu chiếm 33,64% vốn ngân hàng. Đáng nói, danh sách này không thể hiện tỷ lệ sở hữu của chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn và người thân. Tuy vậy, nhóm công ty thuộc ROX Group – tập đoàn do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (vợ ông Tuấn) đang làm chủ tịch – cùng một số đơn vị liên quan đang sở hữu hơn 20% vốn MSB.

Hải Thu

————-

VietTimes (Kinh doanh) ngày 25-8-2024:

https://viettimes.vn/nhieu-chu-ngan-hang-vuot-tran-so-huu-co-phan-chuyen-gia-mach-nuoc-kiem-soat-post177619.html

(294/1.956)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,707