(KTĐT) Lạ lùng thị trường vàng
(KTĐT) – Cơ chế bán vàng hiện nay đã làm giảm cơn sốt vàng. Gần đây, nhìn bề ngoài thì thấy người dân không còn muốn mua nữa nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Trầy trật mua vàng qua ngân hàng, tìm đến chợ mạng
Ông Trần Đức Phong trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, ông có nhu cầu mua vàng trả nợ, tuy nhiên cả tháng tìm mua vàng trên app ngân hàng vẫn không đủ 3 cây vàng mang trả cho người thân.
Trong khi đó chị Thu Hoà ở Đống Đa- Hà Nội sau hơn 1 tháng “canh” liên tục cũng thành công mua 1 lượng vàng tại Vietinbank. Nhưng chị Hoà cho biết, ngoài việc tốn thời gian canh, khi mua được, chị còn phải xin nghỉ làm, tốn tiền xe lên ngân hàng nhận vàng. Chi phí phát sinh tính ra gần cả triệu đồng.
Nhu cầu của người dân vẫn cao nhưng khó hoặc thậm chí không thể mua được vàng miếng SJC
Người mua vàng miếng SJC khó khăn đã đành, nhưng người mua vàng nhẫn 9999 cũng mệt mỏi không kém. Anh Trần Hoàng Long nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy cho biết, trước đây tôi có thói quen mua vàng để tích trữ, thế nhưng thời gian gần đây không còn có thể duy trì việc này. Theo anh Long, khi đi tìm mua vàng ở các cửa hàng tại Cầu Giấy cũng như Trần Nhân Tông, đại diện các cửa hàng đều trả lời: “Không có cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn, và không biết bao giờ mới có”.
Những ngày qua, giá vàng thế giới tăng mạnh kéo vàng trong nước cũng tăng mạnh theo. Vàng miếng SJC đang được giao dịch ở mức giá 80 triệu đồng/lượng, nhưng mua vàng tại 5 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân thông qua hình thức trực tuyến vẫn rất khó mua.
Nhu cầu tăng cao, việc mua bán tương đối khó khăn cùng với việc giá vàng biến động mạnh và liên tục đã thúc đẩy người dân tìm đến các “chợ vàng online”, các hội nhóm trên mạng xã hội như Facebook để giao dịch, bất chấp hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguy cơ pháp lý, cũng như mua phải vàng giả, vàng không bảo đảm chất lượng.
Có nhiều hội nhóm còn mua bán vàng khá nhộn nhịp. Đơn cử như nhóm “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian” với 10.600 thành viên, mỗi bài viết đăng tải lên nhóm này có rất đông lượt tương tác
Trên các hội nhóm, trang cá nhân, fanpage, không khó để tìm những tin rao, chào mời đăng ký mua vàng “hộ” với những lời cam kết “uy tín, tỉ lệ thành công đến hơn 90%”, giao vàng mới nhận tiền phí, hoặc có mã QR thanh toán, có mail báo xác nhận mới nhận phí, không nhận tiền cọc… Không chỉ nhận đăng ký hộ, rao bán suất đã đăng ký thành công, nhiều thành viên còn rao bán công cụ (tool) đăng ký mua vàng của các đơn vị bán, nhận chạy tool với giá vài trăm nghìn đồng/slot…
Giá chênh cao, rủi ro lớn
Theo phản ánh từ phía người mua, một số ngân hàng thông báo sẽ giao vàng miếng cho khách hàng sau 2 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký mua vàng miếng thành công. Theo đó, ngày thứ 3 khách hàng mới nhận được vàng đã mua. Trong khi đó, một số ngân hàng cũng yêu cầu khách đăng ký mua vàng trực tuyến phải có tài khoản của chính ngân hàng đó và số tiền trên tài khoản tại thời điểm khách hàng đăng ký đủ để thanh toán cho số lượng vàng muốn mua.
Các ngân hàng kéo dài thời gian giao vàng cho khách khiến nhiều người mua vàng “lướt sóng” chán nản.
Chị Nguyễn Thanh Hoa ở Đông Anh nhận xét: có khi đăng ký địa điểm gần nhà không được còn đăng ký điểm xa lại thành công. Đến chiều, đúng giờ đã đăng ký thì lên ngân hàng để làm thủ tục mua vàng, thanh toán. Sau khi hoàn tất phần thủ tục thì mất từ 2-4 ngày sau, ngân hàng mới giao vàng. “Vừa rồi đăng ký thành công 2 lần nhưng sát giờ thì lại bận việc, không chạy đến điểm giao dịch kịp nên đành phải bỏ suất”. Thực tế, người dân ở các tỉnh, thành khác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chưa có điều kiện tiếp cận để được mua vàng miếng SJC.
Cũng theo chị Hoa, việc người có nhu cầu mua vàng phải lên mạng để tìm nguồn hàng, tìm hỗ trợ đăng ký là do theo quy định, mỗi người có thể đăng ký mua 1 lượng/lần, chưa kể, một số ngân hàng khống chế người đã mua vàng online phải chờ một thời gian dài mới được đăng ký lần tiếp theo. Tuy vậy, cũng rất ít người có thể đăng ký thành công, nên phải nhờ đến dịch vụ đăng ký giúp, nhiều người thấy giá vàng giảm nhiệt còn bấm bụng mua luôn cho nhanh từ các đầu nậu buôn bán vàng miếng SJC không chính thức.
Việc giao dịch ngoài quầy có thể dẫn đến nhiều rủi ro như không có hóa đơn chứng từ, bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thậm chí là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, có thể bị tịch thu. (LS Trương Thanh Đức).
Tại cuộc họp báo quý II, NHNN thừa nhận, hiện có hai thái cực: người dân rất khó mua vàng online. Nhưng ngược lại có những người đặt mua vàng nhưng không đến lấy vàng.
“NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có giải pháp điều chỉnh sao cho phù hợp”- Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN Đào Xuân Tuấn nói.
Lãnh đạo NHNN cảnh báo: “Người dân mua vàng miếng SJC trên thị trường tự do có thể dẫn đến rủi ro. Bởi, bên bán không phải là doanh nghiệp kinh doanh vàng, không có chứng từ giao dịch và có thể cung cấp cho người mua vàng giả”.
NHNN cần tăng cung, giảm rủi ro cho người dân
Các chuyên gia đánh giá, khách quan mà nói, NHNN đã có nhiều thành công trong quản lý thị trường vàng trong thời gian gần đây. NHNN đã có những thành công khi rút ngắn được chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước từ 17 – 18 triệu đồng/lượng xuống còn 4-5 triệu đồng/lượng, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đi cùng với đó là thị trường vàng chợ đen đang hình thành. “Mức giá vàng miếng SJC mà thị trường chợ đen bán ra có lúc chênh đến 3-4 triệu đồng/lượng so với thị trường chính thức”- một chuyên gia độc lập nói.
Chốt phiên giao dịch tuần, vàng miếng SJC được các ngân hàng và công ty SJC niêm yết ở ngưỡng 79 – 81 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá tăng 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.
Trên thị trường tự do, giá vàng miếng SJC được một số tiệm vàng giao dịch mua vào 80 triệu đồng/lượng, bán ra 82,5 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 – 1,5 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng tại công ty SJC và các ngân hàng thương mại. Chênh lệch giá vàng mua vào bán ra trên thị trường tự do hiện trên 2 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia nhận định, mức chênh lệch này rất cao khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp bán vàng qua các ngân hàng, công ty SJC là giải pháp tình thế nhằm đạt được nhanh mục tiêu rút ngắn mức chênh lệch giá giữa trong và ngoài nước, chống tình trạng vàng hóa trên thị trường.
Tuy nhiên khi giá vàng thế giới đi lên, mà nguồn cung trong nước không có, sẽ lại dễ xảy ra hiện tượng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ và sẽ lại ảnh hưởng đến tỉ giá và lạm phát. Do đó, để thị trường vàng ổn định bền vững, NHNN nên xem xét phương án khác hiệu quả hơn, trong đó cần cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng, độc quyền thương hiệu vàng SJC, nhanh chóng đưa thị trường trở lại hoạt động bình thường. Trong đó, NHNN cần tăng cung đáp ứng nhu cầu thị trường. Cấp phép nhập khẩu vàng cho các đơn vị để đảm bảo cung cầu trên thị trường và điều quan trọng là phải có dữ liệu thống kê chính xác về sản xuất kinh doanh, cung cầu vàng trong nước hiện nay.
Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao NHNN bán vàng miếng SJC cho các doanh nghiệp được cấp giấy phép mua – bán vàng miếng chỉ để trực tiếp bán cho người dân. Về thời gian, số lượng và phương thức bán theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, báo cáo theo quy định.
Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng nên cho phép các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trên thị trường tiếp cận nguồn vàng miếng và kinh doanh trở lại như trước đây, việc đó giúp giảm tâm lý sợ khan hiếm và cũng khiến cho người dân bớt quan tâm đến vàng. Khi vàng miếng không còn khó mua, tự nhiên người dân cũng không còn quan tâm nhiều nữa, thị trường chợ đen vì vậy cũng không còn đất sống. Đồng thời giảm rủi ro cho người dân.
Từ ngày 15/8 – 15/10, các đội Quản lý thị trường Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn. Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết thời gian qua, thị trường vàng diễn biến phức tạp, giá tăng nóng, cơ quan này đã chỉ đạo lực lượng chức năng liên tục thanh tra, kiểm soát.
Sau khi nhà chức trách đồng loạt ra quân kiểm tra trên cả nước, đã phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh vàng, trang sức. Các vi phạm chủ yếu là sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, nhiều sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền… Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên địa bàn cả nước.
Thảo Nguyên
————-
Kinh tế & Đô thị (Tài chính chứng khoán) ngày 25-8-2024:
https://kinhtedothi.vn/la-lung-thi-truong-vang.html
(55/1.947)