3.850. Cân nhắc quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Cân nhắc quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

(DĐDN) – Bảo vệ thị trường là cần thiết, tuy nhiên, theo chuyên gia, quy định trái phiếu phát hành phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng cần được cân nhắc.

Theo đó, bên cạnh việc luật hóa hành vi thao túng chứng khoán với quy định hạn chế giao dịch với nhà đầu tư cá nhân, để bảo vệ thị trường, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) còn yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.

Với quy định này, để có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, các doanh nghiệp phải thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu xong mới nộp được hồ sơ xin cấp phép.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành – Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, xem xét lại quy định này bởi nếu áp dụng như đề xuất không chỉ phát sinh thêm thời gian, dẫn đến phát sinh chi phí, nhân lực cũng như kéo dài việc huy động vốn để phát triển kinh doanh, mà còn không phù hợp khi các ngân hàng thương mại không được phép bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp có mục đích mua cổ phần, vốn góp, cơ cấu nợ, hoặc bị hạn chế bởi room tín dụng trong năm.

Đáng nói, thực tế, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một hình thức huy động vốn, việc phải có biện pháp bảo đảm khi chào bán công chúng trái phiếu doanh nghiệp không phải vốn cấp 2 là không phù hợp, đi ngược với thông lệ.

cân nhắc quy định trái phiếu

Theo chuyên gia, quy định như đề xuất là không phù hợp, cần được cân nhắc, xem xét tránh tạo rào cản – Ảnh minh họa: ITN

Góp ý về nội dung này, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, thực tế các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính tốt có thể thực hiện các khoản vay nợ tín chấp, phát hành trái phiếu không có bảo đảm. Việc có/không có bảo đảm thuộc về cấu trúc của trái phiếu và đều được phản ánh vào giá phát hành, được thị trường tự cân đối dựa trên cung – cầu.

Việc quy định bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng sẽ không xử lý được vấn đề cốt lõi của việc lựa chọn, sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp ra công chứng, bao gồm cả trái phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có bảo đảm.

Vì vậy, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lược bỏ quy định về điều kiện trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; cùng với đó bổ sung quy định, hướng dẫn về tổ chức được đóng vai trò là đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu có tài sản bảo đảm và quy định cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được tham gia bảo lãnh thanh toán.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, bổ sung quy định yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng là mâu thuẫn với quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi, nếu có tài sản đảm bảo hay ngân hàng bảo lãnh khi phát hành trái phiếu ra công chúng thì đã quá chắc chắn, giảm thiểu rủi ro cho người mua,…

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh quan trọng của doanh nghiệp, do đó, việc sửa đổi quy định liên quan tới phát hành trái phiếu cần thận trọng, bảo đảm tính ổn định, tránh tình trạng thắt chặt trái phiếu riêng lẻ, gây ra đứt gãy nguồn vốn cho doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, các văn bản quy phạm pháp luật cũng nên được xem xét kỹ lưỡng tác động về mọi mặt trước khi thông qua và có hiệu lực.

Ngoài vấn đề đã nêu, một trong những nội dung khác khiến không ít ý kiến quan ngại tại Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là việc kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên 3 năm.

Theo chuyên gia, đây là một khoảng thời gian khá dài và sẽ khiến cho việc chào bán chứng khoán riêng lẻ không còn hấp dẫn nhà đầu tư, hạn chế quyền sở hữu và thực hiện quyền của nhà đầu tư, nhất là khi thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam còn nhiều biến động.

Do đó, chuyên gia đề nghị cơ quan chủ trì giữ nguyên quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng là 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán đối với cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ như quy định hiện hành tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán 2019.

Gia Nguyễn

————-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 14-9-2024:

https://diendandoanhnghiep.vn/can-nhac-quy-dinh-ve-dieu-kien-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-10141930.html

(85/1.056)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,985