3.852. Thêm quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Cần cân nhắc để thị trường phát triển.

(TT) Thêm quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Cần cân nhắc để thị trường phát triển.

(TT) – Trước việc bổ sung các quy định giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp gỡ khó, khơi thông để thị trường phát triển. Cụ thể, nhiều ý kiến e ngại những quy định mới có thể thu hẹp thị trường trái phiếu riêng lẻ do cơ hội huy động vốn của doanh nghiệp và sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân cùng giảm.

Quy mô thị trường trái phiếu nguy cơ giảm

Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có bổ sung quy định về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những quy định chặt chẽ về điều kiện để nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, mặc dù nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhưng lại có thể tạo ra những tác động không tốt như làm giảm tính thanh khoản và hạn chế cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

” Điều này có thể làm giảm quy mô thị trường trái phiếu, giảm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế cần được phục hồi sau đại dịch và thiên tai. Mặt khác, sự phát triển của thị trường trái phiếu bị kìm hãm sẽ làm cho thị trường tài chính thiếu tính đa dạng và khả năng cạnh tranh so với các kênh huy động vốn khác “, ông Tuấn Anh nói.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, thiên tai bão lũ, doanh nghiệp đang rất cần nguồn lực để khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang quá nhỏ, không phát huy được kênh tạo vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng TPDN phát hành xấp xỉ đạt 215 nghìn tỷ đồng, bằng 30% so với cả năm 2020 và 30% so với năm 2021. Số dư nợ TPDN khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 10% GDP năm 2023, quá thấp so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030.

Việc quy mô thị trường trái phiếu giảm sút, không đảm bảo được dòng chảy vốn được cho là có lý do xuất phát từ vướng mắc của nhà đầu tư và việc xin cấp phép chào bán trái phiếu công chúng gặp nhiều khó khăn thời gian qua.

quy định trái phiếu doanh nghiệp

Những quy định chặt chẽ về điều kiện để nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, mặc dù nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhưng lại có thể tạo ra những tác động không tốt như làm giảm tính thanh khoản và hạn chế cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ông Tuấn Anh phân tích thêm, quy định quá chặt chẽ sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bị hạn chế quyền tiếp cận các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong thị trường TPDN riêng lẻ, từ đó làm giảm tính linh hoạt của thị trường.

“ Theo tôi, để bảo vệ cả nhà đầu tư và thị trường thì có thể áp dụng một số giải pháp thay thế như nâng cao tính minh bạch và công khai thông tin. Khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính, rủi ro và triển vọng của mình để nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa trên thông tin đầy đủ, chính xác.

Yêu cầu đánh giá tín nhiệm độc lập cũng có thể là phương pháp nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Các trái phiếu phát hành có thể yêu cầu được đánh giá bởi tổ chức tín nhiệm độc lập, giúp nhà đầu tư đánh giá đúng mức độ rủi ro của các trái phiếu này.

Thiếu sót lớn nhất của những nhà đầu tư cá nhân chính là thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia mua. Do đó việc cung cấp các chương trình giáo dục và hỗ trợ nhà đầu tư từ Chính phủ, tổ chức tài chính như tổ chức chương trình giáo dục tài chính sẽ giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ hiểu rõ hơn về rủi ro và cơ hội của thị trường TPDN ”, ông đề xuất.

Theo ông Tuấn Anh, những biện pháp này có thể giúp cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư và khuyến khích sự tham gia rộng rãi vào thị trường trái phiếu.

Giới hạn nhà đầu tư tổ chức là không hợp lý

Một trong những điểm của dự thảo Luật Chứng khoán cũng được nhiều nhận được nhiều ý kiến là Khoản 16 điều 1 điều chỉnh giới hạn đầu tư tối đa của quỹ đại chúng vào 1 tổ chức hoặc nhóm tổ chức liên quan, theo đó cho phép đầu tư tối đa 15% giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó và 35% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của các công ty trong cùng 1 nhóm có quan hệ sở hữu với nhau.

Theo ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh, quy định này đã nới lỏng so với hiên tại nhưng chưa đem lại hiệu quả cao do quỹ vẫn bị hạn chế đầu tư, làm giảm quy mô của thị trường.

Hiện tại, tổng giá trị tài sản của các quỹ trong nước chỉ chiếm dưới 0,1% GDP, quá thấp so với các nước. Do vậy, đề xuất quỹ đại chúng dược đầu tư 40% giá trị tổng tài sản của quỹ vào chứng khoán lưu hành của các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau, 20% tổng tài sản vào chứng khoán của một tổ chức.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, cần nới lỏng điều kiện đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức. Cụ thể, ngân hàng thương mại được đầu tư và bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu có mục đích sử dụng vốn là: cơ cấu nợ/tái tài trợ vốn, đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp với các điều kiện tương tự như điều kiện cho vay theo quy định của ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, cần cho phép các công ty bảo hiểm được đầu tư vào các trái phiếu có mục đích cơ cấu nợ. Bởi lẽ, các công ty bảo hiểm cũng là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có khả năng quản trị rủi ro, phân tích được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp không phải tổ chức tài chính, tổ chức niêm yết nên bỏ điều kiện tối thiểu 2 năm khi xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nhiều đề xuất nới lỏng điều kiện tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. (Ảnh minh họa).

Tổ chức phát hành phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh là không hợp lý

Khoản 4 điều 1 dự thảo Luật bổ sung yêu cầu tổ chức phát hành phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, điều này khiến doanh nghiệp phải thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu xong mới nộp được hồ sơ xin cấp phép. Thời gian thường là vài tháng, gây lãng phí nguồn lực.

Ngân hàng thương mại không được bảo lãnh cho TPDN có mục đích mua cổ phần/vốn góp, cơ cấu nợ hoặc bị hạn chế bởi room tín dụng của ngân hàng. TPDN cũng là 1 hình thức huy động vốn tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng có thể huy động tiền gửi cá nhân thì việc phải có biện pháp bảo đảm khi chào bán công chúng TPDN không phải vốn cấp 2 là không phù hợp, đi ngược với thông lệ.

Luật sư  Trương Thanh Đức Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng bày tỏ quan ngại rằng việc siết chặt các quy định về nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thu hẹp. Điều này sẽ làm giảm cơ hội huy động vốn của các doanh nghiệp.

Luật sư nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ, việc giảm bớt các điều kiện để khuyến khích nhà đầu tư tham gia là cần thiết. Thay vì tăng cường các quy định, chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và tăng cường công tác giám sát để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Các luật sư cho rằng khi dự thảo luật đang gây nhiều ý kiến trái chiều thì các nhà làm luật cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng, việc yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng là không hợp lý. Quy định này được ban hành với mục đích giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động nhưng nếu áp dụng một cách cứng nhắc có thể gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều có đủ tài sản đảm bảo để đáp ứng yêu cầu phát hành trái phiếu. Hơn nữa, các ngân hàng có thể không sẵn sàng cung cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc chưa có vị thế tài chính vững mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn thông qua kênh trái phiếu, làm giảm tính đa dạng trong phương thức huy động vốn và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Tuấn Anh cho rằng, không phải tất cả các trái phiếu doanh nghiệp đều có mức độ rủi ro giống nhau và việc áp dụng một quy định chung cho tất cả các loại trái phiếu có thể không hợp lý. Các doanh nghiệp có uy tín cao, tình hình tài chính ổn định và lịch sử phát hành trái phiếu tốt không nhất thiết phải bị buộc phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng.

“Việc áp dụng quy định này nên được điều chỉnh tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại trái phiếu và tình trạng của doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp lớn, có khả năng tự đảm bảo khả năng thanh toán, có thể được miễn yêu cầu này” , ông nói.

Một quy định nữa là giới hạn đầu tư của các quỹ và nhà đầu tư tổ chức vào trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô và thanh khoản của thị trường trái phiếu, đặc biệt khi những tổ chức này thường là các nhà đầu tư có quy mô lớn và nguồn lực mạnh.

Xét về mặt lợi ích, việc nới lỏng các giới hạn đầu tư của các quỹ và nhà đầu tư tổ chức vào trái phiếu doanh nghiệp có thể giúp tăng tính thanh khoản của thị trường. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn, đồng thời nhà đầu tư cũng có thể mua bán trái phiếu một cách linh hoạt hơn. Tính thanh khoản cao hơn cũng giúp giảm rủi ro cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành, bởi khả năng mua bán và chuyển nhượng trái phiếu trở nên dễ dàng hơn. Từ đó giúp đẩy mạnh quy mô thị trường trái phiếu.

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Trong điều kiện hiện nay khi thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn nhỏ thì nên giảm bớt các điều kiện để khuyến khích nhà đầu tư tham gia. ” Nếu chưa xem xét giảm các điều kiện được thì chỉ nên giữ nguyên theo quy định hiện hành. Xác suất vi phạm là có nhưng đó vẫn là thiểu số và không nên vì vậy mà lại tăng điều kiện để hạn chế thị trường phát triển “, ông Đức nêu quan điểm.

Đức Hiếu

————-

Thương trường (Tài chính – Ngân hàng) ngày 14-9-2024:

https://thuongtruong.com.vn/news/them-quy-dinh-ve-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-can-can-nhac-de-thi-truong-phat-trien-126588.html

(440/2.262)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,985