3.861. Sôi động đấu giá đất ngoại thành Hà Nội

3.861. Sôi động đấu giá đất ngoại thành Hà Nội.

(DĐDN) – Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội đang lên kế hoạch tổ chức đấu giá đất cho thấy sự sôi động của hoạt động này dù vẫn còn nhiều lo ngại.

Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội đang lên kế hoạch tổ chức đấu giá đất cuối tháng 9 này.

Nhiều huyện chuẩn bị đấu giá đất

Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh. Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất đối với 11 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh (đợt 5), với giá khởi điểm 23,2 triệu đồng/m2. Dự kiến phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 28/9/2024.

Đơn vị này cũng ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng 54 thửa đất tại xã Mỹ Thành, có giá khởi điểm gần 3,6 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá được tổ chức ngày 26/9 tại Hội trường UBND xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức).

Hay như Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt mới thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất ở đối với 56 thửa đất tại xã Xuy Xá, có diện tích từ 81 – 211m2/thửa với mức giá khởi điểm gần 3,6 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 27/9 tại hội trường UBND xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức).

Hoạt động đấu giá đất diễn ra sôi động trong thời gian tới là tín hiệu mừng về sự gia tăng tính minh bạch và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và trung ương.

Hoạt động đấu giá đất được cho còn tiềm ẩn nhiều lo ngại do có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.

Theo các chuyên gia, đấu giá đất sẽ giúp Nhà nước thực hiện các chính sách đất đai, tái phân bố đất, điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, và kiểm soát quỹ đất một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, nguồn thu từ đấu giá có thể được tái đầu tư để địa phương phát triển bền vững.

Vẫn còn nhiều nguy cơ

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng nếu không được quản lý chặt chẽ, đấu giá đất có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất lên quá cao và gây nhiễu loạn thị trường.

Trong 3 tháng trở lại đây, hoạt động đấu giá đất các vùng ven ở Hà Nội đã thu hút hàng nghìn hồ sơ tham gia. Điều đáng nói, mức giá trúng thầu có nơi cao hơn gấp 30 lần giá khởi điểm dù tiềm năng phát triển của các lô bất động sản vẫn chưa rõ ràng. Gần đây nhất, hiện tượng bỏ cọc lại xuất hiện trở lại với các lô đấu giá đất ở Thanh Oai.

Các chuyên gia đã cảnh báo đây là hiện tượng bất bình thường và có dấu hiệu của đầu cơ thổi giá. Như chia sẻ của Luật sư Trần Đại Nghĩa – Chuyên gia pháp lý bất động sản với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Đây là một thực trạng đáng buồn bởi chính quyền đấu giá đất để mang lại nguồn thu và để giải quyết vấn đề an cư cho người dân có nhu cầu ở thực, nhưng lại trở thành “miếng mồi ngon” cho giới đầu cơ trục lợi. Hậu quả của tình trạng này là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Mức giá của đất đấu giá tăng cao, “vượt xa” giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương mà còn tại nhiều nơi trên cả nước”.

Trong khi đó, Luật sư  Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI quan ngại rằng, giá đất tăng quá cao không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, tạo lập nhà ở của người dân mà còn có những ảnh hưởng không nhỏ cho việc điều hành quản lý của các cơ quan nhà nước, thực thi chính sách pháp luật về đất đai.

Lý giải rõ hơn về điều này, vị luật sư cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực mới được 1 tháng, việc giá đất bị đẩy lên quá cao ở một số địa phương có thể dẫn đến việc thiết lập mặt bằng giá đất mới ở các địa phương đó. Việc này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.

“Về mặt quản lý nhà nước cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tiết thị trường bất động sản. Bởi việc xây dựng bảng giá đất dựa trên những số liệu như vậy có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng và không bền vững của giá bất động sản. Khi giá bất động sản bị đẩy lên một giá trị quá mức so với giá trị thực, không có người mua, hoặc người mua không đủ sức mua dẫn đến hiện tượng vỡ bong bóng bất động sản” – Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Không chỉ vậy, vị luật sư còn lo lắng việc thị trường bất động sản bị méo mó do vấn đề đất đai sẽ khiến hệ thống luật pháp liên quan đến đất đai phải có sự điều chỉnh.

“Quy trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật không thể diễn ra nhanh chóng, có thể mất đi tính kịp thời trong vấn đề giải quyết hậu quả. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần phải có các biện pháp để quản lý được giá trong các trường hợp đấu giá đất công khai như vừa qua”, ông Đức kiến nghị.

Vi Anh

————-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Bất động sản) ngày 20-9-2024:

https://diendandoanhnghiep.vn/soi-dong-dau-gia-dat-ngoai-thanh-ha-noi-10142318.html

(336/1.076)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,314