(ĐTCK) – Chia sẻ với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Phản biện chính sách Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết: “Việt Nam không hề đi ngược với thế giới mà cùng với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, biện pháp và cách thức điều hành có thể khác nhau”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Phản biện chính sách Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu chung, cách thức riêng
Sáng ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo chính thức cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các đơn vị này. Tín hiệu từ nhà điều hành cho thấy vẫn đang kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% đặt ra từ đầu năm nay. Ông có bình luận gì?
Tôi cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã là cao so với những năm gần đây và mặt bằng chung thế giới, cao hơn tăng trưởng tín dụng thực tế của cả 2 năm 2020 – 2021 (lần lượt là 12,17% và 13,61%). Nếu tăng cao nữa khó kiểm soát, sau này sẽ quay lại ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nền kinh tế chứ không riêng gì hệ thống ngân hàng. Mặt khác xu hướng tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây, đặc biệt từ năm 2020 (2021: 124% GDP), tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam. Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%). Vì thế không có lẽ gì cố gắng tiếp tục tăng chỉ tiêu này, trong khi còn có nhiều lựa chọn khác hợp lý hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, đồng thời, làm mất đi cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế…
Nếu tăng hạn mức tín dụng, điều này có thể được lợi cho một số ít đối tượng nhưng sẽ rất bất lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô, gây ra nguy cơ trực tiếp cho lạm phát, tỷ giá tiền tệ; tác động đến giá thành và cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là bài toán nợ xấu trong tương lai gần.
Thực tế cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam có độ trễ so với kinh tế thế giới, nếu kiểm soát tốt thì hạn chế được phần nào, nếu không chủ động phòng và kiểm soát thì khi xảy ra các nguy cơ khó lường dễ dẫn tới khủng hoảng, nhất là sự ảnh hưởng lo ngại của yếu tố tâm lý. Nếu người dân không tin tưởng tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng, thậm chí rút tiền khỏi hệ thống, thì lại phải tăng mạnh lãi suất để đối phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn, mất thanh khoản.
Nếu chỉ vì cái lợi trước mắt, mà để cho lãi suất rình rập tăng cao, thấp thỏm với tình trạng mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, thì lợi một hại mười. Ngân hàng Trung ương có nhiều công cụ khác để “kìm” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, như tăng các hệ số an toàn vốn, tăng tỷ lệ trích lập dự phòng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nhưng, động thái này cũng sẽ có nhiều mặt trái như ảnh hưởng lớn đến việc tăng chi phí đầu vào, dẫn đến tăng lãi suất cho vay, khó thực hiện được các mục tiêu hỗ trợ một số ngành kinh tế và xử lý sự yếu kém của một số ngân hàng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Dẫu vậy, mức tín dụng còn lại được đánh giá là sẽ khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vốn khi doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm…?
Tôi cho rằng, điều quan trọng nữa đó là đã là chủ trương điều hành trong một lĩnh vực mang tính nhạy cảm cao như hệ thống ngân hàng, một chỉ tiêu được quyết định thận trọng dựa trên cơ sở khoa học, chuyên môn và thực tiễn, nếu thấy đúng thì chính là cam kết với thị trường, cần phải giữ vững, tránh thay đổi dễ dàng, gây ra tâm lý ngóng chờ sự thay đổi, điều chỉnh.
Với mục tiêu phát triển ổn định, bền vững thì chỉ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý dựa một phần vào vốn vay thương mại, nguồn vốn ngắn hạn, còn phải dựa chính vào nguồn vốn dài hạn ở các thị trường khác. Nếu thật sự cần vốn phục hồi và phát triển nền kinh tế thì cần giải quyết ngay ách tắc chậm giải ngân đầu tư công, khó khăn phát hành trái phiếu chính phủ, đình trệ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
“Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6 – 6,5%, lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế”. |
Vì nền kinh tế dựa quá nhiều vào tín dụng thương mại nên đã gây ra áp lực rất lớn cho hệ thống ngân hàng. Cần phải bắt mạch và khắc phục đúng những chỗ bị dừng, bị chặn thì chỗ nào, giải quyết ách tắc, khơi thông dòng vốn. Có lẽ ngoại trừ trường hợp, ngay thời điểm này nếu đã giải ngân hết 14% thì mới cần phải xem xét điều chỉnh ngay. Chứ hiện nay, việc cần là điều chỉnh giữa các ngân hàng, các ngành kinh tế và đẩy mạnh việc thu hồi nợ xấu để tăng nguồn vốn cho vay.
Việt Nam hay các ngân hàng trung ương trên thế giới dù bằng cách này hay cách khác vẫn là theo đuổi mục tiêu xuyên suốt, nhất quán nhiều năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị đồng tiền, điều hành nhịp nhàng với tăng trưởng. Cần xác định việc quan trọng số một của Ngân hàng Trung ương kìm hãm để bảo đảm ổn định, chứ không phải là vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đặt ra những giới hạn dù là giới hạn trên dưới, giới hạn cứng mềm đều là cần thiết.
Hạn mức tín dụng: Biện pháp phù hợp với điều kiện hiện nay
Có những ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên bỏ phương thức quản lý bằng room tín dụng mà để cho thị trường tự điều tiết như một số nước trên thế giới. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Với bối cảnh lạm phát và lãi suất trên thế giới đều đang tăng mạnh, tôi muốn khẳng định là “không thể bỏ room tín dụng trong giai đoạn hiện nay”. Hạn mức tín dụng bề ngoài giống như là một biện pháp hành chính, nhưng thực chất là một công cụ, giải pháp kinh tế và chỉ hướng đến mục tiêu kinh tế.
Bài toán cực khó của Ngân hàng Nhà nước là cùng lúc phải đáp ứng đa mục tiêu. Mặt bằng lạm phát, lãi suất tăng cao trong thời gian vừa qua, cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nếu buông lỏng các giới hạn, chỉ tiêu an toàn thì dư nợ tăng cao, lãi suất huy động, cho vay tăng cao, nền kinh tế đối mặt với nợ xấu của các ngân hàng, nguy cơ khó trả nợ, cạnh tranh của nền kinh tế sẽ rủi ro và khó khăn trong thời gian tới.
Hướng về dài hạn, theo ông giải pháp sẽ là gì?
Về lâu dài, tiền của người dân sẽ chỉ gửi ở một phần nhỏ ở ngân hàng, còn phần lớn phải đưa vào các kênh sản xuất, kinh doanh, đầu tư như: mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, thành lập công ty, kinh doanh sản xuất… Ngoài ra, trên thực tế nhiều năm nay tiền gửi ngân hàng hầu hết là ngắn hạn và vẫn buộc phải chấp nhận một tỷ lệ khá cao nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Tôi cũng nhấn mạnh thêm, hiệu quả quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là giữ được ổn định giá trị đồng tiền, giữ được niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Việc điều hành vĩ mô của ngành Ngân hàng trong những năm qua rất bài bản, hợp lý, đã giúp cho Việt Nam trở thành hội viên của tổ chức BIS vào năm 2020.
Thực tế, BIS có quy định rất chặt chẽ trong việc kết nạp hội viên, chỉ kết nạp thêm hội viên trên cơ sở chọn lọc các nền kinh tế có vai trò quan trọng và theo chiến lược, định hướng mở rộng vai trò của BIS trên toàn cầu. Chính vì vậy, việc kết nạp hội viên của BIS là rất hạn chế, thông thường 8 – 10 năm mới tiến hành một lần. Đây cũng là việc đánh giá sự chuyên nghiệp, bài bản trong điều hành, sự ghi nhận uy tín của quốc gia nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Nhuệ Mẫn (ghi)
———————
Đầu tư Chứng khoán (Tài chính) 13-9-2022:
(1.433/1.722)