3.870. Tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Góc nhìn của chuyên gia

Tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Góc nhìn của chuyên gia.

(ĐTM) – Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, quan điểm nợ thuế vì doanh nghiệp gặp khó khăn là đánh giá chủ quan, bởi khó có thể xác định việc nợ thuế là do doanh nghiệp khó khăn thật hay cố tình.

Câu chuyện ông Lương Hoài Nam – Tổng Giám đốc Bamboo Airways, bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế đã khơi dậy cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này.

Bị “bêu” tên vì nợ thuế là một tình huống khó chịu

Đối với những doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế, việc áp dụng các biện pháp mạnh là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra bức xúc khi lãnh đạo của họ bị tạm hoãn xuất cảnh chỉ vì nợ thuế ở mức 1-10 triệu đồng.

Đơn cử, trường hợp ông Phan Bá Quân – Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thịnh Digital, bị Chi Cục Thuế khu vực Sông Lam 1 (Cục thuế Nghệ An) thông báo tạm hoãn xuất cảnh vào ngày 20/9 do công ty nợ 2,8 triệu đồng thuế đến thời điểm 31/8.

Dù số tiền không lớn, nhưng ông Quân bất ngờ khi nhận thông báo, cho biết lý do chậm nộp thuế là do việc thay đổi địa điểm kinh doanh và kế toán nghỉ việc. Ông Quân cho rằng, mặc dù việc tạm hoãn xuất cảnh và “bêu” tên vì nợ thuế là một tình huống khó chịu, nhưng đây là biện pháp hợp lý và cần thiết để thúc đẩy việc nộp thuế.

hoãn xuất cảnh vì nợ thuế

Việc tạm hoãn xuất cảnh với người đứng đầu doanh nghiệp là đúng với quy định của pháp luật (ảnh minh họa)

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Hương ở Thanh Chương, Nghệ An, cũng bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ 8,6 triệu đồng thuế. Thậm chí, có doanh nghiệp đã dừng hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp vẫn nằm trong danh sách bị hoãn xuất cảnh, như trường hợp ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Không gian Quốc tế tại TP Vinh.

Đại diện một doanh nghiệp khác cũng chia sẻ nỗi bức xúc khi bị tạm hoãn xuất cảnh trong khi tiền hoàn thuế của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Vị này kiến nghị, nên cho phép khấu trừ khoản thuế doanh nghiệp được hoàn với số tiền nợ thuế, nhưng đề xuất này không được chấp nhận.

Trong một tình huống khác, tổng giám đốc một doanh nghiệp tại Bình Dương cho biết, cũng đang phải đối mặt với khả năng bị hoãn xuất cảnh vì khoản nợ thuế hàng chục tỷ đồng mà ông phải gánh do tranh chấp cổ đông. Trong khi đó, ông là người tiếp quản sau và đang cố gắng để vực dậy doanh nghiệp, trả số nợ mà chủ cũ để lại.

Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là biện pháp cuối cùng

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, việc tạm hoãn xuất cảnh với người đứng đầu doanh nghiệp nợ thuế là không sai vì pháp luật đã quy định rõ. Việc tạm dừng xuất cảnh với doanh nhân chỉ là giải pháp cuối cùng, khi cơ quan thuế đã sử dụng mọi biện pháp hành chính nhưng vẫn không thể thu hồi nợ thuế.

Tuy nhiên, ông Phụng cũng thừa nhận, thông tin về việc doanh nhân hoặc người đại diện pháp luật bị tạm dừng xuất cảnh thường khá nhạy cảm và có thể ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của doanh nhân, doanh nghiệp. Ngoài ra, thông tin này cũng có thể gây khó khăn trong việc hợp tác với các đối tác hoặc trong hoạt động ngoại giao của doanh nghiệp.

Các quốc gia trên thế giới đều coi thuế là một trong những đạo luật quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc

Về khía cạnh pháp lý, Luật sư  Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, các quốc gia trên thế giới đều coi thuế là một trong những đạo luật quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc, không kể doanh nghiệp đó là ai.

Cũng theo ông Đức, người Việt thường có tâm lý “ngại đụng đến với pháp luật”, việc ai đó bị tạm dừng xuất cảnh thường gắn liền với nghi ngờ về tội hình sự, bị bắt giữ hoặc khởi tố. Đây là một thông điệp khá nặng nề. Do đó, cần áp dụng một cách hợp lý và linh hoạt, tránh máy móc và căng thẳng đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Phân tích thêm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, dư luận đang hiểu sai về việc xuất cảnh và đánh đồng với môi trường kinh doanh. Theo đó, việc nợ thuế phải được xử lý theo quy định về nợ thuế, còn việc hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn và kinh doanh là vấn đề khác.

Cũng theo ông Ánh, quan điểm nợ thuế là do doanh nghiệp gặp khó khăn cũng là đánh giá chủ quan bởi không ai có thể xác định chắc chắn việc nợ thuế là do doanh nghiệp cố tình hay do hoàn cảnh khó khăn. Việc xử lý nợ thuế cần có chế tài, ngoài việc tạm dừng xuất cảnh người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, còn có nhiều biện pháp khác.

Tuy nhiên, tạm dừng xuất cảnh chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Sau một thời gian áp dụng cũng nên đánh giá lại hiệu quả từ đó điều chỉnh mức độ thực hiện hoặc thậm chí loại bỏ nếu cần. Bởi khoản nợ là của doanh nghiệp, nếu chỉ cấm người đại diện xuất cảnh thì chưa chắc đã mang lại hiệu quả, vì việc tạo ra nợ thuế có sự liên quan đến nhiều người khác nhau trong nội bộ.

Tuệ Minh

————-

Đô thị mới (Tiêu điểm) ngày 26-9-2024:

https://dothi.reatimes.vn/tam-hoan-xuat-canh-vi-no-thue-goc-nhin-cua-chuyen-gia-6803.html

(147/1.077)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,670