(ĐTTC) – Theo chuyên gia, nếu tổ chức tín dụng bán ngoại tệ (trong trường hợp này cụ thể là USD) mà không theo đúng mục đích sử dụng thực của người mua, sau đó người mua lại mang số ngoại tệ này ra “chợ đen” để bán và “ăn” chênh lệch tỷ giá là hành vi vi phạm pháp luật.
Chênh lệch lớn giữa giá bán USD của NHNN với “chợ đen”
Từ đầu năm đến nay, tình hình thị trường quốc tế diễn biến phức tạp với nhiều biến động khó lường như cuộc chiến Nga – Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế – tài chính toàn cầu, tác động mạnh lên giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản, làm trầm trọng thêm hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh… những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỉ giá và thị trường ngoại tệ.
Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ (cụ thể là USD) can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VNĐ dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VNĐ.
Tuy nhiên, cùng với động thái điều hành của NHNN thì cũng có nhiều đối tượng trục lợi từ việc thu gom USD trong các NHTM để bán ra thị trường “chợ đen” và “ăn” chênh lệch tỷ giá.
Tình trạng “lách” quy định để mua đi-bán lại USD và hưởng chênh lệch tỷ giá trên thị trường “chợ đen” diễn ra rất phổ biến hiện nay
Trao đổi với ĐTTC về tình trạng này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính nhận xét, hành vi “bắt tay” nhau để hình thành những đường dây mua đi bán lại USD nhằm hưởng tiền chênh lệch ở thị trường “chợ đen” là vi phạm pháp luật. Hệ luỵ nguy hiểm của hành động này đe doạ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, thậm chí tác động tiêu cực việc điều hành tỷ giá của NHNN. Mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức đều không được NHNN cấp phép.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đó là do mức chênh lệch giữa mua/bán USD hiện nay đang lớn, nên cả phía NHTM lẫn cá nhân mua USD và bán lại đều được hưởng lợi.
“Khi NHNN thực hiện bán ngoại tệ can thiệp điều tiết thị trường, với mức giá mua bán như hiện nay thì các NHTM sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch mua/bán USD bởi giá mà NHTM bán ra sẽ cao hơn so với giá mà các NHTM mua USD từ NHNN. Đây cũng là lý do mà các NHTM không nhất thiết phải thay đổi tỷ giá.
Khoản chênh lệch này còn lớn hơn nữa nếu bán ra ngoài “chợ đen”. Nên cũng có ý kiến lo ngại việc các NHTM đang “tuồn” USD từ thị trường chính thức sang thị trường phi chính thức để kiếm lời cao hơn khi chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường này quá lớn”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, tình trạng chênh lệch tỷ giá nói trên dự báo sẽ không kéo dài, bởi khi đồng USD giảm thì NHNN sẽ ngay lập tức có động thái mua về. Tuy nhiên, tình trạng mua đi-bán lại USD trên thị trường phi chính thức hiện nay vẫn đưa đến nhiều hệ lụy, do đó cơ quan chức năng cần phải sớm có biện pháp quản lý chặt những điểm được trao đổi, mua bán ngoại tệ.
Có nên sửa Thông tư 18?
Hiện nay, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 18/VBHN-NHNN của NHNN về quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng thì “Cá nhân là công dân Việt Nam được quyền mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này (mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài – PV) với mức 100USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày.
Mặc dù quy định mỗi người đổi mức 100USD/người/ngày trong 10 ngày nhưng tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư 18 lại có quy định mà theo đó các tổ chức tín dụng được phép bán vượt mức trên căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của cá nhân có mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Theo một số chuyên gia, chưa cần phải sửa đổi Thông tư 18 của NHNN vì tình trạng chênh lệch tỷ giá sẽ không kéo dài. Ảnh minh họa
Cũng theo quy định, số ngoại tệ tiền mặt tối đa cá nhân được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000USD. Vì vậy, với việc làm giả hồ sơ đi du lịch, các đối tượng trong đường dây dễ dàng đổi được 5.000USD/người tại mỗi ngân hàng.
Trả lời ĐTTC cho câu hỏi rằng phải chăng đã đến lúc cần phải sửa đổi lại Thông tư 18 về quản lý ngoại tệ, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho rằng không nhất thiết phải sửa Thông tư 18, bởi theo Luật sư Trương Thanh Đức tình trạng này sẽ khó có thể kéo dài.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: “Vấn đề mấu chốt ở đây là chúng ta phải nhìn nhận sự việc trong một bối cảnh rộng hơn và ở tầm dài hạn chứ không phải chỉ hiện tượng xảy ra nhất thời đã nghĩ ngay đến việc phải sửa quy định, nếu như thế thì sẽ rối, suốt ngày chỉ đi sửa đổi.
Thực tế cho thấy phải rất lâu rồi mới có chuyện các cá nhân “móc ngoặc” với NHTM để tuồn USD ra bán ngoài “chợ đen” để hưởng chênh lệch. Đó là vì thời gian qua FED điều chỉnh lãi suất nhiều lần, NHNN bán USD ra để cân đối tỷ giá, nên mới có tình trạng “ngược đời” là USD ngoài “chợ đen” tăng cao và mới xảy ra tình trạng trên. Chúng ta đặt ra câu hỏi ngược lại, rằng từ nhiều năm nay, giá USD bán ở trong các NHTM cao, nhưng giá USD bán ở “chợ đen” thấp thì sao? Khi giá USD trên thị trường thế giới hạ thì tự khắc thị trường trong nước sẽ trở về trạng thái ổn định như trước kia”.
“Cá nhân tôi cho rằng hiện nay NHNN vẫn đang kiểm soát tốt thị trường ngoại tệ nói chung và mua, bán ngoại tệ nói riêng, đó là chưa nói đến chúng ta đang siết rất chặt. Do đó tôi cho rằng không cần thiết phải sửa đổi Thông tư 18. Hãy để thị trường tự điều chỉnh”, LS Đức nói.
Lưu Thủy
————
Sài Gòn Đầu tư tài chính (Tài chính) 27-9-2022:
(317/1.361)