3.880. Ngành bảo hiểm sau “cơn giận” của mẹ thiên nhiên

Ngành bảo hiểm sau “cơn giận” của mẹ thiên nhiên.

(TBNH) – Chỉ trong chưa đầy một tuần, cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ kéo dài đã tàn phá, gây ra hậu quả nặng nề về người và tài sản tại một số tỉnh, thành phía Bắc. Những mất mát về người và của cải là không thể đong đếm, trong đó có không ít khách hàng của ngành bảo hiểm. Trong hoàn cảnh cấp bách, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhanh chóng vào cuộc, tích cực xác định thiệt hại và tạm ứng, chi trả bồi thường để sẻ chia gánh nặng với người dân.

 

bảo hiểm sau cơn giận

Đặt khách hàng là trung tâm, nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua. Bão và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa đã gây ra mưa lớn kéo dài, kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn gây ngập lụt. Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn. Ước tính đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ khoảng 40 nghìn tỷ đồng.

Trong số những trường hợp thiệt hại về người và tài sản do bão Yagi có không ít khách hàng của ngành bảo hiểm, đặc biệt khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Chính vì vậy, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Với mục tiêu đặt khách hàng là trung tâm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục tích cực tăng cường công tác thẩm định và giải quyết quyền lợi một cách nhanh chóng, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả; tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình, đồng thời chung tay tham gia cùng hỗ trợ trên tinh thần “tương thân tương ái” chia sẻ, giúp đỡ phần nào khó khăn đối với đồng bào bị ảnh ảnh hưởng của thiên tai (tổ chức các đoàn từ thiện hoặc phối hợp với chính quyền để cùng đóng góp nguồn lực).

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bắt tay vào nhiệm vụ trên ngay từ rất sớm. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 20/9, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 12.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 23 trường hợp tử vong, 6 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Số tiền chi trả thiệt hại của khối bảo hiểm nhân thọ khoảng 13 tỷ đồng; số tiền chi thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe ước tính khoảng 9.000 tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường khoảng 9,9 tỷ đồng.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, sau đợt càn quét của bão Yagi qua nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc lần này, ước tính khối doanh nghiệp phi nhân thọ có thể bồi thường lên tới hàng nghìn tỷ đồng, phần lớn các khoản chi trả do thiệt hại ở các cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp và ô tô bị cây đè bẹp hoặc ngập sâu do mưa lũ.

Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã ghi nhận 437 yêu cầu bồi thường liên quan đến bão Yagi. Trước những mất mát lớn của khách hàng, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ, doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai ngay các hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, bao gồm tạm ứng bồi thường; đồng thời huy động đội ngũ chuyên viên giám định hiện trường, giám định tổn thất đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương và làm việc trực tiếp khách hàng để ghi nhận, xác định mức độ thiệt hại.

Đối với các trường hợp khẩn cấp, doanh nghiệp đã phối hợp triển khai các nghiệp vụ giám định, đánh giá và đưa ra các phương án tạm ứng bồi thường phù hợp và nhanh chóng. Mục tiêu của doanh nghiệp là giúp khách hàng sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hoàn tất các thủ tục bồi thường trong thời gian ngắn nhất.

Cũng trong khoảng thời gian này, thông qua các đơn vị thành viên trên toàn quốc và hotline, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão, ngay lập tức BIC đã thực hiện tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ giám định bồi thường từ trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại; bổ sung nhân sự, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bảo hiểm.

Với bảo hiểm tổn thất về người, các hãng bảo hiểm cũng bước đầu chi trả tạm ứng cho một số khách hàng thiệt hại vì bão. Mới đây, đại diện Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam cho biết, tính đến ngày 9/9/2024, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão số 3 gây ra. Sau khi xác minh bước đầu, AIA Việt Nam chấp thuận chi trả quyền lợi cho toàn bộ 5 khách hàng này với tổng quyền lợi bảo hiểm khoảng 6,5 tỷ đồng. AIA Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực liên hệ với thân nhân khách hàng để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường và sớm thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm tới gia đình, người được ủy quyền nhận theo hợp đồng.

Thiệt hại lớn, trên diện rộng cũng đặt ra thách thức không nhỏ về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Song đại diện Tổng công ty Bảo hiểm PVI khẳng định, đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, song với tiềm lực tài chính lớn, dự phòng bồi thường đầy đủ, kinh nghiệm xử lý tổn thất chuyên nghiệp, PVI đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù những thiệt hại từ bão số 3 gây ra sẽ tác động lớn tới hiệu quả kinh doanh, nhưng toàn ngành bảo hiểm xác định việc hỗ trợ bồi thường nhanh cho khách hàng để giảm tải bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh là ưu tiên hàng đầu.

Từ sự vào cuộc tích cực của ngành bảo hiểm sau những thiên tai liên tiếp, một chuyên gia cho rằng, những hành động kịp thời trên sẽ giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất sau thiên tai. Nhưng đồng thời, nó cũng giúp nâng cao uy tín của ngành bảo hiểm khi tạo dựng niềm tin và hình ảnh tích cực về ngành bảo hiểm trong mắt cộng đồng, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm khi khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, lưu ý người mua bảo hiểm khi gặp thiên tai, thiệt hại thì đầu tiên phải gọi điện cho người phụ trách đã bán bảo hiểm cho mình; gọi điện lên tổng đài của công ty bảo hiểm để họ nắm bắt quá trình xử lý hồ sơ; ghi nhận bằng chứng hiện trường về tài sản bị hư hại như quay phim, chụp ảnh, lập biên bản ghi nhận thiệt hại…

Trong trường hợp cấp bách thì phải ghi lại bằng chứng dưới sự chứng kiến của cán bộ phường, xã, tổ chức đoàn thể, người làm chứng khác… thay cho thủ tục thông thường.

Hương Giang

————-

Thời báo Ngân hàng (Con số & Sự kiện) ngày 03-4-2024:

https://thoibaonganhang.vn/nganh-bao-hiem-sau-con-gian-cua-me-thien-nhien-bai-1-155773.html

(117/1.695)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,674