3.883. Lá chắn tài chính chắc chắn trước rủi ro

Lá chắn tài chính chắc chắn trước rủi ro.

(TBNH) – Liên quan đến cơn bão số 3 (Yagi), hiện các doanh nghiệp bảo hiểm đang tích cực thu xếp nguồn lực và hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ nhận chi trả quyền lợi bảo hiểm. Song không phải ai cũng có được sự hỗ trợ này.

Lá chắn tài chính trước rủi ro

Phòng ngừa trước, hưởng quyền lợi sau

Anh Vũ Việt Trung (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, sau bão cửa ban công và cửa sổ căn hộ chung cư tầng 26 của gia đình anh bị vỡ, nước mưa tràn vào nhà làm hỏng toàn bộ mặt sàn gỗ, hệ thống đèn trần và một số thiết bị điện bị hư hỏng nặng. Chi phí sửa chữa lên đến cả trăm triệu đồng khiến gia đình anh lao đao. Giờ đây, anh chỉ biết tự trách mình đã không mua bảo hiểm nhà ở hay tài sản để giảm bớt gánh nặng tài chính.

Cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, chị Hoàng Lan, TP. Yên Bái kể, cả đêm ngày 9/9, chị và mọi người không dám chợp mắt vì nước lũ lên quá nhanh. Nước lũ đổ ào ào từ con mương phía sau xưởng làm bung cánh cửa, nhấn chìm mọi đồ đạc, tài sản, hàng hóa và cả 5 chiếc xe chở hàng của gia đình chị. Khu vực xưởng ở vùng đất cao, giá trị mỗi loại hàng hóa nhỏ nên chị không nghĩ đến việc mua bảo hiểm, càng chưa bao giờ nghĩ tài sản gia đình tích góp bao năm sẽ mất trắng chỉ trong vài giờ ngắn ngủi như thế.

“Những lúc tai họa ập đến bất ngờ, tôi mới hiểu bảo hiểm có ích với mình đến đâu. Nếu tôi mua bảo hiểm, có lẽ mọi chuyện đã khác” chị Thư tâm sự.

Song, ngay cả những khách hàng tham gia bảo hiểm tài sản cũng không phải ai cũng nhận được quyền lợi bảo hiểm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, không phải cá nhân, doanh nghiệp nào bị thiệt hại trong bão Yagi đều được bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra. Việc xác định thiệt hại do bão Yagi có thuộc trường hợp được yêu cầu bảo hiểm hay không phải tùy thuộc vào doanh nghiệp, cá nhân có tham gia những loại hình bảo hiểm thiên tai hay không và các khoản mục hợp đồng bảo hiểm chi tiết được ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với tổ chức, cá nhân cụ thể.

Để được bảo hiểm bồi thường, khách hàng cần phải tham gia các gói bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm thiên tai trước đó. Đối với thiệt hại do thiên tai, chỉ những doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký bảo hiểm có mở rộng phạm vi bảo vệ cho thiên tai, bão lũ mới được xem xét bồi thường, những thiệt hại không có trong điều khoản hợp đồng, sẽ không được chi trả.

Cùng chung nhận định trên, một chuyên gia phân tích, việc bồi thường thiệt hại sẽ tùy thuộc vào điều khoản bảo hiểm và điều khoản loại trừ căn cứ theo hợp đồng bảo hiểm. Trước khi bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xem xét xem tổn thất bị gây ra bởi cái gì, nguyên nhân từ đâu. Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nếu rơi vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định, công ty bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Tính đến hiện tại, những tổn thất do bão số 3 gây ra như lũ, ngập nước, cây đổ… hầu hết đều nằm trong điều khoản bồi thường nên nhìn chung các tài sản sẽ đều nhận được bồi thường bảo hiểm. Trừ trường hợp có những điều khoản đặc biệt khác được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Để không còn những tiếc nuối

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, quyền lợi bảo hiểm liên quan đến cơn bão số 3 chủ yếu là các loại bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa… Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất trắng sau bão Yagi. Ngoài ra, nhiều chung cư, nhà ở tại các địa phương khu vực phía Bắc bị hư hỏng nặng sau bão.

Song, ông Ngô Trung Dũng cho biết, các chủ hộ kinh doanh chưa có thói quen chủ động phòng vệ rủi ro bằng bảo hiểm, do đó khi bị thiệt hại họ thường không thuộc diện được bảo vệ. Tương tự với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết thực tế, rất ít người dân mua bảo hiểm bão lũ cho chung cư hay nhà ở.

Lý giải tình trạng này, một chuyên gia cho biết, dù mức phí hàng năm của loại bảo hiểm mọi rủi ro tài sản với chung cư chỉ chiếm khoảng 3% giá trị tài sản, thấp hơn nhiều so với thiệt hại nếu xảy ra nhưng loại hình bảo hiểm này chưa phổ biến tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, đa phần người mua nhà tại Việt Nam đều mua nhà dựa một phần vào nguồn vốn vay ngân hàng, áp lực tài chính khiến họ mong muốn tiết kiệm chi phí tối ưu nhất nên thường bỏ qua bảo hiểm.

Đối với những công trình nhà xưởng, máy móc… mức độ bảo hiểm cao nhất là bảo hiểm cho mọi rủi ro cũng đã được không ít doanh nghiệp bảo hiểm giới thiệu ra thị trường. Khi xảy ra rủi ro, kể cả thiên tai bão lũ, công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường nhưng phí bảo hiểm sẽ rất cao nên các doanh nghiệp tư nhân cũng thường bỏ qua loại hình bảo hiểm trên.

Để giải quyết vấn đề này, vị chuyên gia này cho rằng, các công ty bảo hiểm cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là tập trung vào các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Bên cạnh việc cung cấp các gói bảo hiểm toàn diện, cần có thêm những sản phẩm bảo hiểm linh hoạt, với mức phí phù hợp và quy trình bồi thường đơn giản, minh bạch, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, từ tư vấn, hỗ trợ đến giải quyết bồi thường, cũng là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân khách hàng, góp phần xây dựng niềm tin và thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm quốc tế, một chuyên gia cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định về việc mua bảo hiểm tài sản, đặc biệt là căn nhà là điều bắt buộc, điều này cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo cho căn nhà trước rủi ro, nguy cơ gây tổn thất, chia sẻ gánh nặng tài chính khi không may có các sự cố xảy ra. Theo đó, công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho các tổn thất đối với ngôi nhà và tài sản, chi phí thuê, chi phí sửa chữa ngôi nhà giúp chủ sở hữu an tâm hơn.

Cơ sở pháp lý vững vàng hơn sẽ yếu tố góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ hơn, giúp cho tổ chức, cá nhân khôi phục đời sống, sản xuất kinh doanh sau những rủi ro. Đồng thời, ngành bảo hiểm cũng cần “tăng tốc” chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

“Để thực hiện được điều này, chúng ta cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều khía cạnh như xây dựng hành lang pháp lý vững chắc; doanh nghiệp cần phát triển đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch và chiến lược rõ ràng… Từ đó, thị trường bảo hiểm sẽ có những bước hồi phục và phát triển ổn định trong thời gian tới”, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định.

Hương Giang

————-

Thời báo ngân hàng 04-10-2024:

https://thoibaonganhang.vn/nganh-bao-hiem-sau-con-gian-cua-thien-nhien-bai-2-156271.html

(201/1.456)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,913